'Mua' cầu thủ ngoại cho tuyển quốc gia: Lợi hay hại?
Lần đầu tiên sau 15 năm, bóng đá Việt Nam đã đưa một cầu thủ ngoại nhập tịch từ Brazil có tên Rafaelson góp mặt tại AFF Cup 2024.
Bóng đá không chỉ là cuộc chơi trên sân cỏ mà còn là niềm tự hào dân tộc, minh chứng qua những lần xuống đường của người hâm mộ Việt Nam “gây bão” khi đội tuyển vô địch AFF 2008, hay mới đây ở AFF Cup 2018. Thế nhưng việc tăng cường ngoại binh nhập tịch để đăng quang cuộc chơi nhỏ của Đông Nam Á, mà người ta hay gọi là “ao làng” đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Nhập tịch ngoại binh chạy đua thành tích
Một danh hiệu AFF Cup sẽ không chỉ khẳng định và nâng tầm bóng đá của một quốc gia ở Đông Nam Á mà còn tạo cảm hứng lớn lao cho thế hệ cầu thủ trẻ lẫn người hâm mộ. Việc đặt mục tiêu vô địch sẽ thúc đẩy đội tuyển tiến bộ, không chỉ ở cấp độ khu vực mà còn hướng đến những sân chơi lớn hơn như vòng loại World Cup hay Asian Cup.
Tuy nhiên, làng bóng Đông Nam Á vốn yếu đuối từ lâu đã biến tướng qua việc nhập tịch cầu thủ để tăng cường sức mạnh cho đội tuyển quốc gia. Từ những năm 2000, đảo quốc Singapore tiên phong trào lưu nhập tịch cầu thủ với những cầu thủ Bennet (người Anh), Egmar Goncalves (Brazil), Agu Casmir (Nigeria), Duric (Bosnia)… Họ nhanh chóng “làm trùm” Đông Nam Á với bốn chức vô địch AFF Cup.
Làn sóng nhập tịch ngoại binh từ Singapore lan rộng sang nhiều nước khác như Philippines, Malaysia, sau này là Indonesia, Thái Lan, Việt Nam. Đáng chú ý ngoại binh nhập quốc tịch của Singapore, Malaysia hoàn toàn “nguyên con”, khác với người Phi, Indo, Thái nhập tịch cầu thủ theo dạng “con lai” có cha mẹ, ông bà mang dòng máu, gốc gác bản xứ.
Bóng đá Việt Nam khoảng 15 năm trước dưới thời HLV Calisto từng có 3-4 cầu thủ nhập tịch “nguyên con” lên tuyển, nhưng vì gặp phải những phản ứng ngầm khiến ông thầy người Bồ Đào Nha không sử dụng họ trong các trận quốc tế chính thức.
Cái hay của ông Calisto hồi năm 2008 đăng quang Đông Nam Á không dùng ngoại binh nhập tịch, như để chứng minh rằng sức mạnh của một đội tuyển quốc gia vẫn bền vững mà không cần dựa vào ngoại lực với kiểu nhập khẩu cầu thủ về chơi bóng chỉ một thời gian.
Tương tự, Thái Lan cũng không có ngoại binh nhập tịch vẫn 7 lần vô địch AFF Cup, cho thấy sự “đốt cháy giai đoạn” hoặc “ăn xổi” của Singapore, Malaysia, Indonesia không phải lúc nào cũng thành công và không mấy tự hào.
Cầu thủ gốc ngoại ở tuyển Việt Nam: Lợi thì có lợi…
Nguyễn Xuân Son là tiền đạo nhập tịch đặc biệt nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam chuẩn bị góp mặt tại một giải đấu chính thức AFF Cup 2024. Son có tên Brazil là Rafaelson, vừa được đội bóng Nam Định nhập tịch thành công hồi giữa tháng 10/2024. Anh đang trở thành tâm điểm chú ý, không chỉ từ dư luận trong nước mà còn ở nước ngoài vì không phải là cầu thủ Việt kiều.
Hiện tại, đội tuyển Việt Nam vẫn có thủ thành Nguyễn Filip cũng mới nhập tịch thành công hồi cuối năm ngoái nhưng không gây chút tranh cãi nào bởi anh là Việt kiều trong chính sách tuyển dụng nhân tài của ngành thể thao. Nguyễn Filip sinh ra và lớn lên ở Cộng hòa Czech, có cha là ông Nguyễn Minh, mẹ là người Czech. Tương tự, tuyển Việt Nam từng có Mạc Hồng Quân là Việt kiều Czech, thủ môn Văn Lâm là Việt kiều Nga, trung vệ Adriano Schmidt là Việt kiều Đức… có cha mẹ, hoặc cha hay mẹ là người Việt Nam.
