Một số giải pháp khắc phục tình trạng đảng viên bị xóa tên, xin ra khỏi Đảng
Tỉnh ủy vừa có báo cáo tổng kết 5 năm công tác tổ chức xây dựng Đảng (2020-2025) của Đảng bộ tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được về công tác tổ chức xây dựng Đảng, còn một số hạn chế về công tác quản lý đảng viên.
Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 708 đảng viên bị xóa tên và 733 đảng viên xin ra khỏi Đảng. Lý do đảng viên bị xóa tên và xin ra khỏi Đảng chủ yếu do tự ý bỏ sinh hoạt Đảng, không đóng phải phí 3 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; hoàn cảnh gia đình khó khăn; theo gia đình định cư ở nước ngoài.
Theo Thường trực Tỉnh ủy, để khắc phục tình trạng đảng viên bị xóa tên, xin ra khỏi Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên trẻ nhằm xây dựng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiên phong gương mẫu, có năng lực công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ động nắm bắt và uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc và có biện pháp giải quyết kịp thời tư tưởng của đảng viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến, gương "người tốt, việc tốt" tạo sức lan tỏa trong xã hội.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Các cấp ủy đảng thường xuyên chỉ đạo rà soát, nắm chắc số lượng đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch tạo nguồn, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Thực hiện đúng, đầy đủ quy trình từ khâu phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giúp đỡ, đưa vào nguồn kết nạp đến khâu thẩm tra, xác minh và xem xét kết nạp vào Đảng. Coi trọng tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn giác ngộ chính trị, có nhận thức đúng, đầy đủ về Đảng, động cơ vào Đảng trong sáng.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên. Cấp ủy, chi bộ thường xuyên rà soát, lập danh sách đảng viên đi làm ăn xa, yêu cầu những đảng viên này làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng theo quy định; đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin giữa tổ chức đảng nơi đảng viên đang sinh hoạt với tổ chức đảng nơi đảng viên đến làm việc, cư trú, xem đây là yêu cầu bắt buộc trong công tác quản lý đảng viên.
Thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, nhận xét, đánh giá, xếp loại đảng viên nhằm khắc phục tình trạng nể nang, hình thức trong nhận xét, đánh giá đảng viên hằng năm.
Các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác vận động, tập hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an về địa phương tham gia các câu lạc bộ cựu quân nhân ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện giúp đỡ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Quan tâm giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên.
Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định ngay tại địa phương, tạo điều kiện cho người dân và đảng viên có việc làm, giảm dần số lượng đảng viên đi làm ăn xa...