Một số dự án giao thông trọng điểm phía Nam sắp đi vào hoạt động cuối năm nay

Một số dự án các đoạn trục giao thông nội vùng, liên vùng và cao tốc ở các tỉnh phía Nam đang thi công vượt tiến độ, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2024.

Một đoạn cao tốc Long Thành - Bến Lức đã hoàn thiện. Ảnh: Minh Hoàng

Một đoạn cao tốc Long Thành - Bến Lức đã hoàn thiện. Ảnh: Minh Hoàng

Chỉ còn một quí nữa là hết năm 2024, nhiều công trình giao thông trọng điểm khu vực phía Nam đang được tăng tốc thi công để đẩy nhanh tiến độ các gói thầu.

Tính đến cuối tháng 9-2024, đoạn vành đai 3 đi qua địa bàn TPHCM dài 47 km đa số gối thầu đạt tiến độ từ 16% đến 32%. Đoạn đi qua tỉnh Long An đã đạt và vượt tiến độ thi công, dự kiến thông xe nút giao cuối tuyến phần kết nối với cao tốc Long Thành - Bến Lức vào cuối năm 2024. Tỉnh Bình Dương nghiên cứu mở rộng đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15 km để khai thác đồng bộ khi dự án đường Vành đai 3 TPHCM hoàn thành, theo TTXVN.

Với chiều dài 58 km, dự án cao tốc Long Thành - Bến Lức thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT.01) đi qua Long An, TPHCM, Đồng Nai hiện tổng sản lượng đạt 75% sau khi thi công trở lại năm 2023. Dự kiến đến quí 4-2024 cao tốc Long Thành - Bến Lức sẽ thông xe đoạn từ nút giao với cao tốc TPHCM - Trung Lương đến nút giao quốc lộ 1A thuộc tỉnh Long An có chiều dài 3 km và đoạn thứ hai ở Long Thành, tỉnh Đồng Nai từ nút giao vào cảng Phước An đến nút giao với quốc lộ 51 có chiều dài khoảng 6,5 km.

Là dự án trọng điểm quốc gia vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến tháng 9, sản lượng thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đạt 42%, chậm 15% so với kế hoạch. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), dự án đã xử lý đất yếu bằng phương pháp gia tải hơn 91 km tuyến chính; hoàn thành 28 cầu, 89 cầu còn lại, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.

Để đồng bộ với các trục giao thông vành đai 3 TPHCM, cao tốc Long Thành - Bến Lức, Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng phần còn lại của tuyến đường vành đai thành phố Tân An lên 4 làn xe và có thể mở rộng toàn tuyến lên 6 làn xe trong giai đoạn tiếp theo. Đường vành đai thành phố Tân An kết nối đường cao tốc TPHCM -Trung Lương với quốc lộ 62 và quốc lộ 1, là trục giao thông quan trọng dọc hai bên sông Vàm Cỏ Tây hướng về trung tâm TPHCM.

Nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh Tiền Giang đầu tư 263 tỉ đồng xây cầu Chợ Gạo trên đường tỉnh 864, nối thành phố Mỹ Tho với huyện Chợ Gạo. Đến đầu tháng 10-2024, khối lượng thi công đã đạt khoảng 85% sau 18 tháng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11-2024. Cầu Chợ Gạo nằm trong dự án nâng cấp đường tỉnh 864 dọc theo sông Tiền, khi hoàn thành sẽ hình thành trục đường mới kết nối với vùng duyên hải phía Đông của Tiền Giang.

Đào Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mot-so-du-an-giao-thong-trong-diem-phia-nam-sap-di-vao-hoat-dong-cuoi-nam-nay/
Zalo