Mùa so đũa trổ bông
Bước vào tháng mười, gió chướng từ ngoài khơi kéo về giằng co quyết liệt để giành ngọn với từng cơn bấc lạnh lùng, mưa cũng cố gắng trút hết những giọt sầu chất chứa nghìn năm, con nước rong ngầu đục phù sa tràn đồng chuẩn bị cho một vụ mùa tươi tốt. Và đó cũng là mùa so đũa trổ bông.
Ai đã sinh ra và lớn lên trên những vùng quê chắc hẳn không thể nào quên được hình ảnh những cánh hoa so đũa trắng ngần, khoe sắc giữa trời đông, bất chấp sự vùi dập của phong ba bão táp. Bên cạnh vẻ đẹp tinh khôi vốn có, hoa so đũa còn là một món ăn đậm đà hương vị, gắn bó với bữa cơm quê nhà từ cái thuở hàn vi.
So đũa là giống cây họ đậu nhưng thân gỗ. Ngày trước, chỉ có một giống so đũa duy nhất là giống so đũa mùa, tương tự như lúa mùa một vụ vậy. Mỗi năm, so đũa chỉ trổ bông một lần vào độ tháng 10 âm lịch. Do đó, ai cũng mong chờ mùa gió chướng về để so đũa trổ bông.
Ở quê, so đũa được trồng chủ yếu trên các bờ kênh, với người dân thì cây so đũa giúp ích nhiều cho họ. Cây cho bóng mát để nghỉ ngơi giữa cái nắng cháy da ngoài đồng ruộng, cây cho hoa để làm thức ăn, khi cây già, độ chín, mười năm tuổi có thể đốn hạ rồi đem ngâm dưới mương nước một thời gian, dùng để làm cột nhà thì rất chắc chắn, không bị mối mọt phá hoại. Dù vậy, cái làm người ta thương nhớ nhất vẫn là bông so đũa.
Để thưởng thức hương vị bông so đũa phải mòn mỏi chờ đợi cả năm dài đằng đẵng. So đũa mùa từ khi trồng đến khi trổ bông phải mất 4 - 5 năm. Chính vì vậy mà khi cây trổ bông thì đã cao quá ba thân người lớn, muốn hái bông thì không phải dễ. Bông so đũa thường mọc ngoài đầu cành cây, không thể với tay hái tới được nên người dân quê thường nghĩ ra cách chặt một cây tre nhỏ rồi chẽ một đầu làm cây kẹp để hái bông rất hiệu quả.
Hồi nhỏ, tôi rất thích theo ba tôi hái bông so đũa. Dù từ nhà tôi ra tới bờ kênh phải hơn một cây số, lại còn phải lội qua cánh đồng đầy sình lầy vào mùa mưa gió nhưng tâm trạng tôi rất hào hứng vì vừa được nghe ba tôi truyền dạy kinh nghiệm làm nông, cách đặt lờ bắt cá, lại sắp được thưởng thức một món ngon trời phú, thử hỏi ai mà lại không thích.
Bông so đũa hái vào buổi sáng là ngon nhất, vì bông vẫn còn tươi và bên trong thì có nhiều mật hoa nên rất ngọt. Hoa khi hái về chỉ cần mở bên trong cánh hoa ra xem có sâu không là có thể đem rửa sạch và chế biến thành thức ăn. Bông đã nở và chưa nở đều có thể ăn được nhưng những bông còn phong kín thì thường ăn ngọt và giòn hơn.
Có rất nhiều món ngon được chế biến từ bông so đũa như: luộc, xào, nấu canh chua nhưng canh chua bông so đũa vẫn là món đặc sản ở quê ngày trước. Nhớ cái thời còn làm lúa mùa một vụ, cá tép còn rất nhiều. Buổi tối, tôi thường theo ba tôi đi cắm câu. Tháng mười trời tối, mưa nhiều, lúa mùa bắt đầu trổ bông lẹt xẹt nên cá đủ mồi ăn, con nào con nấy đều mập ú, đặc biệt là cá rô đồng.
Một đêm cắm câu ít gì cũng được vài kí, đủ loại cá nhưng má tôi thì vẫn chọn cá rô đồng để nấu canh chua và kho tiêu cho bữa cơm gia đình, vì loại cá này thịt thơm béo, ít xương lại ngay mùa mang trứng nên độ ngon càng được nhân lên gấp bội. Nguyên liệu cho nồi canh chua cũng khá đơn giản, chỉ vài trái chanh ngoài vườn, mớ rau ngò om để tạo mùi và quan trọng nhất vẫn là bông so đũa và cá rô đồng. Giữa tiết trời lập đông tháng mười lạnh đến đánh bò cạp được húp một muỗng canh chua, gấp một đũa cá rô đồng kèm bông so đũa với hương thơm béo của cá, vị ngọt thanh pha chút đăng đắng của bông so đũa thì còn món sơn hào hải vị nào trên đời này có thể sánh kịp.
Theo thời gian, cây so đũa mùa cũng trôi dần và mất hút theo dòng chảy nhộn nhịp của cuộc sống. Bây giờ thì đã có rất nhiều giống so đũa cho hoa quanh năm với đủ thứ màu sắc và hương vị, chỉ cần bước chân ra chợ là có ngay. Vì vậy mà cái cảm giác chờ đợi gió chướng về để đón mùa so đũa trổ bông cũng lạt dần và đi vào quên lãng trong tâm trí nhiều người. Nhưng với tôi thì hình ảnh những chùm bông so đũa trắng ngần, tinh khôi khoe sắc giữa tiết trời giông bão vẫn còn mãi với thời gian.