Mùa mưa

Hai hôm nay, trời trở âm u, rồi mưa. Nghe đài báo ở ngoài biển xa áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và đi vào vùng biển nước ta. Dọc dải đất miền Trung, mùa này trở đi đã vào mùa mưa lũ. Kinh nghiệm của ông bà ta là mùa mưa kéo dài đến hết 23 tháng 10 âm lịch. Trong tục ngữ về hiện tượng tự nhiên đã nói: "Ông tha nhưng bà chẳng tha, còn sợ cái lụt hăm ba tháng Mười".

Ngày xưa, mỗi lần mùa mưa đến, ở quê tôi, nhiều gia đình chộn rộn với việc đi đón con lũ đầu mùa để giăng lưới, giăng câu bắt cá, cắm trúm bắt lươn... Lũ đầu mùa, các loại hải sản đồng quê thường từng đàn bơi đi mừng nước, mùa của sinh sản. Vậy nên, con lũ đầu mùa thường có rất nhiều cá. Mùa mưa đến cũng là thời điểm mấy đứa trẻ chúng tôi có dịp dầm mưa, lội nước bạc đi theo người lớn để bắt cá.

Thời đó, ở vùng quê nghèo, áo mưa phần lớn đều phải tận dụng các loại bạt ni lông để làm. Rất ít gia đình đi mua áo mưa, một phần vì phải tiết kiệm khi kinh tế còn nhiều khó khăn, một phần vì các vật liệu ni lông tận dụng vẫn đảm bảo giữ cho người không ướt. Nhiều người thường mua tấm bạt đi mưa giá rẻ ở các quầy tạp hóa cắt bán theo mét, tùy nhu cầu của người mua, cần cắt lớn hay nhỏ. Tấm áo đi mưa này chỉ cần khoác lên vai, cột quàng qua cổ là cũng đủ để che mưa khi đi ra khỏi nhà. Còn ở những gia đình đậm chất nông dân thì thường tận dụng phần túi ni lông lót bên trong của các bao đựng phân urê. Bao ni lông lót nhằm để phòng khi dính nước cũng không thể thấm vào trong làm tan phân được. Hồi đó, các gia đình mua phân urê về để bón ruộng; sau khi bón xong, nông dân cẩn thận tháo đường chỉ may phần đáy bao bên ngoài và phần bao ni lông lót bên trong. Bao ni lông này được xếp cất gọn gàng để sử dụng làm áo mưa mặc mỗi khi đi mưa. Việc sử dụng cũng rất đơn giản, chỉ cần khoét 3 cái lỗ ở phần đáy bao, trong đó 2 lỗ ngang vai để xỏ tay và 1 lỗ chính giữa đáy để chui đầu. Loại áo mưa chui đầu đầy sáng tạo này của nông dân rất bền, bởi đây là loại ni lông có độ dẻo cao.

Tôi được biết, ở nhiều tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, áo mưa ngày ấy phần lớn được làm bằng các lớp lá của các loại cây để may lại, thường gọi là áo tơi. Ở quê tôi, ngày đó, một số gia đình nhà có vườn cau thì cũng làm áo mưa bằng lá cau, cũng có thể sử dụng lá buông từ khu rừng ở Ninh Tây hoặc Hòn Dữ để làm mỗi khi mùa mưa mặc cũng bền và giữ ấm rất tốt.

Mùa mưa ở quê tôi, cứ vào giờ nhóm bếp, những làn khói trắng đậm đặc len lỏi qua cửa sổ nhà bếp, chen nhau bay qua kẽ những mái ngói. Để giữ cho củi được khô, nhóm bếp cháy đượm cũng là cả vấn đề. Bởi sau khoảng hơn một tuần với những cơn mưa rả rích kéo dài âm ỉ suốt ngày đêm, việc tìm củi khô là chuyện khó, vậy nên phần lớn quanh bếp lửa đều phải chất củi ẩm ướt để hong cho khô. Đôi khi củi không kịp khô nên việc nhóm bếp rất cực, từ khi nhóm cho đến khi bếp bắt được lửa luôn phải chịu cảnh hít phải khói đang cuộn quanh bếp, nước mắt nước mũi cay xè. Vậy nên kinh nghiệm của người lớn chỉ vẽ là sau mỗi lần nấu xong phải dùng tro lấp lên than hồng để ủ giữ lửa.

Bây giờ, cuộc sống hiện đại, đủ đầy hơn rất nhiều, có nhiều sự lựa chọn. Việc dùng áo mưa như những ngày xưa cũ, hoặc nhóm bếp lửa trong mùa mưa ẩm ướt có chăng chỉ còn trong ký ức của mỗi người!

ĐẠI HẢI

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202410/mua-mua-1f97281/
Zalo