Một số yếu tố giúp Iran có thể nắm lợi thế trước Israel

Với mạng lưới dân quân thân Iran rộng khắp và vị trí địa lý thuận lợi, Tehran có thể phản ứng nhanh chóng và gây áp lực lớn lên Israel mà không phải đối đầu trực diện.

Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận của quân đội Iran tại tỉnh Isfahan, ngày 28/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận của quân đội Iran tại tỉnh Isfahan, ngày 28/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Arab News (Saudi Arabia) ngày 23/10, mặc dù khu vực Trung Đông đang chạy đua với thời gian để tránh một cuộc chiến tranh toàn diện, tình trạng đối đầu giữa Iran và Israel có vẻ sẽ kéo dài. Iran, giống như Israel, cho rằng họ đang chiến đấu trong một cuộc chiến sinh tử chống lại các thế lực muốn làm suy yếu mình. Tuy nhiên, điều đáng nói là, dù không có ưu thế vượt trội về quân sự so với Israel, Iran vẫn có nhiều yếu tố giúp họ nắm lợi thế.

Iran đã trải qua hàng thập kỷ hỗ trợ các lực lượng dân quân trong khu vực. Từ Liban, Syria, Iraq đến Yemen và Gaza, các nhóm như Hezbollah, Hamas đều nhận được tài trợ, huấn luyện và vũ khí từ Tehran. Những nhóm này không chỉ đóng vai trò là "quân bài chiến lược" của Iran mà còn là công cụ để gây ảnh hưởng trên khắp Trung Đông.

Điều này đã trở nên rõ ràng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 năm ngoái, dẫn đến sự leo thang quân sự đáng kể giữa hai quốc gia. Sau khi đối đầu với Hamas, Israel đã nhanh chóng chuyển sự chú ý sang Hezbollah ở Liban. Tuy nhiên, Israel phải đối mặt với một thực tế khó khăn: lực lượng Hezbollah tại Liban được Iran tài trợ và có sức mạnh không hề nhỏ. Bất kỳ cuộc tấn công lớn nào vào Hezbollah cũng có thể gây ra phản ứng dây chuyền từ Tehran và các lực lượng dân quân thân Tehran khác.

Khoảng cách và giới hạn của Israel

Về mặt quân sự, Iran không có khả năng vượt trội so với Israel về công nghệ và sức mạnh. Israel sở hữu một lực lượng không quân, hải quân và mạng lưới an ninh mạng mạnh mẽ, cùng với "kho vũ khí hạt nhân không chính thức". Tuy nhiên, vị trí địa lý lại là một yếu tố quan trọng. Iran cách Israel hơn 1.500 km và nằm sâu trong lòng Trung Đông, trong khi Israel nằm gần các lực lượng dân quân thân Iran như Hezbollah ở Liban và các nhóm dân quân khác ở Syria.

Việc tấn công trực tiếp vào Iran sẽ đòi hỏi Israel phải có khả năng duy trì một chiến dịch không quân kéo dài và tiêu tốn nhiều nguồn lực. Trong khi đó, Iran có thể phản ứng nhanh hơn nhờ các lực lượng dân quân gần gũi với mình ở ngay sát biên giới Israel. Điều này đặt Israel vào tình thế khó khăn khi họ phải tính toán rất kỹ về các bước đi tiếp theo để không đẩy tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.

Trong khi Israel đang tìm cách vô hiệu hóa các lực lượng dân quân thân Iran, chính Tehran lại tiếp tục áp dụng chiến lược đối đầu bất đối xứng. Thay vì đối đầu trực diện với Israel, Iran đã sử dụng các nhóm dân quân như một công cụ gây khó khăn cho Israel. Việc này không chỉ giúp Iran tiết kiệm nguồn lực mà còn bảo vệ chính mình khỏi bị tổn thương trực tiếp.

Mặc dù các lực lượng này không mạnh như quân đội chính quy, nhưng họ lại có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho Israel thông qua các cuộc tấn công chiến thuật. Từ các cuộc tấn công tên lửa tới các cuộc đột kích nhỏ lẻ, các nhóm dân quân trên đã chứng minh rằng họ có thể làm suy yếu đối thủ mà không cần phải tham gia vào một cuộc chiến toàn diện.

Tehran cũng đã thể hiện sự tự tin trong cách tiếp cận hiện tại. Mặc dù về mặt ngoại giao, Iran thường xuyên khẳng định rằng với thế giới rằng họ không tìm cách leo thang xung đột, nhưng trên thực tế, các hành động của Iran cho thấy một sự quyết tâm bảo vệ và củng cố các nhóm dân quân thân mình. Các nhóm như Hezbollah hoặc các lực lượng tại Yemen và Syria vẫn thường xuyên thực hiện những cuộc tấn công vào Israel, gây tổn thất nhưng không đủ để kích động một cuộc chiến tổng lực.

Chuyên gia phân tích Trung Đông Ali Vaez, từ tổ chức International Crisis Group nhận định: “Iran không muốn chiến tranh, nhưng họ sẵn sàng chiến đấu thông qua các lực lượng dân quân để bảo vệ lợi ích của mình. Điều này giúp họ giảm thiểu tổn thất và đẩy thiệt hại sang phía đối thủ".

Trong bối cảnh các cường quốc thế giới đang chú ý đến nhiều khu vực khác, Iran có thể tranh thủ tình hình để thúc đẩy chiến lược của mình. Mỹ hiện đang bị phân tâm bởi cuộc bầu cử tổng thống, trong khi Nga và Trung Quốc đang tập trung vào lợi ích riêng. Điều này tạo ra không gian cho Iran tiếp tục củng cố tầm ảnh hưởng của mình mà không phải lo lắng quá nhiều về sự can thiệp từ bên ngoài.

Nhìn chung, tình hình hiện tại giữa Iran và Israel cho thấy rằng một cuộc chiến lớn có thể không xảy ra ngay lập tức, nhưng trạng thái xung đột phi đối xứng này sẽ tiếp tục kéo dài, với Iran vẫn giữ được vị thế chiến lược của mình.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo arabnews.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/mot-so-yeu-to-giup-iran-co-the-nam-loi-the-truoc-israel-20241023224619478.htm
Zalo