Một số ngành khối kỹ thuật không thu hút nhiều HS vì sợ 'khổ', khó tìm việc

Có e ngại về ngành học 'khổ', khó tìm kiếm việc làm có thu nhập tốt sau khi ra trường, khiến một số ngành khối kỹ thuật, công nghệ không thu hút nhiều HS.

Tại các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh đào tạo nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, tình hình tuyển sinh chung đang diễn ra theo đúng kế hoạch và dự báo.

Tuy nhiên, bên cạnh những ngành thu hút đông đảo thí sinh, vẫn tồn tại băn khoăn, thậm chí là e ngại về ngành học “khổ”, khó tìm kiếm việc làm có thu nhập tốt sau khi ra trường, khiến cho một số ngành thuộc khối kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật không để hấp dẫn người học.

Tình hình tuyển sinh ngành kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Điện lực cho biết, năm 2024, Trường Đại học Điện lực dành khoảng 30% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm. Hiện nay nhà trường đang sử dụng kết hợp hai phương thức xét tuyển sớm, bao gồm xét tuyển học bạ và xét tuyển kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ.

Lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm của trường không có nhiều thay đổi so với năm ngoái. Tuy nhiên, như mọi năm, thực tế nhập học của thí sinh so với số lượng gọi của trường không cao, chỉ chiếm khoảng 15-20%.

Ngưỡng điểm xét tuyển đợt 1 theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 dao động từ 17-20 điểm.

 Tiến sĩ Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Điện Lực.

Tiến sĩ Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Điện Lực.

Chia sẻ về tình hình tuyển sinh năm 2024, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm giảm khoảng hơn 5000 thí sinh so với năm trước.

Tuy nhiên, điểm trúng tuyển theo hình thức xét tuyển sớm vẫn tăng vì chất lượng hồ sơ thí sinh tương đối tốt. Các thí sinh đã hiểu hơn về xét tuyển sớm cũng như đã thăm dò, nghiên cứu đến điểm trúng tuyển của xét tuyển sớm.

 Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 9000 chỉ tiêu. Chỉ tiêu nhà trường dành cho xét tuyển sớm dự kiến khoảng 50%, không thay đổi so với năm 2023.

Vừa qua, nhà trường cũng đã thông báo kết quả xét tuyển sớm cho thí sinh, dự kiến tỷ lệ nhập học khoảng 50%. Còn trên dưới 50% chỉ tiêu nhà trường dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024, nhà trường vẫn giữ định hướng tuyển sinh với các phương thức tuyển sinh trong các năm gần đây, trong đó phương thức xét tuyển tổng hợp là phương thức chủ đạo, chiếm 75-90% tổng chỉ tiêu.

Phương thức này xét đến các tiêu chí về học lực như kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả quá trình học tập trung học phổ thông, năng lực khác (thành tích cá nhân) và hoạt động xã hội.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, biến động của điểm tốt nghiệp trung học phổ thông không ảnh hưởng nhiều đến điểm chuẩn của trường. Vì trong thành tố học lực của phương thức tổng hợp, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 20%, điểm học tập trung học phổ thông (học bạ) chiếm 10%, còn điểm thi đánh giá năng lực chiếm tới 70% tổng số điểm.

Một số ngành chưa thu hút được thí sinh so với tiềm năng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, cho biết, khoảng 2/3 các ngành đào tạo ở trường thuộc khối ngành công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng thí sinh quan tâm đến khối công nghệ kỹ thuật ít hơn so với các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực về kinh doanh, quản lý, dịch vụ, công nghệ thông tin.

Từ đó dẫn đến điểm trúng tuyển của khối ngành này thường thấp hơn so với những khối ngành về kinh doanh, quản lý, công nghệ thông tin. Đó cũng là vấn đề mà nhiều trường đại học đang trăn trở.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của trường, năm 2023, ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt có 250 chỉ tiêu trong khi số sinh viên nhập học là 231. Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học có 300 chỉ tiêu nhưng chỉ 234 sinh viên trúng tuyển nhập học. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường có 166 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 45 sinh viên.

Trong năm 2022 và 2023, điểm chuẩn các ngành này dao động 19-19.5 điểm, nằm trong tốp ngành có điểm chuẩn thấp ở Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

 Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thực hành môn học. Ảnh: website trường.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thực hành môn học. Ảnh: website trường.

