Mua nội thất nhà mới: 5 thứ cần đồ xịn, 4 loại dễ thành hàng thừa

Khi mua nội thất nhà mới, nhiều người vì thiếu kinh nghiệm nên dễ chi quá tay cho món ít dùng mà quên đầu tư vào món cần thiết lâu dài.

Lần đầu dọn vào nhà mới, ai cũng háo hức muốn hoàn thiện không gian sống thật chỉn chu, đầy đủ. Tuy nhiên, không ít người vì thiếu kinh nghiệm mà chi mạnh tay cho những món nội thất ít dùng đến, trong khi lại bỏ qua những thứ cần đầu tư lâu dài.

Trong những năm gần đây, thị trường nội thất Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, phản ánh nhu cầu ngày càng cao trong việc đầu tư cho không gian sống. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, giá trị thị trường nội thất Việt Nam được ước tính đạt khoảng 429,6 triệu USD vào năm 2025 và dự kiến tăng lên hơn 687,8 triệu USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 9,9%.

Ở một góc độ rộng hơn, một báo cáo khác từ Expert Market Research cho biết, ngành hàng cải tiến nhà ở và trang trí nội thất tại Việt Nam (DIY home improvement) hiện đã đạt quy mô gần 22 tỷ USD vào năm 2024 và có thể cán mốc gần 38 tỷ USD vào năm 2034, với mức tăng trưởng ổn định khoảng 5,7%/năm.

Những con số này cho thấy xu hướng người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày càng quan tâm đến việc chăm chút cho không gian sống, coi nội thất không chỉ là vật dụng thiết yếu mà còn là yếu tố thể hiện phong cách sống. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh và đa dạng của thị trường cũng khiến không ít người lần đầu mua sắm nội thất rơi vào tình trạng “vung tay quá trán”, đầu tư sai thứ tự và gây lãng phí đáng tiếc.

Ảnh minh họa/Nguồn: Canva

Ảnh minh họa/Nguồn: Canva

Mua nội thất nhà mới đừng ngại xuống tiền cho những đồ dùng quan trọng

Giường và đệm chất lượng

Giấc ngủ chiếm tới 1/3 cuộc đời, vì vậy giường và đệm tốt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khả năng làm việc và trạng thái tinh thần. Một chiếc giường vững chắc, đệm có độ nâng đỡ phù hợp là món hàng nên ưu tiên. Chi phí cho giường và đệm lâu bền có thể là khoản khoảng 10-20 triệu đồng nhưng mang lại giá trị sử dụng kéo dài đến 8-10 năm.

Sofa phòng khách vừa đủ thoải mái

Phòng khách là không gian chung, dùng để tiếp khách, xem tivi, hay thư giãn. Không cần sofa quá đắt nhưng nên chọn loại có khung chắc, đệm êm, vải dễ lau chùi. Mua sofa chất lượng trung bình (tầm 7–15 triệu đồng) sẽ đảm bảo dùng được nhiều năm và dễ bảo trì.

Bàn ăn và bàn làm việc

Dù không phải món đồ đắt đỏ nhất, bàn ăn và bàn làm việc lại là hai món nội thất tác động trực tiếp đến nhịp sinh hoạt hằng ngày. Với những gia đình nhỏ hoặc người sống một mình, bàn ăn không cần quá lớn, chỉ cần đủ gọn gàng, tiện dụng và hài hòa với không gian tổng thể.

Trong khi đó, nếu thường xuyên làm việc tại nhà, việc đầu tư một chiếc bàn làm việc chắc chắn, có chiều cao phù hợp và không gian đủ thoải mái sẽ góp phần đáng kể vào hiệu suất công việc. Cả hai món đồ này đều có thể lựa chọn theo ngân sách linh hoạt, dao động từ vài triệu đồng nhưng vẫn đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ nếu chọn đúng thiết kế phù hợp với diện tích căn hộ.

