Một tuần, 21 người được ghép tạng hồi sinh sự sống
Trong 6 ngày, Bệnh viện Việt Đức thực hiện 21 ca ghép tạng từ người cho chết não và người cho sống, hồi sinh nhiều cuộc đời bên bờ 'cửa tử', trong đó có bệnh nhân ghép đồng thời cả gan - thận.
Theo Bệnh viện Việt Đức, trong tuần qua (từ ngày 6 – 11/1), bệnh viện đã vận động được 4 gia đình bệnh nhân chết não hiến tạng, các y bác sĩ đã tiến hành ghép tạng thành công cho 15 người bệnh đang mong chờ cơ hội được sống (4 bệnh nhân ghép tim, 1 bệnh nhân ghép đồng thời gan - thận, 3 bệnh nhân ghép gan, 7 bệnh nhân ghép thận).
Trong cùng thời gian đó, bệnh viện vẫn tiến hành ghép theo kế hoạch cho 6 bệnh nhân ghép thận (từ người cho sống), nâng tổng số trường hợp ghép trong 1 tuần là 21 trường hợp.
Trường hợp bệnh nhân được ghép đồng thời cả gan- thận là nam, 63 tuổi, trú tại Nam Định. Bệnh nhân bị ung thư gan, xơ gan, suy thận độ 5, cuộc sống chỉ tính bằng tháng. May mắn, bệnh nhân được nhận tạng từ người cho chết não, cuộc đời đã được tái sinh.
Trước đó vào tháng 12/2024, Bệnh viện Việt Đức cũng ghép thành công đồng thời gan - thận đầu tiên tại Việt Nam cho một nam bệnh nhân.
Một trong 4 bệnh nhân được ghép tim là bác sĩ sản khoa N.T.P.N (32 tuổi), cách đây 5 năm được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn, chức năng tim suy giảm theo thời giản, khiến chị phải đối mặt với nguy cơ tử vong.
Chị và chồng - một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - đã kết hôn và có con 5 tuổi. Chồng bác sĩ N là người dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên và chị là người Thanh Hóa. Họ cùng học tại Đại học Y Thái Bình và sau đó bắt đầu sự nghiệp y khoa tại tỉnh Tuyên Quang.
Phép màu đã đến với bác sĩ N sau 5 năm chống chọi với căn bệnh cơ tim giãn, chị được cứu sống nhờ trái tim của một phụ nữ 33 tuổi không may chết não hiến tặng. Điều đặc biệt xúc động là cả người hiến tạng và chồng chị đều đăng ký hiến tạng từ năm 2022, một hành động cao cả và nhân văn.
Bác sĩ N chia sẻ, anh họ của chị cũng là người đầu tiên ở Việt Nam được ghép đồng thời tim - gan và được các thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức thực hiện vào tháng 10/2024.
Người ghép tim trẻ tuổi nhất là nữ bệnh nhân V.T.M (21 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc). Khi đang mang thai, M không may mắc suy tim độ 4, phải mổ lấy thai cấp cứu để bảo vệ con tại một bệnh viện tuyến trung ương. Ngay sau đó, người mẹ trẻ được chuyển tới Bệnh viện Việt Đức để thực hiện ca ghép tim khẩn cấp, giành giật sự sống trong hoàn cảnh đầy thử thách.
Trong số những người được ghép tim còn có thầy giáo dân tộc Tày, N.N.H (50 tuổi) mắc bệnh suy tim và giãn cơ tim suốt hơn 15 năm. Dù mắc trọng bệnh, nhưng thầy H vẫn nỗ lực bám trụ với nghề.
Nhờ ca ghép tim thành công tại Bệnh viện Việt Đức, thầy N.N.H đã có cơ hội tái sinh, tiếp tục hành trình gieo chữ cho các học sinh vùng cao.
Đặc biệt, trong số bệnh nhân được ghép thận có anh N.V.H (51 tuổi, tại Bình Định) là trường hợp ghép thận lần 2. Vào năm 2016, anh H đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên sau nhiều năm bị suy thận. Tuy nhiên, nhiều năm qua anh vẫn phải duy trì lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần.
Hiện anh nghỉ mất sức lao động, gia đình chủ yếu dựa vào thu nhập từ vợ anh là giáo viên tiểu học. Ca ghép thận lần thứ hai được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức đã mang lại hy vọng lớn lao cho anh và gia đình.
Để thực hiện thành công 21 trường hợp ghép tạng trong 6 ngày, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã làm việc liên tục không kể ngày đêm. Các ca phẫu thuật được phối hợp nhịp nhàng từng khâu với độ chính xác cao nhất. Dù áp lực lớn và khối lượng công việc khổng lồ, tất cả đều chung một mục tiêu là cứu sống người bệnh.
Đến nay, 21 bệnh nhân sau ghép tạng đã ổn định, đang được chăm sóc và điều trị tích cực. Đây đều là những bệnh nhân mắc các bệnh về gan, tim, thận nguy kịch, chỉ có ghép tạng mới cứu được tính mạng.
Đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện Việt Đức lập kỷ lục 21 ca ghép tạng trong 1 tuần, ghi nhận dấu mốc mới trong ngành y tế.