Mù Cả phát triển kinh tế

Mù Cả là xã vùng cao, biên giới của huyện Mường Tè, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai các giải pháp phát triển kinh tế góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Xã Mù Cả là nơi sinh sống chủ yếu của dân tộc Hà Nhì với gần 800 hộ tại 7 bản. Nguồn thu nhập chính của người dân phụ thuộc chủ yếu vào trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt, chăn nuôi tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để bà con có vốn đầu tư sản xuất, các tổ chức hội đoàn thể xã phối hợp nhận ủy thác với ngân hàng. Đến nay, tổng dư nợ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 22,2 tỷ đồng cho hơn 400 hộ dân vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Đồng thời, mở các lớp dạy nghề, hội thảo, giúp nông dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất; hướng dẫn phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật.

Người dân xã Mù Cả (huyện Mường Tè) có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi lợn đen.

Người dân xã Mù Cả (huyện Mường Tè) có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi lợn đen.

Hàng năm, xã gieo cấy gần 200ha lúa, 100ha ngô và 25ha rau màu các loại. Ngoài ra, chăn nuôi 6.776 con gia súc và 5.300 gia cầm các loại. Hiện, trên địa bàn xã có 20 gia đình đầu tư phát triển kinh doanh hàng tạp hóa với đa dạng loại hình, cung ứng đầy đủ vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng, nông sản, sửa chữa máy móc, đồ điện, viễn thông... đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Mù Cả là một trong những xã có tổng diện tích rừng tự nhiên lớn của huyện Mường Tè với 38,404,34ha, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 77,92%. Bà con luôn nêu cao ý thức quản lý, chăm sóc tốt diện tích rừng được giao khoán. Hàng năm, nhân dân trong xã được hưởng khoảng 6 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, trung bình mỗi hộ được nhận khoảng 40 triệu đồng. Nhờ đó, các gia đình có khoản thu nhập đầu tư phát triển kinh tế, bà con ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ và chăm sóc tốt rừng được giao.

Nhân dân xã Mù Cả tích cực quản lý, chăm sóc tốt diện tích rừng để nâng cao thu nhập.

Nhân dân xã Mù Cả tích cực quản lý, chăm sóc tốt diện tích rừng để nâng cao thu nhập.

Anh Lỳ Gò Xè – Phó Chủ tịch UBND xã Mù Cả cho biết: Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, xã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của các cấp, các ngành. Xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, chương trình hỗ trợ tại địa phương. Đồng thời, khuyến khích bà con chủ động đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình bà Khoàng Chùy Pư (bản Mù Cả) chủ yếu phụ thuộc vào lúa, ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ do thiếu vốn và kinh nghiệm phát triển kinh tế. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gia đình bà đầu tư chăn nuôi lợn đen để cung cấp giống và thịt cho người dân trong xã với quy mô ngày càng lớn dần. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình bà được cán bộ chuyên môn hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng dịch bệnh.

Nhờ vậy, đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay gia đình bà có 25 con lợn đen, trong đó duy trì nuôi 5 con nái. Trung bình mỗi năm xuất 2 lứa lợn giống, 2 lứa lợn thịt mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Theo bà Pư chia sẻ: “Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, giờ đây cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện hơn so với trước rất nhiều, chúng tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, các con được học hành đầy đủ. Nhiều năm liền, gia đình tôi được UBND xã công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày phát triển”.

Lãnh đạo xã Mù Cả (huyện Mường Tè) kiểm tra hiệu quả mang lại từ mô hình chăn nuôi lợn đen tại bản Mù Cả.

Lãnh đạo xã Mù Cả (huyện Mường Tè) kiểm tra hiệu quả mang lại từ mô hình chăn nuôi lợn đen tại bản Mù Cả.

Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của người dân xã Mù Cả ngày càng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 28 triệu đồng, hết năm 2025, xã phấn đấu nâng mức thu nhập lên trên 30 triệu đồng. Để đạt mục tiêu này, xã tuyên truyền, vận động bà con tập trung phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các nguồn vốn, kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó, làm thay đổi tư duy, giúp bà con xây dựng được các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Gió Pư

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/m%C3%B9-c%E1%BA%A3-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-kinh-t%E1%BA%BF
Zalo