Một số quốc gia châu Âu xem xét rút khỏi công ước cấm bom mìn

Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, một loạt quốc gia châu Âu đang xem xét lại lập trường đối với loại vũ khí bị lên án rộng rãi: mìn sát thương.

Estonia, Phần Lan, Latvia, Litva và Ba Lan mới đây đã công bố kế hoạch rút khỏi Công ước Ottawa – hiệp ước quốc tế cấm sử dụng, sản xuất, tích trữ và chuyển giao mìn sát thương. Động thái này được xem là bước ngoặt đáng lo ngại, làm suy yếu nỗ lực toàn cầu trong việc loại bỏ loại vũ khí sát thương dai dẳng vốn bị coi là “sát thủ thầm lặng” sau chiến tranh.

Hiệp ước Ottawa được thông qua vào năm 1997 và hiện có 164 quốc gia ký kết, trong đó bao gồm toàn bộ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, một số nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ và nhiều quốc gia Ả Rập vẫn chưa tham gia. Theo báo cáo Landmine Monitor 2024 do Liên minh Chiến dịch quốc tế cấm mìn (ICBL-CMC) công bố, năm 2023 ghi nhận ít nhất 833 thương vong do mìn sát thương – con số cao nhất kể từ năm 2011.

Hiện, nhiều nhóm vũ trang phi chính phủ và lực lượng quân đội chính quy tại các quốc gia như Colombia, Ấn Độ, Pakistan và khu vực Gaza bị cáo buộc tiếp tục sử dụng loại vũ khí mìn sát thương. Tính đến nay, ít nhất 58 quốc gia trên thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi sự hiện diện kéo dài của mìn sát thương.

Mìn chống bộ binh PFM-1. Ảnh: TASS

Mìn chống bộ binh PFM-1. Ảnh: TASS

Tại châu Âu, làn sóng lo ngại gia tăng sau khi các quốc gia vùng Baltic công bố ý định rút khỏi Công ước. Trong tuyên bố chung, bộ trưởng quốc phòng Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan nêu rõ: “Tình hình an ninh khu vực đang xấu đi nghiêm trọng. Các quốc gia của chúng tôi phải sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.”

Phần Lan, quốc gia gia nhập Công ước Ottawa vào năm 2012, cho rằng việc rút khỏi hiệp ước sẽ giúp tăng cường khả năng linh hoạt trong ứng phó với những biến động an ninh khu vực. Trong khi đó, Latvia viện dẫn bài học từ cuộc chiến tại Ukraine, nhấn mạnh mìn sát thương có thể đóng vai trò chiến thuật quan trọng trong việc làm chậm bước tiến của lực lượng đối phương. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc rút khỏi Công ước vẫn phải chờ Quốc hội Latvia phê chuẩn.

Dù các quốc gia này khẳng định chưa có kế hoạch cụ thể về phát triển hay chuyển giao mìn sát thương, thông điệp phát đi vẫn gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.

Các tổ chức nhân đạo và chuyên gia nhanh chóng bày tỏ lo ngại. Ông Gilles Carbonnier, Phó Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, nhấn mạnh hơn 80% nạn nhân của mìn sát thương là dân thường, đặc biệt là trẻ em. Ông gọi đây là loại vũ khí không phù hợp với chuẩn mực nhân đạo hiện đại vì không chỉ gây hại cho đối phương mà còn đe dọa chính binh sĩ và dân thường sau chiến tranh. Việc rà phá mìn vừa tốn kém, vừa kéo dài, như trường hợp Croatia vẫn chưa xử lý hết mìn từ thời chiến tranh Nam Tư.

Cecilia Strada, Nghị sĩ châu Âu người Ý và cựu Chủ tịch tổ chức nhân đạo Emergency, chia sẻ: “Tôi đã gặp nạn nhân đầu tiên của bom mìn khi mới chín tuổi. Sau đó là hàng trăm người ở Afghanistan, Pakistan, Sierra Leone và Campuchia.” Theo bà, dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, ngay cả nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc.

Phản ứng của các cơ quan EU trước quyết định của các nước vùng Baltic khá thận trọng. Dù Liên minh châu Âu có lập trường rõ ràng phản đối mìn sát thương, nhưng Ủy ban châu Âu từ chối lên án trực tiếp các kế hoạch rút lui khỏi hiệp ước. Người phát ngôn Anouar El Anouni chỉ nhấn mạnh EU đã đóng góp hơn 174 triệu euro kể từ năm 2023 cho hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo.

Tại Nghị viện châu Âu, một đề xuất kêu gọi “lên án mạnh mẽ” ý định rút khỏi Công ước của một số quốc gia thành viên đã bị bác bỏ. Thay vào đó, một sửa đổi khác ủng hộ lập trường của các nước vùng Baltic và quy trách nhiệm cho Nga đã được thông qua với 431 phiếu thuận.

Đọc thêm: Châu Âu rục rịch ứng phó với thuế quan của ông Trump

Tuy nhiên, các tổ chức nhân đạo cảnh báo việc một số quốc gia EU rút khỏi Công ước Ottawa có thể tạo ra hiệu ứng domino đầy nguy hiểm. “Luật nhân đạo quốc tế không dựa trên nguyên tắc có đi có lại,” ông Gilles Carbonnier nhấn mạnh. “Chính trong những thời điểm xung đột căng thẳng nhất, các hiệp ước như Ottawa càng cần được duy trì và bảo vệ. Nếu châu Âu bắt đầu quay lưng với các cam kết nhân đạo, điều gì sẽ ngăn cản các quốc gia khác làm điều tương tự?”

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-so-quoc-gia-chau-au-xem-xet-rut-khoi-cong-uoc-cam-bom-min.669086.html
Zalo