Mùa sách Tết 2025: Nhiều ấn phẩm về phong tục đón Tết cổ truyền
Mùa sách Tết năm nay, các đơn vị xuất bản ra mắt nhiều ấn phẩm giúp bạn đọc hiểu thêm về phong tục đón Tết trên khắp mọi miền Tổ quốc, thêm yêu vẻ đẹp Tết cổ truyền của dân tộc.
Những năm gần đây, sách Tết đã trở thành một phần không thể thiếu vào dịp Xuân mới. Chào đón Xuân Ất Tỵ 2025, nhiều thương hiệu sách và nhà xuất bản tiếp tục ra mắt sách Tết đặc sắc thuộc nhiều thể loại: Thơ, truyện, tản văn, self-help (sách giúp người đọc tự phát triển kiến thức, kỹ năng).
Nhiều ấn phẩm giúp bạn đọc hiểu thêm về phong tục đón Tết trên khắp mọi miền Tổ quốc, thêm yêu vẻ đẹp Tết cổ truyền của dân tộc.
Duy trì thương hiệu ‘Sách Tết’
Một trong những giai phẩm Xuân được mong chờ là “Sách Tết Ất Tỵ 2025” của thương hiệu sách Đông A.
Sách gồm 5 phần: Khúc dạo đầu của mùa Xuân, Văn, Thơ, Nhạc và Họa - do nhà thơ Hồ Anh Thái tuyển chọn.
Hợp tuyển này được thành hình từ sự góp sức của đội ngũ đông đảo tác giả: Nguyễn Thị Thu Huệ, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái... và các họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ, Đặng Xuân Hòa, Đặng Hồng Quân, Quyên Thái, Nguyễn Công Hoan, Đào Hải Phong...
Theo biên tập viên Trần Hoài Thu, cũng như mọi năm, Đông A chỉ in số lượng sách đúng như số năm, bắt đầu từ Kỷ Hợi 2019 với 2019 cuốn, và đến nay Ất Tỵ 2025 với 2025 cuốn, chia thành hai phiên bản bìa cứng và bìa mềm.
Một “ông lớn” khác của thị trường sách Tết là Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục đầu tư cho “Nhâm nhi Tết” - tuyển tập thơ, văn, tranh đã thành thương hiệu nhiều năm nay của đơn vị.
“Nhâm nhi Tết Ất Tỵ” mang đến 22 sáng tác của nhiều tác giả, rực rỡ chủ đề Xuân và Tết, ấm áp tình thân, niềm vui sum họp, gắn kết gia đình với truyền thống và cội nguồn.
Dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng ấn hành sách tranh minh họa màu với những vần thơ về Tết cổ truyền dễ thuộc dễ nhớ: “Tất tần tật Tết ta” và bộ đôi “Tết, gia đình là nhất! Ú òa, Tết phương Nam!”
Bộ sách “Tết tuổi thơ” với 3 cuốn: “Tết ở thị trấn biển,” “Tết ở cù lao xanh,” “Tết ngoài đảo xa” sẽ dẫn dắt các độc giả nhí “đi ăn Tết” tại những vùng đất khác nhau trên đất nước Việt Nam.
Chào đón năm Rắn, Nhà xuất bản Kim Đồng mời bạn đọc khám phá những thông tin khoa học thú vị về loài bò sát không chân này trong cuốn “Xà điển-Muôn chuyện về loài rắn.”
Cũng hướng đến đối tượng thiếu nhi, Tân Việt Books và Nhà xuất bản Mỹ thuật giới thiệu bộ sách Tết “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” gồm 3 cuốn: “Sự tích cây nêu ngày Tết,” “Sự tích Táo Quân,” “Sự tích bánh Chưng bánh Giầy.”
Theo bà Kim Thoa, CEO Tân Việt Books, dịp Tết đến Xuân về, lòng người hân hoan nô nức và có cả những lắng đọng nhớ về nguồn cội, đây là lúc thích hợp để chúng ta lật giở những trang sách, đọc những câu chuyện mang tinh thần truyền thống truyền thống dân tộc. Bộ sách được phát hành vào dịp Tết năm nay sẽ là món quà Xuân độc đáo đến với độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi.
