Tại huyện Quế Phong, ông Phan Trọng Dũng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết, sạt lở taluy dương, taluy âm đã khiến một nhà dân tại xã Thông Thụ bị sập hoàn toàn, ảnh hưởng nhà ở của 41 hộ dân với 186 nhân khẩu.
Đối với những hộ dân bị ảnh hưởng, UBND huyện Quế Phong đã khẩn cấp di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại lớn về vật nuôi, cây trồng và các công trình giao thông. Sạt lở đất, ngập lụt nhiều điểm trên quốc lộ 48, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, chính quyền địa phương cũng đã cho người túc trực, cắm biển cảnh báo.
Tại huyện Thanh Chương, Chủ tịch UBND huyện Trình Văn Nhã cho hay, mưa lũ đã gây ngập lụt, chia cắt ở các xã Thanh Xuân, Thanh Tùng, Ngọc Lâm, Thanh Lâm, Hạnh Lâm, Thanh Đức. Trong đó, lũ gây cô lập 3 xóm ở xã Thanh Xuân với hàng trăm hộ dân. Chính quyền địa phương đã lên các phương án phòng chống cũng như theo dõi sát sao tình hình để ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân.
Tại thành phố Vinh, mưa lớn đã gây ngập tại các tuyến phố, một số điểm ngập sâu 0,7m, phương tiện giao thông chết máy ngổn ngang. Lực lượng chức năng căng dây cảnh báo, cấm phương tiện đi vào đoạn ngập sâu.
Lực lượng chức năng sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Sạt lở đất đang đe dọa người dân miền núi Nghệ An.
Tại huyện Con Cuông, ông Lô Văn Thao – Chủ tịch UBND huyện thông tin, chính quyền địa phương đã sơ tán 55 hộ dân với 220 nhân khẩu trong vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Quốc lộ 7 đi qua địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng ở đoạn Dốc Chó, đá lăn, cây đổ từ núi xuống ở đoạn Vực Bồng. Các công trình giao thông, trường học bị ảnh hưởng.
Tại huyện Tân Kỳ, chính quyền sở tại cũng đã di dời người và tài sản của 25 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất.
Sạt lở đất tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn.
Tại một số huyện như Diễn Châu, Tương Dương, Hưng Nguyên, Anh Sơn mưa lũ cũng đã gây ngập lụt nhiều nơi. Hiện, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn xảy ra mưa vừa, mưa to. Mưa lũ những ngày qua ở Nghệ An cũng đã khiến 4 người chết.
Cảnh Huệ - Ngọc Tú