Mưa bão tàn phá mùa du lịch ở miền Bắc
Nhiều công ty, khách du lịch phải quyết định hủy, hoặc hoãn các chuyến đi do hậu quả của mưa bão. Nhiều điểm đến hùng vĩ ở miền núi phía Bắc bị sạt lở nghiêm trọng, còn các bãi biển chưa kịp khắc phục sau bão...
Tháng 9 là thời điểm nhiều du khách trong nước và quốc tế chọn đi du lịch, đặc biệt, đây là thời điểm đông khách của các địa điểm du lịch ven biển, hay tại những bản làng của vùng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các địa điểm từng hút khách này đã bị tàn phá tan hoang, để lại những hậu quả nặng nề chưa từng có.
CÁC ĐIỂM “NÓNG” DU LỊCH TAN HOANG
Sau khi cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, hậu quả của nó để lại chưa vơi đi, miền Bắc lại chìm trong những trận mưa lớn, gây ngập lụt ở nhiều địa phương.
Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, điểm đến thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước phải chịu cảnh tan hoang vì sức tàn phá quá lớn của bão Yagi.
Cụ thể, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long phải tạm dừng hoạt động. Trong số 3 bến neo tàu của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cảng số 3 chịu thiệt hại nặng nề nhất, các pontoon cầu phao bị bật, lật úp, trôi dạt vào bờ, không thể neo đậu được tàu.
Còn khu công viên Sunworld, nơi hút khách du lịch ở phường Bãi Cháy cũng chịu thiệt hại nặng nề, nhất là vòng quay mặt trời. 3 cabin của vòng quay đã bị bão thổi bay, các máng trượt của công viên nước cũng bị bão làm vỡ.
Khu phố cổ sầm uất ở Bãi Cháy với những nhà hàng nằm san sát nhau giờ đây trơ ra những khung nhôm, biển hiệu bị bão xé toang, trên mặt đường la liệt những vụn kính vỡ, toàn bộ phần trang trí của các nhà hàng đều bị phá hủy.
Theo anh Nguyễn Công Anh, chủ nhà hàng Song Nghĩa chia sẻ, khu phố cổ tính từ cổng công viên Sun World đến khu Quảng trường tất cả đều thiệt hại như nhau. Ước tính thiệt hại nhà hàng của tôi là 230 triệu đồng.
Hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp tại phường Bãi Cháy, các khách sạn 4 và 5 sao đa phần đều bị vỡ kính, biển hiệu hoặc các tấm alu ốp mặt tiền bị hỏng.
Cũng bị ảnh hưởng không kém là đảo Cát bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, đến nay khu vực trên đảo vẫn chưa được cấp điện, nước, mạng viễn thông chưa hoạt động trở lại.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND huyện Cát Hải, cơn bão số 3 gây thiệt hại cho hơn 4.000 nhà dân, khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ; 19 trường học bị tốc mái, 5 cơ sở y tế, 16 công trình văn hóa hư hỏng. Bên cạnh đó, có 21 tàu bị thiệt hại, trong đó có 10 tàu du lịch bị đắm…
Khu chợ đêm trên đảo Cát Bà với hơn 40 quầy hàng sầm uất trở nên tan hoang. Còn trên tuyến phố Núi Ngọc và những tuyến phố khác tại khu du lịch Cát Bà, hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn đều bị gió bão tàn phá.
Đến 12h trưa 9/9, tuyến phà Đồng Bài - Cái Viềng nối đảo Cát Hải với đảo Cát Bà đã chính thức hoạt động trở lại giúp người dân, du khách có thể trở về đất liền sau thời gian bị cô lập do bão số 3.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, những địa điểm du lịch nổi tiếng như Mù Cang Chải (Yên Bái), Tà Xùa (Sơn La), Hoàng Su Phì (Hà Giang)… đều bị lũ quét, sạt lở.
Theo đó, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, tại huyện Mù Cang Chải có mưa diện rộng và trên địa bàn huyện đã xuất hiện sạt lở đất, lũ trên các con suối nhất là suối Nậm Kim, suối Nậm Mơ.
Những ngày qua, trên địa bàn thị trấn mưa lớn gây nhiều điểm sạt lở, đặc biệt sạt lở khu vực tổ 2, thị trấn Mù Cang Chải, gây ách tắc giao thông.
Còn trên địa bàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to đã khiến một người tử vong, sạt lở nhiều tuyến đường. Về công trình giao thông có 3 công trình đường giao thông bị sạt lở tại thôn Hấu Chua và Tràng Hương, xã Giàng Chu Phìn; tuyến xã Nậm Ban đi xã Tát Ngà sạt lở 3 điểm.
Hậu quả của cơn bão số 3 để lại là vô cùng nặng nề, đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương, đặc biệt có ngành du lịch. Các địa phương phần lớn đã dừng hoạt động du lịch để đảm bảm an toàn cho du khách, cũng như tiếp tục khắc phục thiên tai.
