Mùa mưa lên núi câu cua, bắt ốc

Mưa già cũng là lúc người dân trên núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên) bước vào mùa câu cua, bắt ốc. Hiện tượng nghe có vẻ nghịch lý này vốn dĩ lại hợp lý, khi núi Cấm là nơi sinh sống của 2 loài vật đặc trưng: Cua núi và ốc núi.

Theo lời cư dân trên núi Cấm, cua núi có hình dạng tương tự đồng loại ở đồng bằng. Tuy nhiên, chúng có đôi càng đỏ rực, mai có màu tím sẫm và cứng hơn cua đồng bằng.

Để bắt cua núi, người ta dùng một chiếc cần câu đặc biệt. Câu không có lưỡi, chỉ quấn một mớ dây thun. Cái khó là phải làm sao cho chùm thun có hình dạng giống con mồi, mới “dụ” được cua núi... kẹp câu.

Khi chùm thun tới gần, những con cua sẽ kẹp lấy nó. Khi đó, người ta giật mạnh cần câu, những con cua văng ra khỏi hang, thế là bị tóm!

Người dưới đồng bằng lên thấy cảnh câu cua thì khá háo hức, muốn làm “cần thủ” nhưng tỷ lệ thành công gần như bằng không!

Người dân trên núi cho hay, cua núi khá hung dữ nên cần biết cách bắt phù hợp. Nếu không, sẽ bị cua kẹp. Cảm giác bị cua núi kẹp cũng không hề dễ chịu.

Những con cua được cho vào bọc, mang về chế biến, hứa hẹn sẽ có món ăn ngon cho thực khách đường xa.

Với cua núi, đa phần thực khách thích rang me, rang muối. Thịt cua núi thơm ngọt tự nhiên, kết hợp với vị chua của me và gia vị sẽ rất ngon.

Ngoài ra, việc luộc sả ăn ngay cũng khá “dính”, vì thịt cua sẽ giữ được hương vị đặc trưng. Khách đến núi Cấm trong mùa mưa, sẽ rất hào hứng muốn nếm thử hương vị của loại cua ẩn mình trên chốn non cao.

Ngoài cua núi, ốc núi cũng là đặc sản của Thiên Cấm Sơn hùng vĩ. Nói về hình dạng, ốc núi khác hẳn với nhóm họ hàng ở đồng bằng. Chúng có thân màu trắng, hơi dẹp, vỏ sọc đen hoặc màu trắng sữa. Mùa nắng, ốc núi rúc mình dưới tán lá cây, trong hốc đá. Mưa xuống, chúng bò ra đón sự tươi mát của đất trời và kiếm ăn. Khi đó, dân trên núi Cấm bước vào mùa ăn ốc núi.

Với du khách phương xa, được cầm trên tay một con ốc núi béo tròn là trải nghiệm mới mẻ. Không nhiều người có thể tin trên đỉnh núi cao hơn 700m lại có loài ốc định cư và được người dân khai thác, chế biến thành đặc sản.

(Ảnh: Dương Việt Anh)

(Ảnh: Dương Việt Anh)

Ốc núi có thể chế biến nhiều món, nhưng ngon nhất là luộc sả, luộc cơm mẻ, luộc lá chúc, xào tỏi, xào sa tế… bởi ốc giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên.

Người dân trên núi Cấm cũng bật mí, ốc núi nơi đây chủ yếu ăn cây cỏ, thảo dược nên có hương vị đặc trưng so với nơi khác. Do đó, mức giá của chúng thời điểm đầu mùa khá cao, khoảng 300.000 đồng/kg, nhưng không đủ nguồn cung. Nhận thức được nguồn ốc núi sẽ cạn kiệt nếu bị khai thác quá mức, người dân núi Cấm chỉ tìm bắt trong mùa mưa, thời điểm chúng phát triển mạnh về số lượng.

Do mỗi năm chỉ xuất hiện một mùa nên cua núi, ốc núi luôn là món ngon được du khách tìm kiếm. Trong tương lai, cần có biện pháp tuyên tuyền, vận động người dân khai thác cua núi, ốc núi hợp lý để những loài vật này mãi là một phần không thể thiếu trong các món đặc sản của Thiên Cấm Sơn hùng vĩ.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mua-mua-len-nui-cau-cua-bat-oc-a406225.html
Zalo