Mùa nước nổi bên chân phá

Với những ai sống bên vùng chân phá Tam Giang, hẳn là năm nào cũng trải qua một vài đợt lũ lụt. Mùa lũ lụt tất nhiên sẽ hằn thêm nhiều lo âu về đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng, nhưng cũng là cơ hội để ngư dân tăng thu nhập, bởi mỗi mùa con nước lên sẽ mang theo nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

 Sau một đêm đánh bắt, ngư dân mua bán sản phẩm đánh bắt được ngày tại bờ

Sau một đêm đánh bắt, ngư dân mua bán sản phẩm đánh bắt được ngày tại bờ

1. Huế năm nào cũng có vài cơn lũ. Nước lũ ở Huế nhanh lên và cũng nhanh xuống. Lý do là chiều dài của các con sông ngắn và khá dốc. Riêng với những địa phương ở vùng phá Tam Giang, do nằm ở hạ nguồn các con sông, sát cửa biển nên mỗi lần có lũ, nước sẽ rút chậm hơn. Thời gian nước lũ về và để rút hết, nhanh thì 3 - 4 ngày, dài có thể hơn nửa tháng. Chính vì vậy, mà nhiều người dân sống bên chân phá thường gọi là “mùa nước nổi”.

Anh Nguyễn Ngọc Phú, xã Quảng Ngạn, Quảng Điền cho hay, những năm lũ lớn, nước có thể vào nhà, nhưng những đợt lũ nhỏ, chỉ đủ ngập các khu vực ruộng trồng lúa, khoai lang, hoa màu… Khi lũ về, thích nhất có lẽ là những đứa trẻ. Chúng chưa biết lo, biết nghĩ về tác động của lũ lụt nên mỗi lần nước lũ dâng là cả đám vui đùa thỏa thích. Nhà ai có ghe câu thì lấy chèo đi chơi quanh xóm. Nhà ai không có thì ra sau vườn, chặt mấy cây chuối kết lại làm bè, rồi cùng nhau vui chơi cả ngày mà không biết mệt. Dĩ nhiên, với nhiều đứa trẻ sống bên vùng chân phá, gần như đều biết bơi và chỉ được phép chơi ở những vùng nước cạn. “Tuổi thơ đơn giản như vậy mà vui. Tôi và lũ bạn cũng đã có một thời như thế”, anh Phú nhớ lại.

 Đặc sản của Tam Giang

Đặc sản của Tam Giang

Dân cư sống bên chân phá, không phải nhà nào cũng dựa vào phá Tam Giang làm kế mưu sinh chính. Ngoài những ngư dân nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên đầm phá, còn lại đa số họ vẫn làm nông nghiệp, kinh doanh, buôn bán… Với những hộ gia đình này, trước mỗi mùa nước lũ về thường sẽ dự trữ sẵn những loại thực phẩm khô để không lo đói qua mùa lũ. Cũng vì sống chung với lũ thường xuyên nên lâu dần họ hình thành thói quen cẩn thận, luôn chủ động chuẩn bị cho những tình huống nước lũ lên cao nhất.

Trong ký ức của những người sống bên vùng chân phá ngày trước, khi đời sống còn khó khăn, nhà cửa chưa được xây dựng kiên cố, nền móng thấp, mỗi lần lũ lụt về là bao nhiêu nỗi lo lắng. Có những năm lũ cao, phải “chạy lũ”. Hiện nay, việc “chạy lũ” gần như không còn. Thiệt hại cũng vì thế mà giảm hẳn.

2. Cũng như nhiều nơi khác, mùa nước nổi ở vùng chân phá Tam Giang mang về vô số “lộc trời” là tôm cá các loại. Vì vậy, đây cũng là mùa đánh bắt mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình. Theo ông Nguyễn Thành, ngư dân ở thôn 14, xã Quảng Công, (Quảng Điền), khi “nước bạc” đổ về, nhiều loại thủy sản sẽ di chuyển theo dòng nước. Có những mẻ lưới, hay trộ sáo thu được hàng chục ký tôm, cá đặc sản nức tiếng của phá Tam Giang.