NHIỀU CÔNG TY HỦY TOUR
Đối mặt với hậu quả của mưa bão, nhiều doanh nghiệp làm ngành du lịch đã phải “cắn răng” hủy tour du lịch, dù tour đã được đặt trước cả tháng, công tác chuẩn bị cũng đã xong.
Mới đây, trên Facebook cá nhân Trang Phạm, đại diện cho Trang Du Hí - Trang Phạm Tour đã thông báo: “Trang Phạm Tour xin phép hoãn - hủy tour Mù Cang Chải 13,14,15/9 và Tà Xùa 14,15/9. Do tình hình lũ lụt và nguy cơ sạt lở đất cao”.
Chị Trang chia sẻ, năm nay mưa lũ thật sự quá kinh khủng, đã Trang Phạm Tour rất cố gắng và khó khăn khi đưa qua quyết định này. Trước đó, bên họ cũng hủy tour Mù Cang Chải và ngày 6,7,8/9 với 38 khách và tuần này tiếp tục hủy với 57 khách của 2 tour Mù Cang Chải và 1 tour Tà Xùa.
“Có những khách lùi công việc cả tháng để sắp xếp, có nhóm đã đặt lịch từ đầu tháng 8 để sang tuần này đi, có những khách bay từ Sài Gòn ra”, chị Trang cho biết.
Hiện nay, tình hình lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi phía Bắc đang rất nguy hiểm, Hà Nội cũng nguy cơ ngập úng cao và đặc biệt đường xá đi lại từ Hà Nội - Mù Cang Chải gặp nhiều hạn chế. Để đảm bảo an toàn Trang Phạm Tour đã đưa ra quyết định hủy tour.
Ở phía dưới bài đăng, chị Trang cũng đã có lời khuyên với các đồng nghiệp: “Các anh chị làm tour, nên làm bằng cả cái tâm, đừng bất chấp. Thiên tai bão lũ không nói được trước bất kể điều gì cả. Làm có thể làm cả năm, không làm tour này thì làm tour khác”.
Quyết định hoãn, hủy tour cho khách cũng là lựa chọn của Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ. Theo ông Giàng A Phớn, Giám đốc Công ty sau khi nghe tin cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền Việt Nam, Công ty Hà Giang Trẻ đã chủ động phối hợp với các đơn vị khác để hỗ trợ khách hàng hủy, hoãn các chuyến đi. Đến hiện tại, doanh nghiệp của ông Phớn đã tạm dừng tour đến ngày 12/9.
“Hết ngày 12/9, công ty sẽ căn cứ vào tình hình thực tế sẽ thông báo đến du khách. Trường hợp khách hủy tour, công ty sẽ hoàn trả 100% tiền đặt tour”.
Cũng có quyết định tương tự, một doanh nghiệp chuyên vận hành tour tại Hà Nội đã hủy 20 tour du lịch do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ. Đại diện phía công ty cho biết, trong 20 tour có 3 tour đi Hải Phòng và còn lại ở vùng miền núi phía Bắc, ngoài ra, doanh nghiệp này cũng dời lịch 10 tour.
“Việc này là bất khả kháng, chúng tôi không thể làm gì được. Hủy sẽ thiệt hại về kinh tế, nhưng trước tiên là an toàn của khách hàng và nhân viên của mình. Mong mưa lũ nhanh qua và người dân sớm khắc phục, trở lại sinh hoạt bình thường”, đại diện doanh nghiệp chuyên vận hành tour tại Hà Nội nói.
Nhiều homestay tại các khu vực bị ảnh hưởng cũng đã có những chính sách hỗ trợ khách hàng rất nhiền tình. Như Ngọc Minh Homestay, làng Mông Pả Vi, huyện Mèo Vạc đã cho hoàn cọc tất cả khách hủy trong thời điểm mưa lũ. Đồng thời, chủ homestay cũng hỗ trợ miễn phí lưu trú cho những khách hàng không về được do mưa lũ.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Hương (Hà Nội), vừa được công ty du lịch liên hệ để hủy chuyến đi Hà Giang vào cuối tuần này. Chị Hương cho biết, đoàn chị khoảng 15 người, là nhóm bạn chơi thân với nhau. Cả đoàn đã chuẩn bị cho chuyến đi du lịch này gần 1 tháng trời để sắp xếp công việc, bởi có những bạn ở trong phía Nam.
“Quyết định hủy chuyến đi, chúng tôi rất buồn. Nhưng cũng phải hủy, vì tình hình thiên tai rất ghê gớm. Thật may mắn, phía công ty du lịch họ cũng rất chu đáo và nhiệt tình, họ đã hoàn lại chúng tôi 100%”.