Mua bán, lưu hành tiền giả, đi tù thật

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, hoạt động sản xuất, lưu hành tiền giả ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an ninh quốc gia và gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Các bị cáo Trương Đình Giáp và Nguyễn Thị Hạnh lãnh án nặng về tội tàng trữ tiền giả và lưu hành tiền giả. Ảnh: T.Tâm

Các bị cáo Trương Đình Giáp và Nguyễn Thị Hạnh lãnh án nặng về tội tàng trữ tiền giả và lưu hành tiền giả. Ảnh: T.Tâm

Chỉ vì lợi nhuận từ việc sản xuất, lưu hành tiền giả mà một số đối tượng đã bất chấp quy định pháp luật thực hiện hành vi phạm pháp. Để rồi với hành vi sai trái này, nhiều bị cáo đã phải đối mặt với mức án nặng.

Vô tư buôn bán, sử dụng tiền giả

Trên các trang mạng xã hội hiện nay, không khó để tìm kiếm các thông tin liên quan đến việc mua bán tiền giả với những mức giá khác nhau như 1 triệu đồng tiền thật mua được 5-10 triệu đồng tiền giả hoặc nhiều hơn. Kèm theo đó là những lời rao bán có cánh như: mua tiền giả uy tín không cọc, tiền giả không phai màu, giống tiền thật hoàn toàn…

Tuy nhiên, các đối tượng thường chỉ thấy lợi nhuận trước mắt mà quên đi hậu quả lâu dài. Trong đó, chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà một số đối tượng lưu hành tiền giả và phải vướng vòng lao lý. Đơn cử như ngày 19-9, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo cùng ngụ xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) gồm: Trương Đình Giáp (40 tuổi) 6 năm tù về tội tàng trữ tiền giả, Nguyễn Thị Hạnh (48 tuổi) 3 năm tù, cho hưởng án treo về tội lưu hành tiền giả.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xác định, vào tháng 2-2024, Giáp tham gia đánh bạc qua mạng và thắng được 18 triệu đồng. Đến ngày 5-2, Giáp được đưa cho 18 triệu đồng (tiền giả) thắng đánh bạc. Dù biết là tiền giả nhưng Giáp vẫn đưa cho con trai 11 tuổi của Giáp 500 ngàn đồng đến tiệm tạp hóa của Hạnh để mua 3 lốc nước ngọt (giá 150 ngàn đồng) và bị cáo Hạnh trả lại số tiền thật 350 ngàn đồng. Phát hiện đã lấy nhầm tiền giả nên ngày 1-3, Hạnh đem 500 ngàn đồng tiền giả này đi tiêu thụ.

Thấy việc lưu hành tiền giả trót lọt nên ngày 1-3, Giáp tiếp tục đưa tiền giả cho con trai đến tiệm tạp hóa tại xã Thạnh Phú mua nước ngọt hết 30 ngàn đồng và nhận về 470 ngàn đồng tiền thật. Sau đó, chủ tiệm tạp hóa này phát hiện ra tiền giả nên đến Công an xã Thạnh Phú trình báo sự việc và Giáp, Hạnh bị công an bắt giữ.

Cũng có những bị cáo vì lợi nhuận đã đi buôn tiền giả để rồi phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Điển hình, vào tháng 7-2024, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Trần Nguyễn Ngọc Bính (25 tuổi, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) 8 năm tù về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Bính khai do không có tiền tiêu xài và biết việc buôn tiền giả sẽ mang lại lợi nhuận cao nên liều lĩnh thực hiện hành vi mua bán tiền giả.

Vào tháng 8-2023, Bính lên mạng xã hội hỏi mua tiền giả (tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật mua 4 triệu đồng tiền giả). Đến trưa 3-8-2023, Bính đến huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) mua được gần 40 triệu đồng tiền giả rồi lên mạng xã hội rao bán lại số tiền giả này để kiếm lời. Đến ngày 7-8-2023, Bính nhận được 8 yêu cầu đặt mua tiền giả (tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật mua 3 triệu đồng tiền giả). Ngày 15-8-2023, Bính bị phát hiện buôn tiền giả và bị công an bắt giữ.

Theo cơ quan chức năng, tiền giả có một số đặc điểm như: hình ảnh hoa văn không sắc nét, không làm giả được hình bóng chìm hoặc có nhưng khi soi ngược ánh sáng sẽ không nhìn thấy, chỉ nhìn thấy mờ nhạt trên 2 mặt; hình định vị không khớp; mực đổi màu được in cùng với hình ảnh, hoa văn mặt trước và không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật. Trong khi đó, tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao nên khi nắm gọn tiền trong tay và mở ra thì tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái cũ, khi kéo nhẹ mép tờ tiền sẽ khó bị giãn.

Cẩn trọng trong giao dịch tiền bạc

Theo đại diện VKSND tỉnh, việc mua bán tiền giả thường được các đối tượng tiến hành qua mạng và giao dịch tinh vi nên rất khó phát hiện. Đặc biệt, những tháng cuối năm, khi tình hình mua bán hàng hóa tăng cao, nhiều người dân dễ bị lơ là, mất cảnh giác và trở thành nạn nhân của tội phạm liên quan đến tiền giả.

Thông thường, tiền giả sẽ được sử dụng trong các giao dịch phạm pháp như: đánh bài, mua bán ma túy… Do đó, các đối tượng khi bị lừa nhận nhầm tiền giả không dám trình báo cơ quan chức năng. Cũng có trường hợp ban đầu là nạn nhân của nạn tiền giả nhưng sau đó dùng số tiền giả đi mua hàng thật. Từ đó tiếp tay cho các đối tượng phạm tội và tự đẩy bản thân vào con đường phạm pháp.

Thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, Phó chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh, cho hay tình trạng tội phạm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả gây ra nhiều hệ lụy phức tạp, làm giảm giá trị đồng tiền, gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, gây xáo trộn về an ninh trật tự và làm hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Do đó, loại tội phạm liên quan đến tiền giả bị xử lý nghiêm khắc.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả dưới 50 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 3-12 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân. Trong trường hợp người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm.

Theo ngành chức năng, để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, mỗi người dân cần cẩn trọng trong tất cả các giao dịch; cần tìm hiểu cách phân biệt tiền giả, tiền thật.... Trong trường hợp phát hiện tiền giả hoặc các đối tượng thực hiện việc lưu hành tiền giả thì người dân cần tích cực tố giác đến cơ quan chức năng, tuyệt đối không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an toàn xã hội.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202410/mua-ban-luu-hanh-tien-gia-di-tu-that-d4c79e2/
Zalo