Mùa mưa đến, ĐBSCL tăng tốc phòng chống sạt lở

Mùa mưa năm nay tại ĐBSCL đã bắt đầu, cũng là lúc tình hình sạt lở đất bờ sông, bờ biển trở nên phức tạp, khó lường. Chính quyền địa phương và người dân đang tích cực phối hợp để phòng tránh từ xa nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và giữ vững sinh kế.

Tại tỉnh Bạc Liêu, biến đổi khí hậu khiến tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng phức tạp. Sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê với tần suất ngày càng cao, gây sạt lở, đe dọa đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Cùng với đó, nhiều diện tích rừng vốn được xem là lá chắn thì nay cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sóng biển, tăng thêm mối đe dọa đối với hạ tầng và khu dân cư.

Bờ biển đông thuộc ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, là một trong những khu vực có tình trạng sạt lở diễn ra nhanh, phức tạp nhất của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Mến (ngụ ấp Biển Đông A) cho biết, từ nhiều năm nay sóng biển liên tục gây ra sạt lở đất, ăn sâu vào đất liền, tình hình ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ ông Mến, rất nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực này đều cảm thấy bất an, lo lắng mỗi khi mặt biển nổi sóng. “Tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra hết sức phức tạp, tốc độ sạt lở diễn ra nhanh, nhiều diện tích bãi bồi bị thu hẹp đáng kể. Mỗi khi thấy triều cường, dông gió lớn, người dân chúng tôi cảm thấy lo sợ”, ông Mến nói.

Khu vực sạt lở bờ biển ở Bạc Liêu được cảnh báo nguy hiểm

Khu vực sạt lở bờ biển ở Bạc Liêu được cảnh báo nguy hiểm

Chia sẻ về tình trạng sạt lở đất ven biển, ông Lê Văn Năm (ngụ ấp Biển Đông A) cho hay: “Gia đình tôi nhiều thế hệ sinh sống, canh tác ổn định trên đất này. Trước đây những cánh rừng mắm chạy dài từ đê kè ra ngoài biển tới hàng trăm mét, nhưng giờ cả đất và rừng đã bị mất dần. Một số vị trí bị sóng biển “nuốt chửng” tạo thành “hàm ếch” lớn rất nguy hiểm. Ở đây, ngoài nuôi tôm, gia đình tôi còn trồng hoa màu trên đất bãi bồi. Đây là sinh kế chủ yếu của gia đình tôi”.

Từ năm 2016 đến nay, vùng ĐBSCL đã ghi nhận 812 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 1.191km. Trong đó, 315 điểm (tương đương 601km) được xếp vào nhóm đặc biệt nguy hiểm. Cụ thể, sạt lở bờ sông có 214 điểm dài 254km; sạt lở bờ biển có 101 điểm dài 347 km.

Bạc Liêu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng sạt lở. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 38 đợt sạt lở, làm hư hỏng 126 căn nhà và ảnh hưởng đến 292 căn nhà khác, tổng chiều dài sạt lở hơn 3,6km, gây thiệt hại trên 23,5 tỉ đồng. Hiện tại, Bạc Liêu đã xác định 77 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 571km và 6 điểm sạt lở bờ biển, dài hơn 24km. Địa phương cần tổng vốn đầu tư lên đến 28.035 tỉ đồng cho các công trình phòng, chống sạt lở đến năm 2030.

Còn tại Cà Mau, toàn tỉnh hiện có khoảng 91km/254km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, bờ biển phía tây (nơi đã đầu tư đê biển) bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm là 22km. Qua thống kê, giai đoạn 2011-2023, sạt lở bờ biển đã làm mất khoảng 6.200ha đất và rừng phòng hộ. Nhiều công trình như cống, đê biển, đường giao thông, bờ bao... bị hư hỏng; nhiều diện tích rừng ngập mặn bị mất; nhiều ao, đầm tôm bị phá hoại. Sạt lở cũng đe dọa đến các khu du lịch của địa phương, làm nhiều nhà dân bị sập, nhiều hộ phải di dời đi nơi khác...

Một lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau thông tin, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiều đoạn của đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở đã tiến sâu vào bên trong. Ðặc biệt trong mùa mưa bão, nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn đã phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

“Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không được xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ đe dọa đến các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan nhà nước, hệ thống điện, hoạt động sản xuất của người dân và các công trình hạ tầng khác”, vị lãnh đạo cảnh báo.

Nhiều địa phương khu vực ĐBSCL đã và đang triển khai các giải pháp chống sạt lở như: tập trung xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình phòng, chống tổng hợp, đa mục tiêu và theo từng loại hình (sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, hạn hán). Trong đó, ưu tiên một số công trình kết nối, chuyển nước giữa các hệ thống thủy lợi ở Tiền Giang và vùng bán đảo Cà Mau.

Sạt lở ảnh hưởng đến khu vực rừng phòng hộ

Sạt lở ảnh hưởng đến khu vực rừng phòng hộ

Bên cạnh đó, củng cố, nâng cấp hệ thống cống dọc sông Tiền, sông Hậu để kiểm soát lũ, ngập úng, kết hợp nạo vét, trữ nước ngọt trong các kênh trục vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, các công trình kiểm soát nguồn nước tại cửa sông; nâng cấp, hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi lớn, quan trọng; xây dựng, nâng cấp, củng cố hệ thống đê biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang…

Tỉnh Bạc Liêu đã và đang triển khai hàng loạt dự án chống sạt lở như: kè Nhà Mát, kè Đông Hải, kè Gành Hào, kè dọc quốc lộ 1A… Các công trình này sử dụng cọc ly tâm, rọ đá, bê tông cốt thép chống xói lở, chắn sóng, ổn định bờ biển. Đồng thời, tỉnh đã ban hành kế hoạch quản lý, phòng chống sạt lở đến năm 2030; đề xuất Trung ương ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho công trình ven biển, cùng định mức đầu tư phù hợp với đặc thù vùng sạt lở. Bên cạnh giải pháp cho các công trình, tỉnh Bạc Liêu cũng quan tâm các giải pháp phi công trình. Cụ thể, tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện trồng rừng ngập mặn ven biển để giữ đất, giảm sóng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, bảo vệ tài nguyên ven biển, ven sông; điều chỉnh quy hoạch dân cư, di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực nguy hiểm.

Tại Cà Mau, vào cuối năm 2024, địa phương đã phê duyệt Dự án kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau (dự án thành phần cấp địa phương tại tỉnh Cà Mau). Trong đó, có hợp phần phục hồi đê biển bằng việc xây dựng kè chắn sóng, phòng chống sạt lở, gây bồi tạo bãi và bảo vệ đê biển với chiều dài 7km tại khu vực 2 bên cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh). Cùng với đó là hợp phần phục hồi và phát triển rừng, trồng 54,8ha rừng các loại với tổng kinh phí hơn 230 tỉ đồng từ nguồn vay ODA và vốn đối ứng.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho hay, với mục tiêu chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, tạo điều kiện ổn định khu vực ven biển, ven sông; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của nhân dân, Cà Mau hướng quyết tâm đến năm 2025 nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

Các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở. Đồng thời, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà ở tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ biển, bờ sông, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mua-mua-den-dbscl-tang-toc-phong-chong-sat-lo-232967.html
Zalo