Một số thuận lợi và khó khăn trong thực hiện Luật An ninh quốc gia và các văn bản pháp luật liên quan của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trong BĐBP

Theo quy định của Luật An ninh quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, ngoài cơ quan Bảo vệ an ninh quân đội thì cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trong BĐBP gồm có Cục Trinh sát, phòng trinh sát thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP cấp tỉnh, đội trinh sát thuộc đồn Biên phòng và hải đoàn Biên phòng; cán bộ chuyên trách là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc các cơ quan này. Trải qua 20 năm thực hiện pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia của lực lượng trinh sát, rút ra một số thuận lợi, khó khăn như sau:

Các đối tượng trong nhóm Vừ A Kỷ thuộc “lực lượng kháng chiến Mông” tổ chức huấn luyện (hình ảnh thu được trong quá trình thực hiện kế hoạch của Cục Trinh sát BĐBP điều tra cơ bản các tổ chức phản động năm 2010). Ảnh: Cơ quan nghiệp vụ cung cấp

Các đối tượng trong nhóm Vừ A Kỷ thuộc “lực lượng kháng chiến Mông” tổ chức huấn luyện (hình ảnh thu được trong quá trình thực hiện kế hoạch của Cục Trinh sát BĐBP điều tra cơ bản các tổ chức phản động năm 2010). Ảnh: Cơ quan nghiệp vụ cung cấp

Thuận lợi

Cùng với Luật Biên giới quốc gia, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia năm 2004 được ban hành tạo hành lang pháp lý trong việc xây dựng, củng cố lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia của BĐBP; xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh bảo vệ Tổ quốc; quy định cụ thể các biện pháp nghiệp vụ, việc thực hiện chế độ, chính sách trong thi hành nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia.

Việc thi hành Luật An ninh quốc gia luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia là nhân tố quan trọng đưa pháp luật đến với cuộc sống, là nền tảng trong thực thi Luật An ninh quốc gia.

Khó khăn, vướng mắc

Trước hết, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia thường là những văn bản ở chế độ tài liệu mật, do đó, việc phổ biến, quán triệt rộng rãi các quy định về tổ chức, quyền hạn, biện pháp công tác của cơ quan chuyên trách và cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội bị hạn chế, gây khó khăn cho cơ quan, cán bộ chuyên trách trong thực thi công vụ, không tạo được sự đồng thuận, hợp tác của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Tại khoản 2, Điều 15, Luật An ninh quốc gia quy định, Chính phủ quy định thủ tục, thẩm quyền áp dụng quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; khoản 4, Điều 21, Nghị định 74/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007 của Chính phủ quy định “Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nguyên tắc, trình tự, thủ tục quyết định áp dụng biện pháp nghiệp vụ”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho lực lượng nghiệp vụ của BĐBP mà mới chỉ có một số văn bản quy phạm nội bộ được ban hành làm cơ sở pháp lý cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trong BĐBP làm căn cứ vận dụng để hoạt động.

Các quy định về “Áp dụng một số biện pháp cần thiết khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp” trong Luật An ninh quốc gia và quy định về “Thiết quân luật”, “Giới nghiêm” trong Luật Quốc phòng chưa rõ nội hàm, chưa định nghĩa rõ khái niệm nên việc phân biệt, hiểu và tham mưu cấp có thẩm quyền áp dụng luật sẽ khó khăn, lúng túng giữa trạng thái quốc phòng và tình trạng khẩn cấp về an ninh.

Cụ thể: Điều 20, Luật An ninh quốc gia nêu: “Bảo vệ an ninh quốc gia khi có tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh”, Điều 21, Luật An ninh quốc gia quy định: “Áp dụng một số biện pháp cần thiết khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp”; trong khi Điều 18, Luật Quốc phòng sử dụng khái niệm “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng”.

Điểm c, khoản 1, Điều 22, Luật An ninh quốc gia quy định: “BĐBP, Cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và khu vực biên giới trên biển” còn chung chung, chưa cụ thể về địa bàn hoạt động giữa BĐBP và Cảnh sát biển. Trong khi các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam có quy định Cảnh sát biển hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tuy nhiên cũng chưa phân định cụ thể phạm vi hoạt động trên biển nên gây ra sự chồng chéo về địa bàn hoạt động của hai lực lượng.

Tại Nghị định số 151/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền hạn của cơ quan chuyên trách, cán bộ chuyên trách trong BĐBP, Cảnh sát biển chỉ được áp dụng đối với các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự chưa phù hợp với các ngành luật khác (Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự), gây khó khăn cho BĐBP trong thực thi. Ngoài ra, các chức danh Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP cấp tỉnh, Đồn trưởng đồn Biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng có thẩm quyền thu thập tài liệu, chứng cứ trong hoạt động điều tra vụ án hình sự; có quyền tạm đình chỉ các hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu nhưng không có quyền hạn ở Nghị định này.

Để các văn bản quy phạm pháp luật được đồng bộ, tạo thuận lợi cho các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trong thực thi công vụ, thời gian tới, cần kiến nghị sửa đổi những văn bản pháp luật đã được ban hành trong thời gian dài đến nay không còn phù hợp với xu thế phát triển xã hội và các văn bản pháp luật mới ban hành.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Khánh (Cục Trinh sát BĐBP)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mot-so-thuan-loi-va-kho-khan-trong-thuc-hien-luat-an-ninh-quoc-gia-va-cac-van-ban-phap-luat-lien-quan-cua-co-quan-chuyen-trach-bao-ve-an-ninh-quoc-gia-trong-bdbp-post478096.html
Zalo