Mùa đông phòng viêm phổi ở người cao tuổi

Mùa đông, thời tiết xuống thấp khiến người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm phổi do sức khỏe suy yếu, hệ miễn dịch kém.

Vì sao người cao tuổi dễ bị viêm phổi?

Người cao tuổi có rất nhiều các yếu tố đặc thù làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi như:

Hệ thống miễn dịch yếu: Sự lão hóa của hệ thống miễn dịch làm cho người cao tuổi không chống lại được sự tấn công của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Người cao tuổi dinh dưỡng kém làm cho sức khỏe suy giảm dẫn đến viêm phổi.
Mắc nhiều bệnh lý mạn tính: Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý mạn tính cả toàn thân và đường hô hấp như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, bệnh gan, thận mạn tính, viêm phế quản mạn, giãn phế quản, COPD, hoặc bị tai biến nằm lâu một chỗ...làm tăng nguy cơ bị viêm phổi.
Sự tác động của các yếu tố có hại: Nghiện thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia, khói bụi ô nhiễm môi trường... là các yếu tố thường gặp và là tác nhân thúc đẩy tình trạng viêm phổi ở người cao tuổi.

Trên thực tế, không phải tất cả các trường hợp viêm phổi đều có thể tìm được nguyên nhân. Có tới 50% trường hợp không tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Người cao tuổi nên tiêm vaccine ngừa cúm và phế cầu để phòng bệnh

Người cao tuổi nên tiêm vaccine ngừa cúm và phế cầu để phòng bệnh

Biểu hiện viêm phổi ở người cao tuổi

Các triệu chứng phổ biến:

Ho thường kèm theo cảm giác khan cổ họng/ xuất hiện đờm có màu vàng, xanh hoặc có máu.
Khó thở.
Sốt, cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
Thường xuyên đổ mồ hôi và run rẩy.
Ăn không cảm thấy ngon miệng.
Đau ngực khi bình thường và trở nặng hơn khi thở hoặc ho.

Các triệu chứng ít phổ biến hơn

Ho ra máu.

Nhức đầu.
Mệt mỏi.
Buồn nôn.
Thở khò khè.
Đau khớp và cơ.
Cảm thấy choáng và mất phương hướng.

Chủ động phòng viêm phổi ở người cao tuổi

Cần có lối sống lành mạnh

Một cuộc sống khỏe mạnh nâng cao sức đề kháng để phòng bệnh viêm phổi cho người cao tuổi. Do đó người cao tuổi cần có chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày với sự phong phú về rau quả, các loại hạt, ngũ cốc, dầu ô liu, cá, động vật có vỏ… với một lượng vừa phải rượu vang và một lượng nhỏ thịt đỏ.

Tuổi già thường khó ngủ, đi tiểu đêm nhiều lần, dễ tỉnh giấc và khó ngủ lại. Rối loạn giấc ngủ khiến sức khỏe và chất lượng cuộc sống suy giảm đáng kể, dẫn đến suy nhược cơ thể và tinh thần. Vì vậy, người cao tuổi nên tập thói quen đi ngủ và thức giấc vào đúng khung giờ nhất định, không nên kê gối cao khi nằm ngủ, giữ cho không gian ngủ được yên tĩnh, thoáng đãng, ít ánh sáng.

Khuyến khích người cao tuổi thường xuyên vận động, tập thể dục. Vận động thường xuyên giúp giảm các vấn đề liên quan đến tuổi tác và lão hóa. Luyện tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe, hạn chế mắc các bệnh tim mạch, góp phần làm giảm cân nặng trong trường hợp thừa cân, chống loãng xương, cải thiện cơ lực và các hoạt động chức năng, cải thiện về mặt tâm lý. Người cao tuổi nên chọn bài tập thể dục phù hợp với sức khỏe, sở thích, dễ thực hiện như: đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh, yoga, chơi cờ,...

Nên tiêm vaccine phòng ngừa cúm và phế cầu

Phế cầu khuẩn là tác nhân hàng đầu gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, các đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu như người cao tuổi, người có bệnh lý nền dễ mắc bệnh nhất. Đặc biệt, thời điểm lạnh và hanh khô cuối năm càng tạo điều kiện cho mầm bệnh sinh sôi và lây lan mạnh mẽ.

Ngoài ra, khi sức khỏe và hệ miễn dịch suy yếu dần làm cho sự đề kháng tự nhiên ở người cao tuổi giảm đi. Viêm nhiễm đường hô hấp và bệnh cúm ở người già có xu hướng gia tăng, nhất là khi giao mùa hay có dịch cúm. Do vậy, việc tiêm vaccine ngừa cúm và phế cầu nên được thực hiện đều đặn hàng năm. Người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình cũng được khuyến cáo tiêm ngừa vaccine chống viêm phổi.

Bỏ thói quen xấu để phòng viêm phổi

Người cao tuổi cần bỏ thói quen xấu, không hút thuốc lá, thuốc lào. Trong những ngày trời lạnh mà nhiệt độ giảm thấp cần được giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh, nơi ở phải thông thoáng.

Nếu ra ngoài nhớ phải dùng khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xúc người bệnh, tránh nơi tập trung đông người.

Cần rửa tay thường xuyên với xà phòng. Vận động cơ thể bằng mọi hình thức tùy theo sức khỏe và điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.

Tóm lại: Khi người cao tuổi nghi ngờ bị viêm phổi, cần đến khám tại cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt bởi vì nếu để muộn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh, bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì bệnh không những không khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

BS. Nguyễn Thanh Lâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mua-dong-phong-viem-phoi-o-nguoi-cao-tuoi-169250105114620964.htm
Zalo