Tủ đồ/tủ lưu trữ

Một tủ quần áo hoặc kệ đựng vật dụng có thiết kế gọn, nhiều ngăn, tận dụng tối đa chiều cao là lựa chọn thông minh. Dù chi phí không nhỏ (khoảng 5–12 triệu đồng) nhưng lại giúp giữ cho không gian gọn gàng, giảm stress và tiết kiệm thời gian tìm đồ.

4 món nội thất kể trên có thể chiếm khoảng 60–70% ngân sách mua nội thất ban đầu nhưng là những món “xứng đáng” vì mang lại hiệu quả lâu dài, cải thiện chất lượng sống rõ rệt.

Ảnh minh họa/Nguồn: Canva

Ảnh minh họa/Nguồn: Canva

Đồ nội thất dễ khiến người mua “vung tay quá trán”

Đèn trang trí “đủ kiểu, đủ màu”

Thị trường đèn trang trí hiện nay đa dạng đến mức dễ làm người tiêu dùng “mờ mắt”: từ LED, đèn chùm, đèn đọc sách đến đèn cảm ứng… Sự đa dạng mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ nội thất cao của các gia đình nhưng đồng thời cũng dễ trở thành chi phí “đập phá” cho những món đồ chủ yếu để trưng. Rủi ro là người mua dồn tiền quá nhiều vào đèn hoa mỹ, trong khi lại ít dùng tính năng đọc sách, điều chỉnh ánh sáng thực tế. Kết quả là vừa tốn điện, vừa lỗi mốt nhanh và khi cần bố cục lại phòng, rất ít khi được nhắc đến.

Bàn trà hay kệ tivi quá cỡ

Khi chọn nội thất, nhiều người thích đầu tư bộ sofa “xịn” nhưng lại chọn bàn trà và kệ tivi quá cỡ, không tương xứng với không gian. Một bàn trà cồng kềnh chiếm diện tích, hạn chế di chuyển, trong khi người trẻ ngày nay có xu hướng chat, ăn uống ngay tại sofa hoặc bàn làm việc khiến bàn trà chỉ dùng lác đác vài lần cuối tuần. Tương tự, kệ tivi quá lớn đôi khi bất hợp lý khiến thiết kế phòng trở nên nặng nề và dường như "vô dụng" nếu chủ hộ chỉ chơi nhạc, xem phim qua laptop, điện thoại.

Decor rườm rà và theo mốt

Tranh ảnh, tượng, chậu cây giả… dễ khiến bạn chi rất nhiều tiền chỉ để “đầy nhà”, trong khi gu thẩm mỹ chưa ổn thì dễ gây rối mắt. Thay vào đó, hãy bắt đầu với vài món decor đơn giản và thêm dần khi thực sự có ý tưởng sẽ giúp tránh lãng phí.

Thiết bị nhà bếp “mua cho đủ bộ"

Theo Grand View Research, người tiêu dùng Việt Nam (độ tuổi 18–45) chi khoảng 57–60% tổng chi tiêu cho các thiết bị gia dụng. Trong đó, nhiều người nhà mới dễ sa vào "hiệu ứng bộ sưu tập": máy xay, máy ép, nồi chiên không dầu, máy làm bánh… Món nào cũng muốn thử nhưng thực tế là chỉ vài loại dùng thường xuyên, số còn lại nằm chỏng chơ trong tủ bếp. Theo khảo sát nhanh, chỉ khoảng 30–40% thiết bị nhỏ được sử dụng thường xuyên, phần còn lại trở thành chi phí không đem lại giá trị lâu dài.

Do đó, khi lần đầu mua nội thất, người tiêu dùng nên giữ tư duy “tiền rót vào công năng và trải nghiệm thiết thực”. Các món decor xa xỉ, thiết bị ít dùng, nội thất cỡ lớn chỉ nên xuất hiện sau khi bạn sống đủ lâu để hiểu rõ thói quen sinh hoạt và gu thẩm mỹ cá nhân.

Phương Anh

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/mua-noi-that-nha-moi-5-thu-can-do-xin-4-loai-de-thanh-hang-thua-d11051.html
Zalo