MTTQ các cấp tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc'
Công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)' có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT). Từ nhận thức đó, thời gian qua, mặt trận tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia phong trào 'Toàn dân bảo vệ ANTQ'; tích cực triển khai xây dựng những mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH), góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, TNXH ngay từ địa bàn cơ sở.
Phường Thanh Tuyền (thành phố Phủ Lý) có diện tích tự nhiên rộng, với 8 tổ phố, gần 10 nghìn nhân khẩu, là địa bàn nằm dọc bờ sông Đáy và trải dài trên tuyến quốc lộ 1A. Với những nét đặc trưng về địa hình, diện tích, dân số nên các nhóm đối tượng xấu thường lợi dụng đặc thù khu vực giáp ranh để hoạt động phạm pháp, dẫn dến tình hình ANTT có thời điểm diễn biến phức tạp, nổi lên những vấn đề về phạm pháp hình sự, trộm cắp tài sản, tệ nạn ma túy.
Xuất phát từ tình hình trên, từ năm 2020 đến nay, MTTQ phường Thanh Tuyền và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh phối hợp cùng công an phường tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xây dựng, nhân rộng và duy trì hiệu quả 7 mô hình bảo đảm ANTT, thành viên là quần chúng nhân dân, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, TNXH ngay từ địa bàn cơ sở. Nổi bật như các mô hình: “Móc khóa an ninh”, “Camera an ninh”, “Tự quản, tự phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy”, “Chung tay, góp sức giúp đỡ người quá khứ lầm lỗi, vượt khó, hoàn lương”, “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy”, chuyên mục tuyên truyền “An ninh cuối tuần”... Đồng thời, phối hợp cùng công an phường biên soạn, phát hành rộng rãi cuốn “Cẩm nang cảnh giác, phòng chống tội phạm, TNXH” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, mô hình "Chuyên mục tuyên truyền An ninh cuối tuần” phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở (chiều thứ sáu hằng tuần) đã đem lại hiệu quả rõ nét, được Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo nhân rộng tại 109/109 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Thông qua các mô hình đã khơi dậy ý thức, trách nhiệm, nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân trong phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, tố giác tội phạm, TNXH. Kết quả: từ đầu năm 2024 đến nay, quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng chục nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra, khám phá 16 vụ vi phạm pháp luật, giải quyết trên 20 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần bảo đảm ANTT ngay từ cơ sở.
Ông Bùi Văn Chiêu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thanh Tuyền cho biết: Sau khi triển khai các mô hình, với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của MTTQ và các tổ chức thành viên, tình hình tội phạm, TNXH trên địa bàn phường đã được kiềm chế. Công tác đấu tranh, triệt xóa các tụ điểm, điểm phức tạp về ANTT được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, qua đó củng cố niềm tin, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Cũng như phường Thanh Tuyền, thời gian gần đây trên địa bàn xã Yên Nam (thị xã Duy Tiên) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về ANTT, nhất là tình hình tội phạm hoạt động theo kiểu “tín dụng đen”. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, MTTQ xã Yên Nam phối hợp với công an xã tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai xây dựng mô hình “Xã không có hoạt động tín dụng đen”. Đồng chí Chu Hồng Cử, Bí thư Đảng ủy xã Yên Nam chia sẻ: Sau 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã, đang phát huy hiệu quả tích cực, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen được kiềm chế, kéo giảm; đặc biệt, người dân đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động phối hợp, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này.
Thực hiện chương trình phối hợp số 09 giữa Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Công an Hà Nam đã xây dựng kế hoạch liên tịch thực hiện chương trình. Thực hiện chương trình phối hợp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Công an Hà Nam đã tổ chức tập huấn cho 752 cán bộ làm công tác mặt trận về kỹ năng nâng cao nghiệp vụ công tác phòng, chống tội phạm, TNXH. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo MTTQ các cấp triển khai có hiệu quả nội dung bảo đảm ANTT gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”; chú trọng xây dựng những mô hình điểm, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên và vai trò của ban công tác mặt trận khu dân cư, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín. Cùng với đó, phối hợp làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; phát huy dân chủ, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Kết quả, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 612 tổ an ninh tự quản, 908 tổ hòa giải, 106 tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) với trên 23 nghìn thành viên tham gia. Từ việc thành lập, duy trì hoạt động các mô hình, MTTQ và các tổ chức thành viên đã cung cấp cho lực lượng chức năng trên 2.600 nguồn tin có giá trị, góp phần đấu tranh, triệt xóa trên 900 vụ phạm pháp hình sự, TNXH; triệt xóa 46 ổ nhóm, tụ điểm, điểm hoạt động phức tạp về TNXH; quán lý, giáo dục, giúp đỡ 1.136 đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng; bắt 102 đối tượng truy nã; tổ chức hòa giải thành công trên 3 nghìn vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; phối hợp thực hiện 1.015 cuộc giám sát chuyên đề, phát hiện, kiến nghị chính quyền xử lý trên 130 vụ việc theo thẩm quyền.
MTTQ các cấp còn tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua việc thành lập hòm thư tại xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, tiếp nhận 267 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, chuyển 186 đơn đến ngành chức năng xem xét, giải quyết. Đồng thời, phối hợp tổ chức 725 diễn đàn, thu hút trên 30 nghìn lượt người tham gia, giúp lực lượng công an phát huy kết quả tích cực, khắc phục hạn chế, thiếu sót, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Kết quả, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 677/686 khu dân cư, 109/109 xã, phường, thị trấn, 283/285 cơ quan, 192/196 doanh nghiệp, 42/42 cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”.
Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ” là 1 trong 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục chỉ đạo MTTQ các cấp tiếp tục phối hợp với lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia giữ gìn, bảo đảm ANTT, TTATGT; tích cực triển khai xây dựng những mô hình phòng, chống tội phạm, TNXH phù hợp, góp phần giữ vững ổn định ngay từ địa bàn cơ sở, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.