Làng bóng Đông Nam Á vốn yếu đuối từ lâu đã biến tướng qua việc nhập tịch cầu thủ để tăng cường sức mạnh cho đội tuyển quốc gia. Bóng đá Việt Nam khoảng 15 năm trước dưới thời HLV Calisto từng có 3-4 cầu thủ nhập tịch “nguyên con” lên tuyển.
Trường hợp nhập tịch của Nguyễn Xuân Son bây giờ không giống với những cầu thủ kể trên và bóng đá Việt Nam đang đi lại con đường “ăn xổi” rất cũ của 15 năm trước. Son sắp sửa đá giải Đông Nam Á, khác với các đồng nghiệp hồi năm 2008-2009 vừa bị phản ứng ngầm, lại vừa “mắc cỡ” nên đội tuyển Việt Nam không triệu tập họ lên đá các giải chính thức, nhất là sau lần thủ môn Phan Văn Santos bị bắt gặp chào cờ Việt Nam lại hát quốc ca Brazil.
Cũng có thể vì sức ép thành tích quá lớn, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang sa sút, rõ nhất là ba lần thua Indonesia, một lần thua Thái Lan trong năm nay đã khiến VFF nôn nóng gia tăng sức mạnh bằng con đường tắt nhờ ngoại binh nhập tịch “nguyên con”.
Theo thống kê của Transfermarkt, Nguyễn Xuân Son sở hữu chiều cao ấn tượng 1,85m, kỹ thuật vượt trội đồng nghiệp Việt Nam cùng khả năng dứt điểm hiệu quả. Anh cũng là cầu thủ lần đầu tiên và duy nhất giành cú ăn ba danh hiệu Vua phá lưới, Cầu thủ xuất sắc nhất và Bàn thắng đẹp nhất V-League 2023-2024.
Thế nhưng, sẽ rất khó tưởng tượng từ ngoại lệ Rafaelson - Nguyễn Xuân Son, bóng đá Việt Nam tiếp tục đốt cháy giai đoạn nhờ ngoại lực, như tuyển Campuchia ở mùa AFF Cup 2024 có đến 8 ngoại binh nhập tịch, trong đó gồm 6 cầu thủ không có chút gốc gác bản địa nào.
Cái lợi của bóng đá Việt Nam khi có Rafaelson sẽ làm cho đội tuyển mạnh hơn, có thể giúp HLV Kim Sang-sik đứng đầu giải “ao làng” Đông Nam Á. Nhưng mặt trái của nó khi càng có nhiều Nguyễn Xuân Son chính là sự lệ thuộc, làm phai mờ bản sắc của một nền bóng đá. Về lâu dài, điều này có hại cho bóng đá Việt Nam bởi xu hướng nhập tịch chạy đua thành tích sẽ hủy hoại công cuộc đào tạo trẻ và kìm hãm sự phát triển.
Đội tuyển Việt Nam mạnh nhất AFF Cup 2024
Bóng đá Việt Nam có nhất thiết phải vô địch AFF Cup, một giải đấu mà sau 28 năm với 14 lần tổ chức vẫn không thuộc hệ thống thi đấu chính thức của cơ quan bóng đá FIFA quyền lực nhất thế giới? Ngay cả thể thức giao tranh của AFF Cup cũng không giống ai, khi 10 đội ở Đông Nam Á chia thành hai bảng đấu, vòng bảng mỗi đội có hai trận sân nhà, bán kết và chung kết hai lượt trận kéo dài trong một tháng trời ròng rã.
Nằm trong tốp bốn đội quyền lực của khu vực thường xuyên vào bán kết, đội tuyển Việt Nam mùa này vượt trội ba đối thủ lớn gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia vì HLV Kim Sang-sik có lực lượng mạnh nhất. Nguyên do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho tạm dừng các giải đấu quốc nội hơn một tháng để tập trung tuyển quốc gia, còn ba đội kể trên sử dụng hầu hết cầu thủ trẻ, do nhiều CLB không nhả quân vì cuộc chơi “ao làng” Đông Nam Á không nằm trong hệ thống FIFA.
Trong lúc các đội bóng mạnh ở khu vực đầu tư thế hệ trẻ cho tương lai của những giải đấu lớn hơn, bóng đá Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực tốt nhất cho HLV Kim Sang-sik để lên ngôi AFF Cup, không ngần ngại cả bật đèn xanh bổ sung ngoại binh nhập tịch.