MTTQ Việt Nam các cấp: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trở thành yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, trong đó có MTTQ Việt Nam. Thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, vận động đã mang lại hiệu quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cán bộ, công chức cơ quan MTTQ Việt Nam tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn.
Đồng chí Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: xác định chuyển đổi số là tất yếu của xã hội phát triển và được thực hiện trên cả 03 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 26/01/2022 về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến 2025, định hướng đến 2030, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã cụ thể hóa ban hành Kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, tập trung tổ chức tuyên truyền, nhằm huy động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thuận hưởng ứng tham gia bằng các hành động thiết thực.
MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã tích cực ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt triển khai các chủ trương quan trọng như: Đề án số 01/ĐA-MTTW-BTT, ngày 05/5/2015 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 26/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến 2025, định hướng đến 2030, gắn việc thực hiện chuyển đổi số với hoạt động chuyên môn của hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh.
Cụ thể như MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác mặt trận như ứng dụng phần mềm VNPT-iOffice từ năm 2020 đến nay, giúp gửi, nhận văn bản điện tử, giảm bớt văn bản giấy, tăng tốc độ xử lý công việc. Thành lập các nhóm Zalo để trao đổi thông tin nhanh chóng giữa MTTQ Việt Nam các cấp, giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công việc, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19.
Phát triển Trang thông tin điện tử UBMTTQ Việt Nam tỉnh, từ năm 2019 đến tháng 3/2025 đạt hơn 1,3 triệu lượt truy cập, tăng gấp 25,7 lần so với năm 2019. Triển khai “Trang cộng đồng” (Fanpage) từ năm 2021, với tên miền “Mặt trận Trà Vinh”, thu hút hơn 1.000 lượt theo dõi; các fanpage cấp huyện có trên 4.300 lượt theo dõi, cấp xã có trên 11.000 lượt theo dõi. Fanpage đã đăng hơn 1.800 bài viết, video, hình ảnh, trở thành kênh tuyên truyền hiệu quả. Các nội dung được đăng tải với nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp cận, dễ hiểu, phù hợp với trình độ tiếp nhận của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Qua đó, đã góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận đến với người dân và sớm đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Đồng chí Đinh Thanh Quân, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Càng Long cho biết: việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành mang lại nhiều thuận lợi như giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm thiểu công việc, giấy tờ, tiết kiệm chi phí in ấn và lưu trữ. Văn bản điện tử cũng giúp tăng cường tính minh bạch và chính xác trong việc quản lý thông tin, hạn chế sai sót trong quá trình xử lý công việc.
Ngoài ra, việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ như Ioffice, phần mềm kế toán (Misa) cũng giúp tự động hóa các quy trình hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc, giúp công việc được xử lý nhanh, chính xác hơn. Bên cạnh, vẫn còn không ít khó khăn như ứng dụng CNTT còn hạn chế, chủ yếu được sử dụng để lưu trữ dữ liệu, chưa phát huy hết tiềm năng trong quản lý, điều hành và phối hợp công tác. Thời gian tới, cần thiết lập một hệ thống CNTT thống nhất, giúp Mặt trận các cấp trao đổi thông tin nhanh, thống nhất, để nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động.
Hiện nay, 09/09 cơ quan UBMTTQ Việt Nam cấp huyện đã sử dụng chữ ký số và phát hành văn bản điện tử nhanh chóng, đảm bảo tính pháp lý và thuận tiện trong quản lý. Riêng cơ quan MTTQ Việt Nam tỉnh, tổ chức số hóa 100% các văn bản, công văn đến, tiếp tục duy trì tỷ lệ số hóa 100% công văn đi. Ngoài ra, MTTQ các cấp sử dụng hiệu quả các ứng dụng dùng chung của tỉnh như thư điện tử công vụ, phần mềm kế toán, 100% cán bộ, công chức, người lao động sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để đăng nhập sử dụng Cổng Dịch vụ công tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia… góp phần thành công chung của tỉnh trong việc triển khai Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phan Văn Liếu, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị xã Duyên Hải cho biết: trên địa bàn thị xã có 03 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông gồm Trung tâm Viễn thông Duyên Hải, Viettel Chi nhánh Duyên Hải, MobiFone Chi nhánh Duyên Hải. Toàn thị xã có 70 trạm thu, phát sóng di động, đảm bảo mọi người dân đều có thể truy cập internet. 100% xã, phường được phủ sóng 4G và mạng cáp quang băng rộng. Việc ứng dụng CNTT không chỉ trong hệ thống Mặt trận mà còn tuyên truyền sâu trong Nhân dân, nhất là triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua. Qua đó góp phần thiết thực trong việc xây dựng thị xã Duyên Hải hoàn thành mục tiêu XDNTM.
Đồng chí Thạch Ngọc Thái, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết: CNTT hiện nay là một phần không thể thiếu trong hoạt động chuyên môn. Từ đó, Mặt trận xã đã đa dạng hóa hình thức tiếp xúc cử tri qua ứng dụng CNTT; tăng cường tiếp xúc qua điện thoại, email, mạng xã hội, đảm bảo tiếp nhận đầy đủ phản ánh của cử tri. Qua đó, đại biểu HĐND cũng kịp thời phản hồi ý kiến cử tri ngay trên các nền tảng số. MTTQ Việt Nam xã đã tăng cường truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Fanpage chính thức của xã. Cập nhật thường xuyên kết quả giải quyết kiến nghị để cử tri nắm bắt, tránh trường hợp kiến nghị lặp lại do chưa tiếp cận được thông tin phản hồi.
Những kết quả đạt được trong chuyển đổi số của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của những người làm công tác Mặt trận. Từ đó, từng bước thay đổi nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tạo sự lan tỏa trong các phong trào, cuộc vận động, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ các cấp.