Một số quy định được sửa đổi và bổ sung mới nổi bật của Luật Đất đai 2024

Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Với 16 chương, 260 điều, Luật Đất đai 2024 đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai...

Luật Đất đai tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước; có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành Luật Đất đai trước đây còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai; ngoài ra, do sự phát triển của xã hội, một số quy định về đất đai đã không còn phù hợp, một số lĩnh vực vẫn chưa được quy định nên cần phải ban hành Luật Đất đai mới để giải quyết các vấn đề còn hạn chế nêu trên.

UBND cấp huyện được quyền thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ảnh: QUANG BÌNH

UBND cấp huyện được quyền thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ảnh: QUANG BÌNH

Với thực trạng đó, ngày 18/1/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai số 31/2024/QH15, gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi 180/212 điều của Luật Đất đai số 45/2013/QH13, ngày 29/11/2013 và bổ sung nhiều quy định mới, một số quy định sửa đổi và bổ sung mới nổi bật như sau:

1. Về người sử dụng đất (Điều 4): Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư như: bỏ đối tượng “Hộ gia đình”, sửa đổi phạm vi các đối tượng tôn giáo, người Việt Nam định cư nước ngoài và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Về phân loại đất (Điều 9): Bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp, bổ sung đất công trình cấp nước, thoát nước, đất công trình phòng, chống thiên tai, đất công nghệ thông tin, cơ sở lưu trữ tro cốt, đất chợ đầu mối trong nhóm đất phi nông nghiệp.

3. Về trách nhiệm của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai (Điều 12 - 25): Bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai, ý kiến về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai…

4. Về điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa (Điều 45): Đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế, phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và phải được UBND cấp huyện phê duyệt (trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế).

5. Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 72): Thay đổi thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia (Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội), Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ).

6. Về thu hồi đất (Điều 78 - 90): Quy định cụ thể, chi tiết 31 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, quy định cụ thể hơn các trường hợp thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai, chấm dứt sử dụng đất theo pháp luật… Đặc biệt, UBND cấp huyện được quyền thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất như Luật Đất đai số 45/2013/QH13. Bổ sung quy định hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất để tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động trong hoạt động sử dụng đất của mình.

7. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 91 - 111): Quy định chi tiết về nguyên tắc bồi thường, người sử dụng đất được chọn hình thức bồi thường theo nhu cầu của người bị thu hồi đất và điều kiện của từng địa phương. Ngoài ra, cụ thể hơn các quy định khu tái định cư, giá trị bồi thường; quy định việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.

8. Về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất (Điều 112 - 115): Đây là nội dung mới so với Luật Đất đai số 45/2013/QH13, quy định về nguyên tắc phát triển quỹ đất, quản lý và khai thác quỹ đất, quỹ phát triển đất; đất do tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác.

9. Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 116 - 127): Bổ sung chi tiết căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, thẩm quyền chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên do HĐND cấp tỉnh quyết định (trước đây Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ dựa vào diện tích xin phép chuyển mục đích sử dụng đất) và điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (không còn căn cứ theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13).

10. Về chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Điều 128 - 152): Thay đổi tên gọi và mẫu giấy chứng nhận thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (trước đây Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Thay đổi thẩm quyền cấp, chỉnh lý giấy chứng nhận đối với trường hợp thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động là tổ chức đăng ký đất đai và chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai (Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định thuộc thẩm quyền của cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ.

11. Về tài chính đất đai, giá đất (Điều 153 - 162): Quy định mới đối với trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn. Người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Phân quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất… Bỏ quy định về khung giá đất, bổ sung quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm được áp dụng lần đầu ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Quy định thời gian ban hành quyết định giá đất cụ thể của UBND cấp có thẩm quyền là không quá 180 ngày kể từ thời điểm định giá đất. Quy định mở rộng thành phần hội đồng định giá đất cụ thể (bổ sung chuyên gia về giá đất, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức chính trị - xã hội khác).

12. Về hạn mức nhận chuyển nhượng (Điều 177): Tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của cá nhân là 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp đối với mỗi loại đất (trước đây Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định là không quá 10 lần).

13. Về nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính (Điều 224): Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.

Ngoài ra, để xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có quy định sửa đổi, bổ sung 8 luật có liên quan đến quản lý, sử dụng đất, gồm các luật: Quy hoạch, Đầu tư, Lâm nghiệp, Thủy sản, Tổ chức chính quyền địa phương, Thi hành án dân sự, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, bổ sung 8 điều để quy định chuyển tiếp khi Luật Đất đai có hiệu lực, về lĩnh vực: giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, tài chính đất đai, giá đất, thời hạn sử dụng đất…

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã giải quyết được các vướng mắc, bất cập trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai số 45/2013/QH13. Hiện tại, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai kịp thời, hiệu quả và thống nhất. Hệ thống Luật Đất đai mới đã được hoàn thiện, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai trong giai đoạn mới, góp phần phát huy cao nguồn lực đất đai để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

QUANG BÌNH - HOÀI KHANH (Tổng hợp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat/202409/mot-so-quy-inh-uoc-sua-oi-va-bo-sung-moi-noi-bat-cua-luat-at-ai-2024-0bb50bf/
Zalo