Một số tỉnh, thành phố đã không còn diện tích lúa và hoa màu ngập úng

Theo số liệu thống kê được từ một số địa phương, diện tích bị ngập lụt, úng khoảng 72.541 ha lúa; trong đó có 10.041 ha ngập trắng, 62.500 ha sâu nước và khoảng 45.172 ha cây trồng bị thiệt hại.

Tuổi trẻ huyện Sóc Sơn, Hà Nội cùng lực lượng quân đội và nhân dân bó dựng lại diện tích lúa bị đổ. (Ảnh: TTXVN phát)

Tuổi trẻ huyện Sóc Sơn, Hà Nội cùng lực lượng quân đội và nhân dân bó dựng lại diện tích lúa bị đổ. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 17h ngày 16/9, hiện chỉ còn các địa phương khu vực Bắc Bộ còn diện tích bị ngập úng.

Theo số liệu thống kê được từ một số địa phương, diện tích bị ngập lụt, úng khoảng 72.541 ha lúa; trong đó có 10.041 ha ngập trắng, 62.500 ha sâu nước và khoảng 45.172 ha cây trồng bị thiệt hại, dập nát.

Hiện nay, một số tỉnh miền núi phía Bắc và Hải Phòng, Vĩnh Phúc,… không còn diện tích ngập úng.

Về tình hình vận hành công trình thủy lợi tiêu nước, trên Hệ thống Bắc Đuống, mực nước lũ trên sông Cầu đã giảm xuống dưới mức báo động 2. Toàn bộ các trạm bơm trên sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu đã được vận hành trở lại.

Trên Hệ thống Bắc Hưng Hải, các cống Cầu Xe, An Thổ, Kênh Cầu, Bá Thủy hiện đang mở thông để tiêu thoát nước trong hệ thống. Các cống Tranh và Lực Điện đang đóng kín. Mực nước trong hệ thống đang giảm dần, tốc độ tiêu thoát nước phụ thuộc nhiều vào mực nước triều.

Trên Hệ thống Bắc Nam Hà đã khôi phục vận hành được 11/12 trạm (còn Kinh Thanh 2 không vận hành). Mực nước trong hệ thống đang giảm dần; hiện tại mực nước trong hệ thống giao động từ 0,8-1,6m tùy theo từng trạm bơm.

Hệ thống thủy lợi Sông Nhuệ đã khôi phục vận hành các trạm bơm tiêu vào hệ thống từ 8h ngày 15/9. Tính đến 13h ngày 16/9 hệ thống vận hành 112 trạm bơm với 469 máy bơm.

Tính đến 17h ngày 16/9, các tỉnh khu vực Bắc Bộ đang vận hành 503 trạm bơm với 2.331 máy bơm; mở 112 cống để tiêu nước (Hưng Yên 12 cống, Hải Phòng 78 cống, Thái Bình 5 cống, Ninh Bình 10 cống, công ty Bắc Nam Hà 3 cống, công ty Bắc Hưng Hải 4 cống).

Khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Thanh Hóa đã vận hành 46 công trình (10 trạm bơm với 30 máy bơm tiêu và 16 cống tiêu).

Cục Thủy lợi cho biết, việc vận hành công trình thủy lợi phòng, chống úng đã được chủ động thực hiện.

Tuy nhiên, đã gặp khó khăn do mất điện và đặc biệt tình trạng lũ sông ngoài cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận hành, nhiều công trình phải dừng vận hành dài ngày như các công trình dọc sông Cầu của hệ thống thủy lợi Bắc Đuống; dọc sông Đáy, sông Hồng của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà...

Hiện nay, việc vận hành tiêu úng đang được tập trung cao độ, với dự báo chỉ có mưa nhỏ và lũ đang xuống nhanh, tình trạng ngập úng ở vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ dần được giải quyết trong vòng 1-2 ngày tới.

Khẩn trương thu hoạch lúa nhanh, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão

Tại Thái Bình: Bão số 3 càn quét đã gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Thái Bình, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp với thiệt hại ước tính khoảng 350 tỷ đồng. Sau khi bão và hoàn lưu bão đi qua, người dân địa phương đang tập trung khôi phục lại sản xuất nông nghiệp, sớm ổn định tình hình, đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian sớm nhất.

 Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy quân sự huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc giúp bà con nhân dân xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương thu hoạch lúa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TXVN)

Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy quân sự huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc giúp bà con nhân dân xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương thu hoạch lúa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TXVN)

Xã Quỳnh Hải là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất của tỉnh Thái Bình với 1.700 hộ (chiếm trên 80% tổng số hộ của xã) canh tác tại 220ha diện tích. Bão số 3 khiến các cánh đồng rau màu tại đây trở nên xơ xác, khung che bị đổ rạp, nhiều diện tích rau ngập úng, gãy đổ, kho, lán ủ phân bón trên nhiều cánh đồng bị tốc mái.

