Mua bán đội bóng: 'Sân sau' của tội phạm ở Anh
Nền bóng đá Anh trong những năm gần đây liên tục gặp trắc trở. Trong khi các giải vô địch vừa mới bắt đầu hồi phục sau đại dịch COVID-19 thì những câu lạc bộ quyền lực nhất, bao gồm Liverpool, Manchester City, Arsenal, Manchester United, Chelsea và Tottenham lại tuyên bố sẽ tách ra thi đấu riêng cho một cúp vô địch Châu Âu mới. Phải nhờ tới người hâm mộ xuống đường biểu tình và phản ứng cứng rắn từ phía chính quyền mới buộc các ông chủ các câu lạc bộ rút lại quyết định nói trên.
Vậy những ông chủ đội bóng thật sự là ai? Một cuộc điều tra mới đây của hãng tin Al Jazeera đã đưa ra câu trả lời mà không mấy ai muốn. Đó là, nền bóng đá Anh đang trở thành “sân sau” của những kẻ tội phạm.
Phù thủy
Không nhiều người ở ngoài thế giới tài chính biết đến cái tên Christopher Samuelson. Họ cũng không biết rằng, Christopher từng được mệnh danh là “phù thủy tài chính”. Ông ta nằm trong số ít những cá nhân có thể “đổi trắng thay đen” cho hàng trăm triệu USD chỉ sau vài giây. Vào thập niên 1990 của thế kỷ trước, Christopher đã rửa gần 20 tỷ USD những khoản tham nhũng các quan chức Nga thu được sau khi khối Liên Xô (cũ) sụp đổ. Trong số những “khách hàng” của Christopher có những cái tên tỷ phú Nga như Boris Berezovsky, tự sát vào năm 2013 bằng cách treo cổ.
Ảnh hưởng của Christopher Samuelson đối với bóng đá Anh cũng không phải nhỏ. Ông ta làm trung gian cho thương vụ mua hai câu lạc bộ Reading (2012) và Aston Villa (2016). Cả hai câu lạc bộ trên đều rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất dưới tay người chủ mới. Riêng với Aston Villa, ông chủ của câu lạc bộ này, tỷ phú công nghệ Tony Xia, đã bị chính phủ Trung Quốc bắt giam vì tội trốn nợ.
Suýt chút nữa Christopher cũng đã bán được Everton. Vào năm 2004, ông ta là người đại diện cho tỷ phú giấy Boris Zingarevich thương thảo việc mua bán câu lạc bộ này. Thương vụ chỉ bị đình chỉ khi một phóng viên của tờ Telegraph đưa câu chuyện lên báo. Khi đó ông Zingarevich đang bị điều tra vì một số cáo buộc trốn thuế tại Nga.
Hai phóng viên hãng tin Al Jazeera thực hiện cuộc điều tra Christopher Samuelson bằng cách giả làm đại diện cho “Ngài X”, một tỷ phú Trung Quốc. Vì việc rửa tiền của “Ngài X” qua các sòng bạc Ma Cao bị chính phủ Trung Quốc phát hiện nên ông ta muốn bí mật mua một câu lạc bộ bóng đá Anh làm “bình phong”. Bất kỳ người môi giới bình thường nào cũng sẽ từ chối thẳng thừng một thương vụ như thế. Theo quy định của Hiệp hội Bóng đá Anh (EFL) thì không ai từng bị kết tội trong vòng một năm trở lại được phép chuyển nhượng hay sở hữu đội bóng.
Thế nhưng Christopher Samuelson không phải là người môi giới bình thường. Ông ta tuyên bố có thể dễ dàng giúp “Ngài X” mua được câu lạc bộ Derby County làm “bình phong” cho việc rửa tiền. Derby County là một trong những câu lạc bộ bóng đá lâu đời nhất tại Anh.
Liên quan tới một câu lạc bộ nổi tiếng như vậy, làm cách nào mà Christopher có thể “hô biến” tiền “bẩn” thành tiền “sạch” để mua được? Ông ta hé lộ cho phóng viên như sau: “Tôi chỉ cần lập ra một công ty ở nước ngoài rồi dùng những người thân tín làm cổ đông đại diện cho “Ngài X”. Vậy là công ty này sẽ đứng ra làm chủ Derby County thay cho “Ngài X”. Còn việc gây áp lực lên EFL sẽ do tôi tự lo. Nếu “Ngài X” muốn che giấu các quỹ đen của mình thì nên mua một đội chơi ở giải hạng nhất để đỡ gây chú ý”.
Mạng nhện
Sau khi dàn xếp được một số thỏa thuận cơ bản, hai phóng viên Al Jazeera được nhà môi giới dẫn đi gặp ông chủ của đội Derby County, Mel Morris. Ông này trước đây từng bị EFL điều tra vì lỗ đến 39 triệu bảng Anh trong vòng ba mùa bóng, cao hơn mức giới hạn của EFL. Chưa hết, ông ta còn khai khống hạ giá trị sân vận động và cầu thủ Derby County trong các thương vụ mua bán. Có tin đồn rằng Bộ Tài chính Anh đang định mở cuộc điều tra Mel Morris vì tội trốn thuế.
