Một số điểm sáng kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế thế giới 10 tháng năm 2024 tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức nhưng dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện tài chính tiếp tục được nới lỏng, nguồn cung lao động gia tăng. Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của cả năm.
Một số điểm sáng kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Mười ước tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, tính chung mười tháng năm 2024 tăng 8,3%.Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ và sản xuất của nền kinh tế.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10/2024 đạt 51,2 điểm, cho thấy các hoạt động sản xuất đã phục hồi mạnh mẽ sau bão số 3.
Doanh nghiệp thành lập mới tháng 10/2024 tăng trở lại sau ba tháng sụt giảm liên tiếp, đạt 14,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,5% so với tháng trước. Tính chung mười tháng, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 202,3 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (173,2 nghìn doanh nghiệp).
Các chính sách thị thực thuận lợi, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh nên khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao. Khách quốc tế đến nước ta tháng 10/2024 đạt 1,42 triệu lượt người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung mười tháng đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3%. Đây là tín hiệu tích cực để có thể hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách của năm 2024.
Nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường cuối năm tăng, là động lực cho xuất khẩu hàng hóa tiếp tục xu hướng tăng cao và ổn định.Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa mười tháng năm 2024 sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Trong mười tháng năm 2024 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).
Cán cân thương mại hàng hóa mười tháng năm 2024 sơ bộ xuất siêu 23,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 24,8 tỷ USD), góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối của nền kinh tế.
Thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao về vốn điều chỉnh, cho thấy các nhà đầu tư tin tưởng Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng và tiếp tục mở rộng quy mô các dự án đầu tư.
Tính đến ngày 31/10/2024, cả nước có 1.151 dự án đầu tư nước ngoài được điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 8,35 tỷ USD, tăng 6% về số dự án và tăng 41,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam mười tháng năm 2024 đạt 19,6 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng mười năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%, thấp hơn cùng kỳ các năm 2022 và 2023 (4,3% và 3,59%); bình quân mười tháng CPI tăng 3,78%, ước cả năm 2024 có khả năng đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%-4,5%.
Thu ngân sách Nhà nước tăng cao, phản ánh sự phục hồi tích cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thu ngân sách Nhà nước mười tháng năm 2024 ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa ước đạt 1.377,6 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% và tăng 18,1%.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 21,8 nghìn tấn gạo cứu đói và các hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.