Những ngày đầu năm 2025, Tân Việt Books cũng ra mắt nhà sách mới ở Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội, nâng tổng số hệ thống Nhà sách Tân Việt lên đến hơn 20 địa điểm ở khu vực miền Bắc.
Đặc biệt, mỗi hình ảnh thiết kế trong nhà sách (cây cầu tri thức, con mắt, tầng địa chất, bầu trời, trái đất) đều mang những giá trị và ý nghĩa riêng nhằm tôn vinh giá trị của sách với thông điệp: “Hãy yêu sách từng ngày, từng giờ bởi kiến thức là vô tận, chúng ta cần tích lũy, bồi đắp dần dần hàng ngày như những tầng địa chất. Hãy yêu sách vì sách là tri thức của nhân loại, sách là cầu nối tri thức quá khứ và hiện tại, rút ngắn khoảng cách của thời gian và không gian và tất cả chúng ta cùng chung một hành tinh xanh là Trái đất.”
Dấu ấn cá nhân
Không chỉ các đơn vị xuất bản chú trọng sách Tết, mà các tác giả cũng ra mắt tác phẩm trong dịp đặc biệt khi Tết đến Xuân về.
Đều đặn nhiều năm qua, cứ đến mùa lễ hội, nhà thơ Nguyễn Phong Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) lại ra một cuốn thơ hoặc tản văn để chia sẻ những cảm xúc và chiêm nghiệm cuộc đời với bạn đọc.
Từ 2020, tác giả sinh năm 1980 bắt đầu một dự án đặc biệt mang tên “Chúng ta sống,” chia sẻ những chiêm nghiệm, suy tư của tác giả khi nhìn lại một năm qua và hướng tới hành trình mới.
“Chúng ta sống để bước tiếp” là tập tản văn thứ tư trong loạt sách này sau “Chúng ta sống có vui không?,” “Chúng ta sống là vì…” và “Chúng ta sống để lắng nghe.”
Tác giả Nguyễn Phong Việt cho rằng “Chúng ta sống để bước tiếp” là cách mà mỗi người phải đối mặt với hiện thực, chấp nhận nó... và học cách trưởng thành sau những bước ngoặt mà cuộc đời tạo ra. Vì suy cho cùng, chúng ta - ai cũng mong muốn mình tốt đẹp hơn qua từng ngày. Vậy chỉ có cách đi tiếp để chứng minh rằng mình xứng đáng với một cuộc đời mới tốt đẹp hơn trong ngày mai.
Nhân dịp Tết đến, nhà báo Ngô Bá Lục (Hà Nội) giới thiệu tới độc giả cuốn tản văn thứ ba trong sự nghiệp của mình mang tên “Vằng vặc trăng quê.” Tác phẩm là một hành trình ngược dòng ký ức, tái hiện lại những kỷ niệm tuổi thơ, phong tục tập quán và văn hóa đậm nét Kinh Bắc.
Đặc biệt, không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán – thời khắc thiêng liêng của gia đình Việt – hiện lên sinh động qua từng trang viết.
“Tôi viết nhiều về Tết Nguyên đán thông qua những kỷ niệm thực tế của bản thân. Tôi muốn viết về Tết của ngày xưa, để người lớn có thể hồi tưởng lại quá khứ, mang lại những cảm xúc đẹp cho họ, còn với người trẻ, họ sẽ có một hình dung cơ bản về cái Tết Nguyên đán, để từ đó thêm hiểu, thêm yêu Tết có truyền thống của dân tộc,” tác giả chia sẻ.
Trước khi chính thức ra mắt, cuốn sách đã được đông đảo độc giả đón nhận với gần 1.000 cuốn bán hết qua trang cá nhân của nhà báo Ngô Bá Lục. Toàn bộ doanh thu từ cuốn sách sẽ được dành cho Quỹ Gió đồng, do nhà báo Ngô Bá Lục thành lập từ năm 2016. Quỹ này đã duy trì hoạt động từ thiện, như tặng quà Tết cho bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vào chiều 30 Tết hàng năm./.