Trước nguy cơ bị điều tra, Mel Morris đang tìm mọi cách để bán Derby County. Cả hai lần đàm phán gần đây đều gặp thất bại. Lần gần đây nhất Morris định bán đội bóng cho thành viên gia đình hoàng gia Ảrập qua một công ty mang tên Derventio Holdings. Christopher Samuelson là giám đốc của Derventio nhưng sau đó đã từ chức. Sau khi tiếp xúc với hai phóng viên, Mel Morris ra mức giá 99 triệu bảng Anh cho câu lạc bộ. Ông này cũng đề nghị được giữ vai trò cổ đông thiểu số trong đội bóng mới. Còn với Christopher, nhà môi giới muốn nhận được “hoa hồng” trị giá 3% thương vụ, cộng với chức giám đốc của công ty bình phong cho ông ta và các cộng sự.
Về các cộng sự của Christopher Samuelson, họ đều là những con người “có tiếng” trong giới tài chính bóng “ngầm” ở Anh. Có thể kể tới hai luật sư Jamie Banfill và Christian Hook cùng với kế toán viên Andrew Obolensky. Thế nhưng chẳng ai khả nghi hơn Keith Hunter. Ông này từng là thám tử của sở cảnh sát Anh nhưng sau đó bị sa thải. Một bản báo cáo nội bộ của cảnh sát Anh viết: “Keith Hunter nằm ở trung tâm một mạng lưới tham nhũng ngay trong lòng bộ chỉ huy cảnh sát Anh… Hunter đã sử dụng quyền nghe trộm của cảnh sát để ăn cắp thông tin từ nhiều cá nhân, sau đó rao bán những thông tin này cho các đối tượng tống tiền”.
Sau khi bị sa thải, Keith Hunter trở thành giám đốc của công ty thám tử tư Animus. Cũng như Christopher Samuelson, Hunter và Animus chuyên phục vụ những ai có nhu cầu cần rửa tiền. Khách hàng của công ty có thể kể đến “gia đình” Lyon và Daniel (hai băng đảng tội phạm nguy hiểm nhất nước Anh); chính phủ tự trị Kurdishtan ở Iraq. Và tỷ phú - chính trị gia Nigeria James Ibori, người đã bị tòa án Anh kết án 12 năm vì tội lừa đảo và rửa tiền.
Christopher Samuelson cho biết Keith Hunter là “con mắt” của ông ta: “Hunter vừa có các mối quan hệ, lại biết cách đặt máy nghe trộm mà không ai biết. Nhờ ông ta mà cái gì diễn ra trong Sở cảnh sát hay EFL tôi cũng đều biết cả. Như là vụ giám đốc hoạt động của Aston Villa Keith Wyness bị sa thải vào năm 2018 ấy. Hunter phát hiện ra Wyness tiết lộ thông tin cho báo chí nên tôi mới kịp thời bảo ban lãnh đạo câu lạc bộ sa thải ông ta”. Đến nay báo chí Anh vẫn còn tiếp tục đặt nhiều câu hỏi về vụ quyết định sa thải ông Keith Wyness của câu lạc bộ.
Christopher Samuelson dự định sẽ mở công ty bình phong cho “Ngài X” ở đảo Síp. Ông ta cùng hai phóng viên điều tra bay tới Síp để thỏa thuận với bên đó. Người trực tiếp ra đón họ là một quan chức cỡ bự. Ông này hứa hẹn sẽ sử dụng trực tiếp quyền hạn của mình để giúp “Ngài X” có được hộ chiếu Síp mà không phải qua khâu xem xét hồ sơ phạm tội. Hành vi này vi phạm nghiêm trọng luật pháp Síp và các quy định về cư trú, hộ chiếu của thế giới.
Tiết lộ chấn động
Sau khi đã có đủ các bằng chứng điều tra, hãng tin Al Jazeera quyết định đưa vụ việc ra ánh sáng. Loạt phóng sự điều tra của hãng đã ngay lập tức gây ra phản ứng mạnh từ phía dư luận Anh. Chủ tịch Đảng lao động Anh Keir Starmer phát biểu trước quốc hội: “Các câu lạc bộ bóng đá chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim của mỗi người Anh. Chúng là một phần trong lịch sử, truyền thống và cộng đồng của chúng ta. Hiện tượng gian lận tài chính trong bóng đá đang không chỉ phá hoại các câu lạc bộ hay tính công bình của trò chơi. Nó như một cái ung nhọt ăn vào chính tâm hồn của chúng ta”.
Tại đảo Síp, công luận nổi giận trước thông tin đất nước họ đang trở thành “thiên đường” cho những đối tượng tội phạm. Hơn 5.000 người dân đã xuống đường biểu tình để đòi chính quyền mở cuộc điều tra nội bộ. Yêu cầu đều được đáp ứng. Theo dự tính thì cuộc điều tra tham nhũng chung giữa Chính phủ Síp và Liên minh Châu Âu sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Trái ngược lại, phía các nhà chức trách Anh không có nhiều động thái mặc dù chịu áp lực từ phía công luận. Ông Ben Cowdock, nhà điều tra cấp cao thuộc tổ chức chống tham nhũng Quốc tế Transparency International nhận xét: “Những người trong cuộc đều biết rằng các câu lạc bộ Anh đã và đang được sử dụng để rửa tiền. Họ chấp nhận điều này để các câu lạc bộ có được dòng vốn đầu tư nhằm xây sân bãi và mua cầu thủ đẳng cấp thế giới. Nếu như EFL và Chính phủ Anh có những biện pháp mạnh tay, rất có thể họ sẽ gây ra sự sụp đổ của toàn hệ thống bóng đá nước này… Trừ khi các fan hâm mộ tiếp tục gây sức ép, nền bóng đá Anh sẽ không tự sửa đổi mình theo hướng trong sạch hơn trong tương lai!”.