Anh Đào Ngọc Trang, thôn An Phú, xã Quỳnh Hải chia sẻ, gia đình anh trồng 8 sào rau màu, dự định cuối tháng 9 sẽ cho thu hoạch. Nhưng ảnh hưởng của bão nên toàn bộ diện tích này gần như mất trắng, thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Không chỉ vậy, diện tích lán ủ phân bón của gia đình anh trên cánh đồng thôn An Phú cũng bị tốc mái hoàn toàn, phải lợp lại.

Đây là thiệt hại lớn nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây đối với nông dân xã Quỳnh Hải. Hiện tại giá hành lá đang được thương lái thu mua tại ruộng là 40.000 đồng/kg (gấp đôi giá ở thời điểm bình thường) nhưng cũng không có để bán.

Dù khó khăn nhưng sau bão, tranh thủ thời tiết thuận lợi, anh Trang cũng như nhiều nông dân ở xã Quỳnh Hải đã bắt tay ngay vào việc khôi phục sản xuất, giảm bớt thiệt hại về kinh tế, trong đó chuẩn bị sẵn cây giống, đồng thời xử lý, vệ sinh đồng ruộng, kịp thời gieo trồng vụ mới.

Bà Phạm Thị Thê, thôn An Phú, xã Quỳnh Hải cho biết, gia đình bà là một trong những hộ may mắn còn giữ lại được một phần diện tích hành lá sắp đến kỳ thu hoạch, song năng suất dự kiến sẽ giảm 2/3 so với mọi năm. Để cứu vớt diện tích còn lại, sau bão bà Thê tiếp tục chăm sóc, bón phân tăng cường, dự định thu hoạch trong 20 ngày tới để bù đắp thiệt hại do bão gây ra.

Ông Đỗ Công Chuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ) cho biết, nhờ trình độ thâm canh cao cùng truyền thống và kinh nghiệm tích lũy từ việc sản xuất rau màu lâu đời, những năm qua nông dân xã Quỳnh Hải đã biến các cánh đồng thành thủ phủ sản xuất rau màu trọng điểm của tỉnh Thái Bình với đa dạng các loại rau màu như cần tây, tỏi tây, su hào, bắp cải, cải ngọt, bí, đỗ, hành lá, thì là…. mang lại giá trị kinh tế cao, trung bình 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, bão số 3 càn quét đã khiến trên 164 ha diện tích rau màu của nông dân xã Quỳnh Hải bị thiệt hại từ 80 đến 100%; chỉ còn lại khoảng 40 ha diện tích có thể thu hoạch.

Để khắc phục hậu quả do bão gây ra, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, xã đã huy động bà con thu hoạch những diện tích còn lại có thể cho thu hoạch. Đối với diện tích không thể thu hoạch, chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất, kịp thời bổ sung vụ mới; trong đó tập trung ở những loại cây ngắn ngày như cây cải ngọt với thời vụ 25-30 ngày, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây lũ lớn trên các sông gây thiệt hại cho địa phương ước tính khoảng 450 tỷ đồng, riêng sản xuất nông nghiệp thiệt hại 350 tỷ đồng.

Trong số đó, 6.000 ha diện tích lúa bị thiệt hại trên 30%; 2.760 ha diện tích rau màu vụ đông mới trồng và rau màu vụ mùa chưa kịp thu hoạch bị ảnh hưởng trên 70%, 585 ha bị ảnh hưởng từ 30 đến 70%; trên 1.200 ha cây ăn quả, chuối… bị ảnh hưởng từ 30 đến 70%, 170 ha bị ảnh hưởng trên 70%.

Bão số 3 cũng ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi của tỉnh Thái Bình với trên 60.000 con gia cầm, thủy cầm; 146 con gia súc bị chết.

Nhiều chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng; một số lồng nuôi cá trên sông Hồng thuộc địa bàn huyện Hưng Hà bị lật và cuốn trôi với khoảng 60 tấn cá các loại.

Để kịp thời hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất sau bão số 3, tỉnh Thái Bình đang nghiên cứu phương án hỗ trợ giúp nông dân sớm ổn định sản xuất.

