Mưa lớn gây sạt lở, ngập lụt, sơ tán khẩn cấp nhiều hộ dân xã biên giới ở Thanh Hóa
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ ngày 22 - 23/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 60 - 120mm, cục bộ có nơi hơn 200mm. Từ đêm 22/9 đến đêm 23/9, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to. Cảnh báo mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, vùng núi, vì vậy người dân cần hết sức lưu ý.
Tại Thanh Hóa, trong ngày 21 và 22/9, mưa lớn tiếp tục kéo dài gây sạt lở, ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn các huyện miền núi. Tại H.Mường Lát, mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng nhiều nơi trên tuyến Quốc lộ (QL) 15, QL16 thuộc địa phận các xã Trung Lý, Pù Nhi, Mường Chanh khiến giao thông từ miền xuôi lên trung tâm H.Mường Lát và các xã tuyến trên bị chia cắt. Tại xã Mường Chanh (H.Mường Lát), mưa lũ lớn từ thượng nguồn biên giới Việt - Lào tràn về khiến nước suối Sim dâng cao, chảy xiết, gây ngập Tỉnh lộ 521E, chia cắt xã này với trung tâm H.Mường Lát. Lực lượng BĐBP, Công an, chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp 18 hộ dân sống dọc suối Sim đến hội trường UBND xã và nhà văn hóa thôn bản. Hiện nay, các lực lượng cũng đang vận động, tổ chức sơ tán tiếp 30 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét đến trú tránh tại nơi an toàn. Nước suối Sim dâng cao cũng khiến toàn bộ 4 cầu tràn đi vào khu dân cư bị ngập sâu hơn 1m, có nơi đã ngập gần 2m. Địa phương đã cho lắp biển cảnh báo, nhiều nơi đã làm rào chắn cấm các phương tiện qua lại để bảo đảm an toàn. Do là xã biên giới, cách xa trung tâm huyện, nước lũ hiện chia cắt tuyến đường nối từ huyện vào xã nên xã Mường Chanh thực hiện phương châm "4 tại chỗ", duy trì 100% quân số thường trực, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống lũ gây ra. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm sẵn sàng tham gia phòng, chống và ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra.'
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục có mưa vừa đến mưa to. Tại địa bàn huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, mưa lớn cũng gây sạt lở, ngập các đập tràn gây chia cắt nhiều nơi. Đặc biệt, đợt mưa lũ vừa qua đã làm đứt gãy, sạt, lở nghiêm trọng tuyến QL217 và tỉnh lộ 521D đoạn dẫn về Mường Lát; hơn 40 điểm trên tuyến QL15C sạt lở nghiêm trọng với khối lượng đất đã đổ xuống đường là hơn 100.000m3. Bên cạnh đó, nhiều điểm sạt lở còn kéo theo hiện tượng đá lăn, cực kỳ nguy hiểm cho người và các phương tiện lưu thông. Hiện trên địa bàn hầu hết các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa hoặc mưa to, độ ẩm trong đất đã gần bão hòa hoặc đã bão hòa, nên có khả năng cao xảy ra sạt lở, vì vậy lực lượng chức năng đưa ra cảnh báo 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, gồm: Mường Lát, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Quan Hóa, Quan Sơn, Như Thanh, Bá Thước, Thạch Thành, Như Xuân, Thường Xuân đều có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất ở mức cao.
Tại Nghệ An, rạng sáng 22/9, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Thông Thụ đã kịp thời sơ tán khẩn cấp người dân ở bản Mường Piệt (xã Thông Thụ, H.Quế Phong) đến nơi an toàn, trước khi xảy ra sạt lở núi. Trong khi đó, tuyến đường huyết mạch từ trung tâm thị trấn đi xã Mường Típ và Mường Ải (H.Kỳ Sơn) bị 2 điểm sạt lở lớn đang gây chia cắt. Trước đó, vào khoảng hơn 16 giờ chiều 20/9, bà P.T.T. (SN 1986, trú thôn 8, xã Tường Sơn, H.Anh Sơn) chở 2 con gồm 1 cháu học lớp 5, 1 cháu học lớp 3 từ trường học về nhà bằng xe đạp điện. Khi đi qua cầu tràn Khe Cốc (xóm 4, xã Hoa Sơn), 3 mẹ con bà T. cùng xe đạp điện bị lũ cuốn trôi. Phát hiện sự việc, người dân ở gần cầu tràn đã cứu được 2 cháu bé, riêng bà T. bị nước cuốn trôi mất tích, đến tối cùng ngày thi thể mới được tìm thấy cách hiện trường không xa. Tại H.Anh Sơn, mưa lớn khiến nước trên các sông, suối dâng lên rất nhanh. Trên địa bàn huyện còn có 28 điểm bị ngập nước, trong đó mố cầu Khe Lòa trên tuyến Tỉnh lộ 349D đã bị sạt lở, có nguy cơ sập cầu.
Tại Hà Tĩnh xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, chính quyền địa phương nhanh chóng di dời người dân đến nơi an toàn. H.Hương Khê đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở và có nguy cơ tiếp tục tiếp diễn. Cụ thể, dốc Truông Bụt, QL15A, đoạn qua xã Hà Linh, H.Hương Khê xuất hiện tình trạng sạt lở khiến nhiều khối lượng đất, đá đổ xuống mặt đường. Tại xã Điền Mỹ, trước tình trạng sạt lở đất, chính quyền địa phương di dời nhiều hộ dân đến nơi tránh trú an toàn. Mưa lũ khiến nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện này bị ngập sâu, hư hỏng. Tại H.Vũ Quang, có nhiều điểm ngập lụt. Địa phương đã triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm hậu cần, lực lượng, phương tiện phòng chống bão lụt cũng được huyện chuẩn bị kỹ lưỡng để huy động khi cần thiết.
Thủy điện Hòa Bình mở hai cửa xả lũ, 12 tỉnh, thành phố lo ứng phó
Ngày 22//9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Công điện số 7103/CĐ-BNN-ĐĐ gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình về việc mở cửa xả đáy thứ 2 hồ thủy điện Hòa Bình.
Theo đó, hồi 11 giờ ngày 22/9, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 117,05m, lưu lượng đến hồ 3.813m3/s, lưu lượng xả 2.073m3/s. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ 2 hồ thủy điện Hòa Bình vào 13 giờ ngày 22/9. Trước đó, lúc 12 giờ cùng ngày, 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình đã được mở. Như vậy, sau 11 ngày đóng cửa xả đáy cuối cùng sau một đợt xả nước, hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả nước trở lại theo lệnh của Bộ NN&PTNT. Việc xả đáy lần này được thực hiện theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, nhằm bảo đảm an toàn cho hồ chứa cũng như điều tiết lũ theo yêu cầu trong bối cảnh mưa lũ tại miền Bắc vẫn đang diễn biến phức tạp, gây áp lực lớn cho hệ thống thủy điện. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân sống ở vùng hạ du sông Đà cần theo dõi chặt chẽ thông tin xả nước để có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Công ty Thủy điện Hòa Bình theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tình trạng an toàn công trình lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ NN&PTNT (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.
Ban hành kèm theo công điện này là công văn của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) gửi các địa phương, gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình về việc bảo đảm an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Hòa Bình. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương trên tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, bảo đảm an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh bảo đảm an toàn về người, tài sản. Các địa phương cần phối hợp với chủ hồ để có giải pháp bảo vệ người dân, nhất là những người hiếu kỳ đến gần khu vực xả nước, đồng thời báo cáo ngay cho Bộ NN&PTNT về các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình xả nước.