Thầy Nhân cho biết, hiện nay, một số bậc phụ huynh, học sinh còn có suy nghĩ các ngành thuộc khối kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật thường vất vả, khó xin việc, thu nhập không cao. Trong khi thực tế, kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật là khối ngành đào tạo ra đội ngũ kỹ sư trực tiếp lao động, sản xuất, tạo ra sản phẩm phục vụ quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Điện lực cho biết, hiện nay, Trường Đại học Điện lực vẫn đang duy trì các ngành thế mạnh và truyền thống. Trong đó, các ngành: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử là những ngành thu hút được nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nhất.

Ngoài ra, một số ngành khác như Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ thông tin cũng có số lượng thí sinh đăng ký nhiều và nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao của trường.

Tuy nhiên, một số ngành như ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Công nghệ kỹ thuật môi trường không có nhiều thí sinh đăng ký. Mức điểm trúng tuyển hai ngành này năm 2023 lần lượt là 18 và 20 điểm, nằm trong tốp điểm chuẩn thấp nhất của trường.

Lý giải về vấn đề này, thầy Toàn cho rằng, đây những ngành tiềm năng, cơ hội nghề nghiệp rộng mở nhưng lại chưa thật sự được nhiều người quan tâm. Thí sinh có xu hướng e ngại vì sợ học khó, làm công việc vất vả hay khó tìm việc, trong khi nhu cầu nhân lực lại rất lớn. Vì vậy mức điểm chuẩn vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của nhà trường.

Tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng cho biết, nhà trường có một số ngành đặc trưng, mặc dù nhu cầu xã hội lớn, thu nhập cao, vị trí việc làm rộng mở nhưng có ít hồ sơ nộp vào, vì vậy điểm chuẩn của những ngành này trong các năm qua khá thấp. Điển hình như các ngành kỹ thuật về dầu khí, môi trường, nhiệt, bảo dưỡng công nghiệp,...

Theo đại diện Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Kỹ thuật dầu khí được đánh giá là ngành rất tiềm năng bởi chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo được liên tục đổi mới và cập nhật với các khoa học và kỹ thuật, công nghệ mới nhất. Tuy nhiên, những năm qua, số người đăng ký học ngành này khá thấp và điểm đầu vào chưa cao. Năm 2023, điểm chuẩn ngành này là 58.02 điểm (trên thang điểm 90), theo chương trình tiêu chuẩn và phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí.

 Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website trường.

Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website trường.

Hiện nay, hầu hết các công ty, nhà máy sản xuất đều cần kỹ sư môi trường để quản lý sản xuất, đảm bảo công nghệ, theo dõi quy trình, thực hiện sản xuất sản phẩm theo hướng xanh, sạch, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Thêm vào đó, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra đã tạo nên “cơn khát” đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực môi trường.

Tuy nhiên, nhóm ngành Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường vẫn chưa thu hút được nhiều thí sinh. Năm 2023, điểm chuẩn nhóm ngành này là 54 điểm (thang điểm 90), theo chương trình tiêu chuẩn và phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí.

Bên cạnh đó, ngành Bảo dưỡng công nghiệp được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngành rất cần nhân lực bởi công tác bảo dưỡng máy móc, thiết bị trong các nhà máy và cơ sở sản xuất luôn đóng vai trò sống còn đối với doanh nghiệp.

Trái với tiềm năng đó, ngành này có mức điểm chuẩn khá thấp theo phương thức tổng hợp và chương trình tiêu chuẩn. Năm 2022, điểm chuẩn ngành Bảo dưỡng công nghiệp là 59.51 điểm. Năm 2023, điểm chuẩn ngành này giảm xuống còn 57.33 điểm (thang điểm 90).

“Do ngành Bảo dưỡng công nghiệp còn khá mới mẻ tại nước ta, nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo trì chưa được xem trọng. Điều này ít nhiều tác động đến sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh về ngành Bảo dưỡng công nghiệp”, thầy Thắng nhận định.

Ngoài ra, còn một số ngành khác như Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật nhiệt rất cần nguồn nhân lực nhưng cũng không nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Thầy Thắng lý giải, có thể thí sinh nghĩ công việc vất vả, “chân lấm tay bùn” nên lượng hồ sơ đăng ký hạn chế và điểm chuẩn không cao.

Bích Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mot-so-nganh-khoi-ky-thuat-khong-thu-hut-nhieu-hs-vi-so-kho-kho-tim-viec-post244440.gd
Zalo