Một số kết quả trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới và nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm, tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc, tỷ lệ nữ giới hút thuốc thấp hơn, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành.
Tại Lâm Đồng, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá được triển khai từ năm 2015, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối tham mưu, triển khai thực hiện các hoạt động do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) phê duyệt theo hợp đồng ký kết hàng năm. Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh Lâm Đồng được thành lập và kiện toàn khi có thay đổi thành viên của Ban Chỉ đạo. Sở Y tế - cơ quan đại diện Ban Chỉ đạo tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản, kế hoạch triển khai hoạt động PCTHTL tại địa phương.
Trong năm 2024, công tác PCTHTL đã đạt được một số kết quả cụ thể như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Lâm Đồng tuyên truyền về các hoạt động PCTHTL; sản xuất 200 băng rôn với nội dung nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thi về PCTHTL với sự tham dự của 100 học sinh các khối trung học phổ thông của Trường Trung học phổ thông huyện Đơn Dương; tập huấn cho 60 giáo viên, cán bộ trong trường học tại TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương về tác hại của thuốc lá; Luật PCTHTL; thuốc lá điện tử thế hệ mới; trường học không khói thuốc. Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đam Rông và huyện Lâm Hà tổ chức 2 lớp tập huấn cho 60 y tế thôn bản về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, Luật PCTHTL, các văn bản liên quan...
Trong năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện điều tra theo dõi tình hình sử dụng thuốc lá và đánh giá kết quả triển khai Luật PCTHTL trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá là 21% giảm đáng kể so với điều tra năm 2023 (23,4%); trong đó, nam giới chiếm 39,5% và nữ giới chiếm 2,6%. Đáng chú ý, tỷ lệ hút thuốc lá hàng ngày tập trung ở nhóm 45 - 64 tuổi (trong đó người dân nông thôn 21,4%, thành thị 13,6%). Nhóm có trình độ học vấn thấp 20,4%, nhóm có trình độ cao là 12%. Phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại các địa điểm công cộng là vấn đề đáng lo ngại, với tỷ lệ phơi nhiễm dao động từ 14,1% tại các trường đại học, cao đẳng; tại nhà hàng là 60,4%. Nam giới có tỷ lệ phơi nhiễm cao hơn nữ giới ở hầu hết các địa điểm, đặc biệt tại các quán cà phê, khách sạn…
Trong số những người từ 15 tuổi trở lên đang hút thuốc tại tỉnh, một tỷ lệ đáng kể có dự định bỏ thuốc, nhưng sự quan tâm và ý định này có sự phân hóa rõ rệt theo giới tính, độ tuổi, nơi cư trú, trình độ học vấn và nghề nghiệp. Nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người không hút thuốc từ 15 tuổi trở lên khá cao, với 77,9% biết thuốc lá gây ra các bệnh nghiêm trọng như đột quỵ 85,2%, đau tim 73,3% và ung thư phổi 96,3%.
Các cơ sở làm việc, trường học, bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng và nhà hàng đã có những chuyển biến tích cực trong việc giảm thiểu sự hiện diện của thuốc lá ở không gian trong nhà. Tỷ lệ cơ sở không có gạt tàn thuốc lá đạt 90,48%, tăng đáng kể so với năm 2020 (11,76%) và năm 2018 (37,25%). Đồng thời, 80,95% cơ sở không còn mẩu thuốc lá khu vực trong nhà, cải thiện rõ rệt so với mức 35,29% của năm 2020 và 27,45% của năm 2018. Hành vi hút thuốc và mùi thuốc lá hầu như không còn xuất hiện 98,41%, giảm mạnh so với năm 2020 (15,69%) và năm 2018 (33,33%).
Những số liệu này cho thấy nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá tại những địa điểm trên đã đạt hiệu quả cao, góp phần tạo môi trường trong lành hơn. Tại các khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch, việc duy trì gạt tàn thuốc lá trong khu vực trong nhà vẫn còn ở mức 50%, cho thấy cần tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, 92,86% khách sạn đã treo biển cấm hút thuốc và không còn mùi thuốc lá hay hành vi hút thuốc trong nhà 100%, chứng tỏ sự thành công rõ rệt trong việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các không gian kín. Kết quả là sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách quản lý và ý thức tuân thủ của cả người lao động lẫn khách hàng. Đối với các cơ sở y tế và giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, 80% không còn gạt tàn thuốc lá và không có mùi thuốc hay hành vi hút thuốc, phản ánh rõ hiệu quả cao của các biện pháp PCTHTL tại những nơi này...
Việc thực hiện Luật PCTHTL tại tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhờ các thuận lợi mang tính nền tảng. Chính sách pháp luật được ban hành đầy đủ và đồng bộ đã tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc, đóng vai trò định hướng và thúc đẩy hành động từ các cấp chính quyền đến cộng đồng. UBND tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể liên quan đã tích cực chỉ đạo, huy động sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội, cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan trong công việc PCTHTL. Nguồn kinh phí từ quỹ PCTHTL là một yếu tố quan trọng, giúp triển khai các hoạt động truyền thông và tập huấn mang lại hiệu quả rõ rệt, nhờ đó nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá đã được cải thiện đáng kể. Sự thay đổi này chứng minh rằng truyền thông và giáo dục cộng đồng đóng vai trò cốt lõi trong việc thay đổi hành vi và thói quen liên quan đến thuốc lá.
Tuy nhiên, hiện nay công tác PCTHTL đang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sự xuất hiện và trào lưu ưa chuộng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng và shisha trong giới trẻ là điều đáng lo ngại bởi các bằng chứng chỉ ra việc hút các sản phẩm thuốc lá nào cũng gây ra tác hại đến sức khỏe như hút thuốc lá. Do mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam còn thấp và chưa có quy định về việc cấp phép quản lý điểm bán hàng nên việc tiếp cận các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng và được bày bán khắp nơi. Việc kiểm soát các quảng cáo, mua bán sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng và shisha trên mạng đang rất khó khăn.
Trong thời gian tới, ngành Y tế Lâm Đồng cần có sự phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương để triển khai các điều kiện đảm bảo thực hiện tốt công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tổ chức, bố trí nhân lực và phân công trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động PCTHTL thuộc phạm vi quản lý; 100% đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động PCTHTL được tập huấn về Luật PCTHTL và các văn bản dưới luật, các kiến thức, nghiệp vụ liên quan đến hoạt động PCTHTL. Tăng cường, đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHTL. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCTHTL; triển khai thực hiện các địa điểm cấm hút thuốc lá; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực hệ thống giám sát về PCTHTL; kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về PCTHTL.