 Thương lái về thu mua tôm, cá khi nước lũ còn thấp

Thương lái về thu mua tôm, cá khi nước lũ còn thấp

Ông Nguyễn Thành tự hào, khác với các vùng nước nổi ở các triền sông, với vùng phá Tam Giang đặc trưng nước lợ nên vào mùa nước nổi, thủy sản bắt được cũng là những loại đặc sản, như cá dìa, cá ong bầu, cá nâu, cá bống, cá ngạnh… thỉnh thoảng những con cá chình lớn vài kg, mang lại thu nhập tương đối ổn định cho ngư dân. Mùa nước nổi cũng là mùa nhộn nhịp của ngư dân miệt phá. Tiếng máy nổ của những chiếc ghe vô ra để đổ nò sáo, tiếng cười nói xuyên đêm.

Với những người từng có tuổi thơ gắn bó với đầm phá, mùa nước nổi, thích nhất là chiều muộn được cùng người thân đi thả lưới. Ban đêm cá nhiều vô kể. Ở vùng bên chân phá, nhà nào cũng có sẵn vài tay lưới đánh cá. Nhà nhiều có thể vài chục, nhà ít cũng có 1 - 2 tay lưới để đánh bắt ăn dần. Thế nên, ở vùng chân phá, có những người bủa lưới rất giỏi. Kinh nghiệm nhiều năm, nên họ nắm rõ hướng di chuyển của cá để giăng lưới “một phát ăn ngay”.

Ông Phan Hùng, xã Điền Hải, Phong Điền chia sẻ, bữa cơm ngày nước nổi đơn giản, chỉ là những loài cá vừa đánh bắt được kho với nước mắm đặc trưng của vùng biển, cùng vài trái ớt tươi, đơn giản vậy mà hao cơm vô cùng.

Bên cạnh mang lại nguồn lợi thủy sản, nước lũ về còn bồi đắp phù sa cho những cánh đồng thường xuyên bị nhiễm mặn và nhiễm phèn. Năm nào có lũ, thời gian càng kéo dài thì qua sang năm, nông nghiệp càng cho năng suất cao hơn. Những loại sâu bệnh, nhất là chuột phá hoại cũng ít hẳn.

3. Những ngày này, nước nổi lại về. Hỏi thăm ngư dân tình hình thu hoạch tôm, cá có “trúng đậm” như trước thì được biết, càng về các năm sau này, lượng tôm cá thu hoạch được càng ít đi. Như năm nay chẳng hạn, chỉ thu được khoảng một phần ba so với thời điểm cách đây khoảng 10 năm.

Ông Cao Huy Mẫn, Chủ tịch UBND xã Điền Hải, Phong Điền đánh giá, nguồn lợi từ thủy, hải sản mùa lũ ngày càng ít đi, do việc đánh bắt mang tính tận diệt ngày càng nhiều. Ngày trước, chỉ có các trộ sáo, đến mùa lũ thì thả lưới ven bờ. Ngày nay, tình trạng đánh bắt bằng lưới lừ, giã cào, xung điện vẫn còn xảy ra… Bao nhiêu tôm cá lớn nhỏ đều bị đánh bắt. Việc biến đổi khí hậu, khiến dòng nước nổi những năm gần đây cũng khác đi, thất thường và không theo quy luật nhất định.

Theo Chi cục Thủy sản, khai thác thủy sản luôn cần đặt song song với việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Bắt nguồn từ những đợt thả tôm, cá nhỏ lẻ bằng nguồn lực chính sách có phần hạn chế, thời gian qua, các hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản dần thu hút được nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức xã hội, đặc biệt là các chi hội nghề cá. Trong năm 2024, các đơn vị, tổ chức đã thả hơn 1,5 triệu con giống tôm, cua, cá các loại, tăng 10 lần so với trước. Cùng với đó, hàng năm trung bình có khoảng hơn 700 lượt tuần tra từ cộng đồng ngư dân đã xua đuổi hàng trăm tàu thuyền khai thác vi phạm trong khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ngăn ngừa, bắt giữ hàng chục đối tượng khai thác trái phép.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho hay, giải pháp cần được triển khai trong thời gian đến để bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản trên đầm phá là tăng cường giám sát, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm khai thác thủy sản trái phép, xâm hại ngư trường, nguồn lợi thủy sản. Nhanh chóng kiện toàn lực lượng kiểm ngư địa phương để thực thi pháp luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như chống khai thác IUU một cách hiệu quả hơn. Tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa trong việc tái tạo nguồn lợi thủy sản, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản...

Đức Quang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/mua-nuoc-noi-ben-chan-pha-148922.html
Zalo