Một thất bại buồn, nhưng cần thiết cho bóng đá Việt Nam
Thật buồn khi đội tuyển Việt Nam không thể tạo ra một cuộc ngược dòng. Nhưng thất bại này không phải thảm họa. Nó nhắc nhở chúng ta đang đứng ở đâu, và cần phải làm gì để tiếp tục tiến trình phát triển.
Tất cả đã hy vọng về một kỳ tích, nhưng nó không đến. Như huấn luyện viên Park Hang-seo và đội trưởng Quế Ngọc Hải nói sau trận đấu, những "chiến binh Sao Vàng” đã cố hết sức, làm tất cả những gì có thể, song không thu được kết quả.
Những gì đọng lại là hình ảnh Quang Hải chạy không ngừng nghỉ, len lỏi qua những cầu thủ Thái để tìm kiếm cơ hội. Anh lấy bóng trong chân đối thủ, hướng đồng đội vào vùng không gian thuận lợi thông qua các đường chuyền sắc lẹm, trực tiếp uy hiếp cầu môn Thái bằng những pha dứt điểm đẳng cấp cao.
Đó là sự xông xáo của Hà Đức Chinh, là nỗ lực chuộc lại sai lầm ở trận lượt đi của Nguyễn Phong Hồng Duy, là tiếng hét tức giận của Hồ Tấn Tài khi cú đánh đầu đi chệch hướng, là chiếc áo đẫm mồ hôi của Hoàng Đức, Thành Chung. Cuối cùng, là lời xin lỗi của Quế Ngọc Hải.
Đúng là chúng ta không đạt mục tiêu đề ra, nhưng không gì để chê trách với màn trình diễn của đội tuyển. Họ đã giữ lời hứa về một trận đấu đẹp, về sự tận hiến và ý chí quyết thắng. Nước mắt của nhiều cổ động viên Việt Nam ở Kallang đã rơi, nhưng đó là giọt nước mắt tiếc nuối và cả sự tự hào. Nó khác xa với cách đây một thập kỷ, khi đội tuyển Việt Nam bị loại ngay sau vòng bảng AFF Cup 2012 trong sự bạc nhược, đến mức người hâm mộ nói rằng không thể khóc nổi.
Nhìn lại, quả thực bóng đá Việt Nam đã tiến một bước dài. Tuy nhiên, khi các chiến thắng ngừng đến và đội tuyển không thể đánh bại đại kình địch Thái Lan, phải chăng chúng ta đã đến điểm tới hạn? Chu kỳ thành công đã kết thúc và đội tuyển cần một cuộc cách mạng?
Đã có không ít câu hỏi được đặt ra sau trận bán kết lượt về tối Chủ nhật? Rằng tại sao Việt Nam không thể chơi như hiệp 1 trong phần còn lại của trận đấu, tại sao lại thực hiện quá nhiều đường chuyền dài và bổng thay vì những pha phối hợp nhỏ? Và tại sao Tuấn Anh rời sân chỉ sau 13 phút được thay vào, rồi quyết định tung Lê Văn Xuân, Phạm Xuân Mạnh vào các phút cuối có thực sự hợp lý?
Thật ra, có một câu trả lời cho tất cả. Đó là chúng ta quá thiếu thốn nhân sự. Huấn luyện viên Park Hang-seo muốn Tuấn Anh cầm trịch tuyến giữa, nhưng tiền vệ của Hoàng Anh Gia Lai không thể đáp ứng. Ông cũng muốn Văn Toàn và Công Phượng bám biên để kéo giãn hàng phòng ngự Thái, song bộ đôi này lại bó vào trung lộ. Điều này lý giải cho việc Việt Nam đã bỏ qua khu trung tuyến và liên tục phất những đường bóng dài, đồng thời Văn Xuân, Xuân Mạnh được trao cơ hội dù họ trước đó chưa chơi một phút nào tại AFF Cup.
Huấn luyện viên Park Hang-seo có phương án B, nhưng không có nhân lực đủ tốt để triển khai. Những cuộc trao đổi căng thẳng trên đường pitch cùng đội ngũ trợ lý đã nói lên sự bực bội của chiến lược gia người Hàn Quốc, để rồi khi vào phòng họp báo, ông thở dài mà rằng, “thật tiếc vì đã thua, nhưng đây là những con người tốt nhất chúng ta có”.
3 năm qua, “Những chiến binh Sao Vàng” đã chinh chiến và tạo ra vô số kỳ tích bằng một đội hình tiêu chuẩn, với Văn Lâm trong khung gỗ, bên trên là Đình Trọng, Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, rồi Văn Hậu, Trọng Hoàng ở hai cánh, Đỗ Hùng Dũng bao quát trung tâm, tạo nền tảng cho Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức phía trên.
Bộ khung hoàn hảo ấy không còn được duy trì. Chấn thương đã tước đi nhiều cái tên quan trọng, và sự mệt mỏi tàn phá phong độ của những người còn lại. Duy có Hoàng Đức là nhân tố mới, và ngày càng chứng tỏ đẳng cấp bên cạnh Quang Hải luôn xuất sắc như thường lệ. Thế nhưng chỉ 2 người họ là không đủ. Đôi khi tất cả cảm thấy cả 2 quá lẻ loi.
Chúng ta may mắn sở hữu một "thế hệ Vàng", những trái ngọt từ các Học viện đào tạo trẻ mọc lên trên khắp cả nước. Kết hợp công nghệ phân tích và khoa học thể thao, tư duy chơi bóng hiện đại và sự cải thiện về mặt tâm lý, thành công được tạo ra. Tuy nhiên, để duy trì thành công và chinh phục các mục tiêu dài hạn, Việt Nam phải có nhiều hơn một "thế hệ Vàng". Chúng ta cần sản sinh ra nhiều tài năng hơn nữa, có thêm nhiều Hoàng Đức hơn nữa.
Thất bại tại AFF Cup 2020 không phải thảm họa, cũng không thúc ép một cuộc cách mạng. Nhưng nó nhắc nhở về vị trí chúng ta đang đứng, về những điều chúng ta cần cải thiện và giấc mơ về sự thống trị khu vực vẫn chưa hoàn thành.