Đồng thời, cử gần 90 cán bộ kỹ thuật đến các địa phương trực tiếp hướng dẫn bà con các biện pháp bảo vệ cây trồng còn lại và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, khắc phục hậu quả sau bão lũ với quyết tâm nhanh chóng khôi phục lại sản xuất nông nghiệp – một trong những thế mạnh của địa phương nhiều năm qua.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình khuyến cáo, đối với cây rau màu, nông dân cần khẩn trương rút nước nhanh trên đồng ruộng.

Sau khi rút nước xong cần vệ sinh đồng ruộng, xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất, tránh hiện tượng nghẹt rễ; kết hợp bón bổ sung phân lân hoặc phân NPK giúp bộ rễ nhanh phục hồi, phun phòng bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh vi khuẩn…kịp thời.

Với diện tích lúa đã trỗ bông, bị đổ cần dựng, buộc (5-7 khóm/túm) hạn chế việc bông lúa bị ngập lâu ngày dưới nước dẫn đến mọc mầm và thối. Với diện tích lúa mùa đang ôm đòng cần áp dụng các biện pháp tiêu thoát nước nhanh, hạn chế tối đa hiện tượng thui đòng và lem lép hạt khi lúa trỗ.

Đối với trà lúa mùa chưa trỗ bông hoặc mới trỗ, lá lúa bị dập nát có nguy cơ nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn cao; lúa bị ngã đổ có nguy cơ nhiễm rầy và khô vằn, do vậy Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Với diện tích lúa Mùa trỗ bông muộn sau ngày 20/9, bà con nông dân cũng cần theo dõi, phòng trừ sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đạo ôn cổ bông.

Tại Vĩnh Phúc: Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường chỉ đạo phục hồi sản xuất nông nghiệp và khắc phục hậu quả thiệt hại sau cơn bão số 3, nhất là diện tích lúa đang chín bị đổ ngã xuống mặt ruộng.

Tính đến ngày 13/9, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 9.000 ha lúa và 1.544 ha hoa màu bị đổ ngã, ảnh hưởng; thiệt hại về thủy sản do tràn hoặc ngập nước 263 ha; hơn 5.400 gia súc gia cầm bị thiệt hại...

Ước tính tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên các lĩnh vực của tỉnh Vĩnh Phúc khoảng hơn 79 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sau bão số 3 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão, toàn tỉnh Vĩnh Phúc còn có hơn 27.000 cây xanh (bao gồm cả cây ăn quả) bị gãy, đổ.

Nước lũ trên sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy dâng cao nên một số công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã bị hư hại, phải tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân. Hàng loạt các thiệt hại liên quan tới hạ tầng giao thông, kỹ thuật... vẫn đang được cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục thống kê, kiểm đếm, đánh giá tổng thể về giá trị thiệt hại.

Để khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo kế hoạch gieo trồng trong thời thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tiếp tục huy động mọi nguồn lực để tiêu úng và khơi thông dòng chảy, đảm bảo diện tích trồng lúa không bị ngập úng thêm trong trường hợp mưa lớn tiếp tục xảy ra trên địa bàn.

Đặc biệt tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thu hoạch nhanh, gọn lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ Đông, nhất là triển khai nhanh việc gieo trồng các loại rau xanh đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng khi nguồn rau, quả đang khan hiếm, giá cả tăng vọng bởi nhiều vùng trồng rau, quả bị hư hại do mưa bão gây ngập và khó phục hồi.

Đối với diện tích rau màu bị thiệt hại nhẹ, nhanh chóng cắt tỉa các thân cành bị dập, gãy sau mưa tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng, hạn chế nấm bệnh. Sau khi nước rút, trời tạnh ráo cần xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc và dựng cây, khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau, đồng thời mở rộng diện tích cây vụ Đông 2024 nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Ngoài ra, tiến hành phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng; rắc vôi bột hoặc phun thuốc sát trùng toàn bộ hành lang, lối đi, và phương tiện vận chuyển, tiến hành sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước uống, hệ thống nước thải.Cùng đó, nạo vét, khơi thông hệ thống cống rãnh, phát quang bụi rậm khu vực quanh chuồng nuôi.

Ngành chức năng cũng tiêm vaccin đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống phù hợp với từng lứa tuổi gia cầm, bổ sung vitamin, men tiêu hóa cho đàn gia cầm để nâng cao sức đề kháng.

Thực hiện việc tái đàn sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chăn nuôi như: gia cố chuồng trại, vệ sinh khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi... Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng đã được tiêm đầy đủ các loại vaccine, khử trùng, tiêu độc nguồn nước, đồng cỏ, bãi chăn phục vụ chăn nuôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/mot-so-tinh-thanh-pho-da-khong-con-dien-tich-lua-va-hoa-mau-ngap-ung-post977129.vnp
Zalo