Một số tiêu chí khiến nhiều tỉnh, thành không thuộc diện sáp nhập
Các tiêu chí trong quá trình sáp nhập tỉnh, thành đều cần xem xét một cách cẩn trọng, thấu đáo. Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp các đơn vị hành chính là ở định hướng lâu dài, mở ra không gian phát triển, có xem xét đến yếu tố văn hóa - xã hội, truyền thống lịch sử của từng địa phương...

Ảnh minh họa.
Tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, có đề xuất 11 tỉnh, thành không thuộc diện sắp xếp lần này, bao gồm: Thành phố Hà Nội; Thành phố Huế; các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các địa phương nêu trên cũng không thuộc diện thực hiện sáp nhập.
XEM XÉT CẨN TRỌNG, THẤU ĐÁO CÁC TIÊU CHÍ KHI SÁP NHẬP TỈNH
Lý giải về việc 11 tỉnh, thành nêu trên giữ nguyên, tại tọa đàm “Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm” mới đây, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), cho biết tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương này mới dừng lại ở việc xem xét tiêu chí diện tích tự nhiên, quy mô dân số.
Tuy nhiên, diện tích, dân số là yếu tố ban đầu, không phải yếu tố quyết định trong việc sắp xếp đơn vị hành chính. Yếu tố quyết định là làm sao tạo ra được nhiều dư địa phát triển tốt hơn trong tương lai.
Ông Tuấn ví dụ tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa không đề xuất sắp xếp trọng giai đoạn này. Ngoài yếu tố diện tích, dân số của hai tỉnh này, còn tính đến tiềm năng, lợi thế nội tại để phát triển địa bàn này đủ lớn, đủ rõ ràng để tạo động lực phát triển cho địa phương, cho một vùng.
“Nghệ An và Thanh Hóa đều nằm trong vùng Bắc Trung Bộ. Đây là 1 trong 5 tiểu vùng của 6 vùng kinh tế. Hai tỉnh này chúng ta có thể ví von như “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ miền núi, đồng bằng, ven biển, biên giới, sân bay, cảng biển, cao tốc...”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, không gian phát triển là yếu tố rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Các phương án phải tính toán rất kỹ lưỡng các yếu tố để đưa ra phương án tối ưu nhất. Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, mở rộng dư địa phát triển nhưng bảo đảm được chính quyền gần dân, sát dân.
Trong quá trình sắp xếp, đã cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có diện tích tự nhiên, dân số thì có một số tỉnh không thuộc diện sắp xếp lần này. Bên cạnh diện tích tự nhiên, dân số, cần cần tính đến yếu tố về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế phải gắn với quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cũng nhấn mạnh, đã nói về tiêu chí thì vấn đề nào cũng rất quan trọng, đều phải xem xét một cách cẩn trọng, thấu đáo. Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp các đơn vị hành chính là ở định hướng lâu dài.
Mở rộng không gian phát triển thực sự là tiêu chí lớn nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều vấn đề đặt ra, cần xem xét như yếu tố địa lý, văn hóa, các vấn đề quy hoạch vùng, liên vùng. Ngoài ra, mục tiêu khác cần hướng tới là xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh đề xuất phương án sắp xếp, cơ quan soạn thảo cũng tính toán đến nhiều yếu tố đảm bảo phương án sáp nhập khả thi, đi vào thực tiễn. Cùng với sắp xếp lại cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, tiếp tục sáp nhập cấp xã, thì cần có hệ thống pháp luật đồng bộ đi kèm.
Trong đó, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương đảm bảo xác định chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ sở, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của cơ quan Trung ương cho cấp tỉnh, cấp cơ sở.
Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế để bảo đảm từ ngày 1/7/2025, chính quyền địa phương 2 cấp sẽ đi vào hoạt động. “Qua nắm bắt ban đầu của Bộ Nội vụ, nhiều địa phương đã tích cực chuẩn bị các phương án kỹ lưỡng. Ngày 1/5 tới là thời hạn cuối cùng địa phương gửi đề án sắp xếp hợp nhất cấp tỉnh, xã về Bộ Nội vụ. Từ đó, Bộ Nội vụ tổng hợp, nghiên cứu hoàn thiện đề án trình Quốc hội, Chính phủ”, ông Tuấn thông tin.
TẠO DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Liên quan đến việc sáp nhập tỉnh, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đánh giá, việc sáp nhập các tỉnh sắp tới chính là bước tiếp theo trong quá trình tinh gọn bộ máy hành chính. Khi hai tỉnh được sáp nhập thành một, nghĩa là đã giảm được đầu mối cấp tỉnh, đồng thời góp phần tổ chức lại hệ thống quản lý hiệu quả hơn.

Một góc Thành phố Thanh Hóa. Ảnh: VGP.
Tuy nhiên, theo ông Chính, điều quan trọng nhất là việc sáp nhập này sẽ tạo ra dư địa phát triển không gian lớn hơn cho các địa phương. Đây là yếu tố có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.
“Trước đây, do điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc còn hạn chế, nên chúng ta buộc phải tách một số tỉnh để tạo điều kiện phát triển phù hợp theo từng vùng. Hiện nay, khi các điều kiện đã hội tụ, việc sáp nhập lại các tỉnh là cần thiết. Vấn đề đặt ra là sáp nhập tỉnh nào với tỉnh nào, sáp nhập như thế nào để đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững”, ông Chính chia sẻ.
Theo ông, trước hết, việc sáp nhập phải tính đến yếu tố dư địa phát triển, bao gồm không gian cho nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là không gian biển. Hiện nay, chỉ có 28 trong số 63 tỉnh, thành phố có biển. Vì vậy, việc sáp nhập nên cân nhắc đến yếu tố này, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận không gian biển - một không gian có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, quốc phòng và phát triển lâu dài.
“Bên cạnh những yếu tố kinh tế - kỹ thuật, khi thực hiện sáp nhập, cần đặc biệt lưu ý đến yếu tố văn hóa - xã hội, truyền thống lịch sử của từng địa phương. Bởi đây là điều gắn bó mật thiết với tình cảm của người dân. Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định cho sự thành công của quá trình sáp nhập”, ông Chính nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng phát triển kinh tế là yêu cầu tất yếu. Song bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố địa chính trị và địa kinh tế. Không gian phát triển hiện nay có thể được xác lập theo vùng, theo ngành nghề.
Theo ông, chúng ta đã có hệ thống quản trị vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch địa phương một cách tương đối đầy đủ. Do vậy, khi xem xét sáp nhập tỉnh, cần đánh giá kỹ không gian phát triển tổng thể, khả năng kết nối hạ tầng, điều kiện giao thông đi lại giữa các địa phương để lựa chọn phương án tối ưu.
Mặt khác, trong quá trình sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, cần hết sức quan tâm đến cấp cơ sở - cụ thể là xã, phường, thị trấn và các mô hình đặc thù như đặc khu hành chính - kinh tế. “Đây là cấp gần dân, sát dân nhất, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức bộ máy hiệu quả, đồng thời duy trì sự kết nối mật thiết giữa chính quyền và người dân”, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nêu quan điểm.