Mua trái phiếu phát hành ra công chúng của nhà băng, nhà đầu tư cần lưu ý rủi ro nào?
Lãi suất cao hơn song trái phiếu tăng vốn cấp 2 của ngân hàng cũng rủi ro hơn so với tiền gửi bởi kỳ hạn dài hơn, thứ tự ưu tiên thanh toán thấp hơn trong trường hợp ngân hàng phát hành phải thanh lý tài sản.
Năm 2024, các ngân hàng tại Việt Nam đã tăng phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 lên tới 92.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn và duy trì tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn vốn.
Trong đó, 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh ( Agribank, BIDV, VietinBank) do việc khấu trừ vốn cấp 2 của các ngân hàng này. Một số ngân hàng quy mô lớn và vừa (ví dụ: MB, HDBank) đã thúc đẩy việc phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để đáp ứng sự gia tăng tài sản có trọng số rủi ro.
“Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng trong năm 2025 để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân, theo sau xu hướng gia tăng trong năm 2024,” ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao, VIS Rating nhận định.
Do lãi suất khá hấp dẫn, trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 phát hành ra công chúng của các ngân hàng được nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm. Theo luật chứng khoán và các hướng dẫn mới, trái phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm và tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán.
Vì hầu hết các trái phiếu ngân hàng không có các cơ chế bảo đảm như vậy, nên khi phát hành cho nhà đầu tư cá nhân các trái phiếu này cần phải được chào bán ra công chúng. Trong năm 2024, các ngân hàng đã gia tăng phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng lên 43% so với năm trước, đạt 37 nghìn tỷ đồng, đặc biệt là đối với một số ngân hàng quy mô nhỏ (ví dụ: BAB, BVB, KLB) và ngân hàng quy mô lớn và vừa (ví dụ: HDBank, MB).
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích VIS Rating khuyến cáo, các nhà đầu tư cần lưu ý trái phiếu tăng vốn cấp 2 mang rủi ro cao hơn so với tiền gửi ngân hàng và trái phiếu thường do có kỳ hạn dài hơn, thứ tự ưu tiên thanh toán thấp hơn trong trường hợp các ngân hàng phát hành phải thanh lý tài sản, và rủi ro bị chậm thanh toán lãi coupon.