Mưa lớn vượt ngưỡng dự báo, người dân Thừa Thiên-Huế trở tay không kịp
Mưa lớn cực đoan từ thượng nguồn khiến nước lũ trên sông Hương dâng cao vượt mức báo động 3. Người dân trở tay không kịp.
Người dân trở tay không kịp
Trận lũ ngày hôm qua đã gây thiệt hại khá nặng nề về người và tài sản của người dân. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh miền Trung. Theo đó, Quảng Trị và TT-Huế có 2 người chết, 3 người mất tích; hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng loạt tuyến đường giao thông bị chia cắt.
8 địa phương tại tỉnh TT-Huế là TP Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Nam Đông, Phú Lộc bị ngập từ 0,3 - 1,5m.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế, trận mưa lũ xảy ra trong ngày 15/11 đã khiến 85% tuyến đường tại 36 phường, xã của TP Huế bị ngập.
Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương như Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan... ngập bình quân 0,8-1,2m. Các tuyến đường khu vực Nam sông Hương như Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Tố Hữu... ngập bình quân 0,5-1m.
Vì bị động nên thời điểm toàn TP Huế bị nước lũ bao vây, nhiều người dân vẫn lội bì bõm trong dòng nước lũ dâng cao ngang ngực để đi mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Trên nhiều tuyến đường, hàng chục xe ô tô bị nước lũ nhấn chìm.
Khoảng 3h ngày 15/11, cơ quan chức năng tỉnh TT-Huế ghi nhận nước lũ sông Hương đạt trên mức báo động 3, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2020. Nước lũ cuồn cuộn đổ về trong đêm khiến người dân địa phương trở tay không kịp.
“Trước khi lũ tràn về ít giờ, thông qua hệ thống Hue-S, chúng tôi chỉ nhận một số thông báo liên quan đến việc thủy điện, các hồ chứa điều tiết nước để cắt lũ, đảm bảo an toàn hồ đập. Không ai nghĩ rằng, mới sáng sớm, toàn thành phố đã bị nước lũ bủa vây, giao thông chia cắt, các phương tiện giao thông bị nước lũ nhấn chìm”, anh Nguyễn Xuân Q. (trú tại phường Xuân Phú) chia sẻ.
Một số người dân có nhà cửa bị ngập nặng tại trung tâm TP Huế cho rằng, nguyên nhân một phần bởi sự cảnh báo, dự báo không sát.
Ý kiến của người dân chỉ ra không phải không có cơ sở, bởi lẽ trên thực tế, từ ngày 13/11 đến 10h ngày 15/11, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa mưa to và mưa rất to. Riêng huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc có mưa lớn, với lượng mưa phổ biến 500-900mm, có nơi cao hơn như: Xuân Lộc, Phú Lộc 1.111mm; Thượng Quảng, Nam Đông 1.028mm; Hương Sơn; Thủy điện Bình Điền-Hương Trà 1.105mm, Vườn Quốc gia Bạch Mã 1.006mm.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Hòa - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, Đài khí tượng thủy văn tỉnh và các cơ quan liên quan dự báo từ 13-17/11, trên địa bàn tỉnh TT-Huế xuất hiện lượng mưa các đợt từ 250-500mm.
Việc dự báo lượng mưa các đợt từ 250 – 500mm, nhưng trên thực tế, lượng mưa có nơi đã đạt trên 1.000mm và kéo dài liên tục trong nhiều ngày. Việc này khiến nhiều người cho rằng, việc dự báo của cơ quan chức năng trong đợt mưa lũ này còn hạn chế.
Dự báo chưa sát?
Có thể nói, TT-Huế là một trong nhiều tỉnh miền Trung thường xuyên phải hứng chịu những mất mát, hậu quả nặng nề của các trận mưa lũ. Nhiều người ví von rằng, việc lượng mưa tăng đột biến từ thượng nguồn khiến nước sông dâng cao chẳng khác nào cú “đánh võng” của thiên tai để thử thách khả năng dự báo của chính quyền, cơ quan chức năng.
Chiều 15/11, đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế nhìn nhận, công tác dự báo lượng mưa trong đợt này chưa sát với diễn biến thực tế.
Theo ông Minh, trong đợt mưa lũ này, địa phương đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó, nhưng đến nay tình hình mưa lũ đã vượt qua mọi kịch bản. Lượng mưa đổ về các hồ chứa rất lớn khiến nước lũ trên các sông dâng nhanh, gây ngập lụt trên diện rộng.