Mùa thả càn bên sông

Quê tôi nằm bên tả ngạn gần cuối hạ lưu sông Đà Rằng. Ra soi, nhìn xuống hướng biển sẽ thấy chiếc cầu sừng sững bắc qua sông mà người dân quen gọi là cầu 21 nhịp. Bao đời gắn bó với cánh đồng, lũy tre, bãi cát, dải đất soi ven bờ, nên mọi người đều yêu quý con sông quê cho nước mát lành và phù sa bồi lắng. Những đứa con đi xa như tôi, mỗi năm đến tiết thu phân, lòng lại nhớ về tháng ngày xưa cũ với mùa thả càn bên sông.

Dọc bờ sông Đà Rằng là những cồn, bãi rộng mênh mông. Người lớn quen gọi phía bên kia là Tuy Hòa 1 (Đông Hòa, Tây Hòa), phía bên này là Tuy Hòa 2 (Phú Hòa, Tuy Hòa). Bà con tận dụng vùng đất ấy để trồng hoa màu như dưa, bí, mướp, đậu phộng, khoai lang, cỏ… Nhưng mỗi năm chỉ được một mùa, tới khoảng giữa tháng 8 âm lịch là phải thu hoạch xong để tránh mưa lụt. Mùa vui của những đứa trẻ mong chờ cũng đã đến, đó là mùa thả càn bên sông. Nói một cách bình dân, thả càn là tự do thả bò và hái mót hoa màu còn sót lại, sau khi người chủ đã thu hái xong. Người ta cho phép thả bò càn qua và hái những trái mướp non, dưa gang, dưa hấu, đọt mướp, đọt bí đem về. Cậu Mười tôi hay nói vui: Thả càn là thả chộ. Sau này tôi mới hiểu và rất ưa cách giải thích này của cậu!

Đến mùa thả càn, mới đầu giờ chiều đã nghe tiếng bạn í ới gọi nhau lùa bò ra sông. Đứa nào cũng nôn nao như sợ mất phần vui của mình ở ngoài bãi. Người lớn đem theo câu liêm, bao bố, rựa, đôi quang gióng để chiều về còn gánh cỏ, gánh rau. Bãi soi bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Nắng còn nhiều nhưng không chói chang mà là nắng thu vàng ươm, dịu nhẹ. Gió từ biển thổi lên mát rượi, tiếng dế gáy râm ran trong bờ cỏ, tiếng chim trời lảnh lót, tiếng nói cười rộn rã, tiếng cãi cọ ồn ào vì tranh giành con dế than dế lửa của bọn trẻ. Thế hệ chúng tôi chỉ học buổi sáng, chiều tha hồ rong chơi và giúp đỡ việc nhà như chăn bò, cắt cỏ, hái rau, hái củi… Bởi thế, chuyện ruộng đồng sông bãi đều rất quen!

Sau tết Trung thu, lúa trên đồng cắt hết, ruộng trơ gốc rạ nên bãi soi là nơi lý tưởng để chăn bò. Được rong chơi ngoài bãi, được hái những đọt bí, bông mướp đem về luộc cho bữa cơm chiều là thích. Hồi đó khó khăn nên củ khoai lang, trái dưa chuột cũng ngon ngọt lạ kỳ. Người lớn thì vừa thả bò vừa tranh thủ chẻ tre đan giỏ gà, giỏ la, đan rổ dưới bóng tre ven bờ. Phía bờ bắc sông Đà Rằng có nhiều lũy tre xanh trải ngút ngàn tầm mắt. Tre gắn bó mật thiết với đời sống người dân quê tôi. Tre vừa bao bọc, che chắn cho làng quê khỏi cơn nước dữ, vừa cho nguyên liệu để bà con đan đát, dựng nhà, làm củi đốt, vừa là bóng mát cho bọn trẻ vui chơi mỗi chiều ra sông. Trước đây, xóm Trung, thôn Vĩnh Phú cũng rất nổi tiếng với nghề đan nong, nia, sàng, rổ...

Thả càn là mùa vui của tuổi nhỏ. Dòng sông êm đềm, bãi cát mênh mông, nền trời có nhiều đám mây trắng xốp, còn chuồn chuồn, bươm bướm nhiều vô kể. Từng đàn chim se sẻ, ác le cứ sà xuống như vui đùa với đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ. Vì thả càn, chẳng lo bò đi lạc hoặc giẫm đạp hoa màu nên bọn trẻ tha hồ tìm dưa hấu, bẫy chim, bắt dế, đá banh, bắt ốc, xúc tép. Rồi cùng nhau nhóm lửa bằng cỏ khô để nướng khoai ngay trên bãi cát. Những củ khoai lang ruột trắng cháy sém cũng là hương vị tuổi thơ cơ cực mà ngọt ngào đâu dễ mờ phai. Sau này, tôi đọc bài thơ “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro” (Chăn trâu đốt lửa - Đồng Đức Bốn) mà cứ nhớ tuổi thơ làng cũ!

Thú vị nhất là nhờ mùa thả càn bên sông mà nhiều mối tình đã nên duyên tốt đẹp. Từ hai vùng đất bên sông cách trở, họ gặp nhau khi cắt cỏ, trồng dưa, thả bò rồi thương nhau mà về làm dâu, làm rể phía bên này. Nay không còn cảnh đò giang cách trở, những chiếc cầu nối nhịp bờ vui khiến ai nấy cũng hân hoan.

Trong muôn nỗi nhớ về làng quê, lòng tôi vẫn luôn dành một góc nhớ những mùa thả càn bên sông!

PHAN HUY THÙY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/320905/mua-tha-can-ben-song.html
Zalo