Một số nội dung, yêu cầu về công tác nhân sự đại hội đảng các cấp
Trong mỗi kỳ đại hội đảng các cấp, chương trình, nội dung đại hội bao gồm hai phần quan trọng, đó là văn kiện đại hội mà báo cáo chính trị là báo cáo trọng tâm và đề án nhân sự cấp ủy viên. Trong đó, việc chuẩn bị tốt đề án nhân sự đại hội là rất quan trọng, góp phần thành công cho đại hội. Nói về nhiệm vụ này trong Đại hội XIV của Đảng sắp tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: 'Công tác nhân sự Đại hội XIV là công việc hệ trọng, là 'then chốt' của 'then chốt', có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'. Trong công tác nhân sự, việc thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên là rất quan trọng.
Thể chế hóa Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW. Hướng dẫn nêu rõ đối với cấp tỉnh thành lập tiểu ban nhân sự và xây dựng đề án nhân sự.
Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đề án nhân sự nhiệm kỳ 2025-2030, tập trung tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025; cụ thể hóa, xác định tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng cấp ủy để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng; tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định. Tiến hành thảo luận dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.
Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, căn cứ vào yêu cầu, tiêu chuẩn chung tại Chỉ thị 35, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy, ban thường vụ, các chức danh lãnh đạo cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030 và những năm tiếp theo.
Nhân sự dự kiến giới thiệu làm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc chủ tịch UBND; lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND nhiệm kỳ 2026-2031 ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định cần có kiến thức, năng lực, am hiểu lĩnh vực dự kiến phân công phụ trách và có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhân sự dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 phải đáp ứng tiêu chuẩn nêu tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải có điều kiện thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Đối với nhân sự dự kiến giới thiệu các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp trên ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định cần phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới, trừ trường hợp là cán bộ điều động, luân chuyển.
Trường hợp nhân sự chưa kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp mà ở đó không có nguồn nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để giới thiệu thì cấp ủy trực tiếp quản lý cán bộ phải tiến hành đánh giá, nhận xét về phẩm chất, năng lực, uy tín, sản phẩm, kết quả cụ thể trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của nhân sự, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Đối với cán bộ trong thời gian thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách không thuộc diện phải xem xét miễn nhiệm, cho từ chức theo Quy định số 41-QĐ/TW và Thông báo số 20TB/TW của Bộ Chính trị thì cấp có thẩm quyền, người đứng đầu căn cứ vào tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thảo luận dân chủ, phân tích, đánh giá khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt đối với từng trường hợp cụ thể về phẩm chất, năng lực, uy tín, kết quả công tác của nhân sự; nguyên nhân, động cơ vi phạm, khuyết điểm và tính chất, mức độ, tác động ảnh hưởng, kết quả đã khắc phục để xem xét, quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định việc giới thiệu tái cử cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Nhân sự được giới thiệu để bầu tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội chức vụ cao hơn nhìn chung phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm (liền kề) hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm (24 tháng). Trường hợp đặc biệt, nếu nhân sự có thời gian giữ chức vụ từ 1 năm (12 tháng) đến dưới 2 năm thì cấp ủy trực tiếp quản lý cán bộ phải tiến hành đánh giá, nhận xét về phẩm chất, năng lực, uy tín, sản phẩm, kết quả cụ thể trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với nhân sự; quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
Trường hợp nhân sự đang giữ chức vụ, chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 thì không áp dụng thời gian giữ chức vụ ít nhất 2 năm theo quy định để giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp.
Một vấn đề cũng được nhiều cán bộ, đảng viên quan tâm, đó là độ tuổi cấp ủy viên. Nhân sự tái cử cấp ủy thì được tái cử chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 18 tháng trở lên tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức.
Nếu tuổi của cán bộ, đảng viên không thống nhất trong hồ sơ nhân sự thì xác định theo Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28/9/2021 về một số vấn đề cụ thể về thi hành Điều lệ Đảng. Trường hợp trong hồ sơ của cán bộ, đảng viên chỉ ghi năm sinh và không xác định ngày sinh, tháng sinh thì thời điểm xác định tuổi để tham gia cấp ủy và thực hiện chính sách đối với cán bộ là ngày 1 và tháng 1 của năm ghi trong hồ sơ theo quy định.