Một số địa phương còn lúng túng trong triển khai dạy thêm, học thêm

Sau hơn 1,5 tháng triển khai Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT, một số địa phương còn lúng túng, việc triển khai các quy định có nơi chưa kịp thời gây hoang mang, lo lắng cho một bộ phận giáo viên.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục-Đào tạo. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục-Đào tạo. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tại hội nghị trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Sở Giáo dục và Đào tạo diễn ra chiều 28/3, đánh giá việc thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm sau hơn 1,5 tháng triển khai, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo đều khẳng định sự đúng đắn, tác động mạnh mẽ mà Thông tư mang lại, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục cũng như trong xã hội.

Tuy nhiên, một số địa phương còn lúng túng, việc triển khai các quy định có nơi chưa kịp thời gây hoang mang, lo lắng cho một bộ phận giáo viên.

Nhận được sự đồng thuận cao

Thông tin về tình hình triển khai Thông tư 29 thời gian qua, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về dạy thêm học thêm; thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Trị, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình và Thành phố Hồ Chí Minh; rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy định về dạy thêm học thêm, bảo đảm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Tính tới thời điểm hiện tại, có 44 tỉnh, thành phố đã gửi báo cáo tình hình triển khai Thông tư 29 về Bộ; vẫn còn 19 tỉnh chưa gửi báo cáo. Hiện đã có 4 tỉnh ban hành quy định về dạy thêm học thêm của tỉnh, căn cứ theo Thông tư 29 (Long An, Cà Mau, Hải Dương và Bình Dương).

Các đơn vị quản lí giáo dục có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để quản lý hoạt động dạy thêm học thêm, giúp các nhà trường và đơn vị quản lý giáo dục có định hướng rõ ràng trong việc thực hiện.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Thông tư 29 đã nhận được sự đồng thuận cao và quan tâm đặc biệt của xã hội, nên được nắm bắt nhanh chóng và được triển khai kịp thời, đáp ứng mong mỏi của xã hội. Các địa phương, nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh nhận thức rõ thêm về hệ lụy, tác hại của dạy thêm học thêm tràn lan tới học sinh, cha mẹ học sinh, nhà trường và toàn xã hội.

 Việc dạy thêm, học thêm được quản lý chặt chẽ sẽ nêu cao trách nhiệm của giáo viên và đảm bảo quyền lợi cho học sinh. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Việc dạy thêm, học thêm được quản lý chặt chẽ sẽ nêu cao trách nhiệm của giáo viên và đảm bảo quyền lợi cho học sinh. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của dạy học chính khóa, trách nhiệm trong việc hỗ trợ học sinh nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục; trách nhiệm và tầm quan trọng của việc trang bị cho học sinh ý thức tự học, tự chủ, tự giác trong các hoạt động giáo dục.

Quy định của Thông tư 29 hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, không đúng quy định, các trường học tập trung nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình chính khóa, chấm dứt việc dạy thêm có thu phí trong nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận tri thức mà không bị áp lực về học tập và tài chính.

Học sinh có cơ hội rèn luyện kỹ năng tự học, tự tìm tòi, tính tự giác và phát triển khả năng tư duy độc lập ngay từ cấp Tiểu học, cân bằng giữa học tập và phát triển kỹ năng khác; tạo sự thân thiện, gắn kết giữa con cái và cha mẹ trong gia đình.

Bên cạnh đó, quy định chặt chẽ về đối tượng giáo viên không được dạy thêm góp phần đảm bảo tính công bằng trong giáo dục, giảm bớt sự chênh lệch về cơ hội học tập giữa các học sinh, hạn chế gây xung đột lợi ích, mất công bằng trong đánh giá và giảng dạy.

Tuy nhiên, ông Thái Văn Tài cũng chia sẻ vẫn còn địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ban hành quy định tại địa phương, dẫn tới lúng túng trong triển khai; sự phối hợp giữa các sở, ngành trong triển khai các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường có nơi chưa kịp thời nên một bộ phận giáo viên có nhu cầu dạy thêm hoang mang, lo lắng.

Việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường để phù hợp với quy định của Thông tư ở một số nơi chưa kịp thời, sẵn sàng từ thời điểm Thông tư ban hành; còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa hiểu hết quy định, tinh thần của Thông tư số 29.

 Trường THPT Việt Đức, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, đã tạm dừng kế hoạch dạy thêm, học thêm sau khi ban hành Thông tư 29. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Trường THPT Việt Đức, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, đã tạm dừng kế hoạch dạy thêm, học thêm sau khi ban hành Thông tư 29. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Những vấn đề khách quan như thiếu cơ sở vật chất trường lớp; cha mẹ học sinh học sinh dựa vào nhà trường, giáo viên do cha mẹ học sinh không có đủ thời gian, kiến thức để kèm con học, kỳ vọng vào thành tích học tập cao của con em mình, áp lực thi cử lớn; học sinh còn chưa thực sự chủ động trong học tập và có thể tự học… cũng tạo nên những băn khoăn khi Thông tư số 29 đi vào triển khai.

Kiểm tra, đánh giá không vượt quá yêu cầu cần đạt

Chỉ rõ nguyên nhân của việc triển khai Thông tư 29 chưa được hiệu quả ở một số địa phương, ông Thái Văn Tài cho biết việc quản lý dạy thêm học thêm không phải là vấn đề mới, từ năm 2012, Bộ đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT; theo đó, dạy thêm học thêm được đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện và được cấp phép để hoạt động. Tuy nhiên, có một số nơi đã buông lỏng quản lý, dẫn tới dạy thêm, học thêm tràn lan, chưa thực hiện đúng các quy định.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, chưa khai thác và sử dụng hết hiệu suất về cơ sở vật chất và định biên giáo viên được giao cho nhà trường để thực hiện các nội dung dạy học chính khóa, chưa khai thác hết nguồn lực để dạy học theo nhu cầu người học theo quy định. Công văn hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần phải thay đổi điều chỉnh.

Về giải pháp để tiếp tục thực hiện Thông tư 29 đạt hiệu quả bền vững trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương nghiên cứu kĩ các văn bản hướng dẫn; tiếp tục đổi mới phương pháp, đa dạng hình thức tổ chức dạy học, đặc biệt chú trọng đổi mới, đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá phẩm chất, năng lực người học, không đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, không gây áp lực về điểm số; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 và lớp 10 bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương và các quy định hiện hành, giảm áp lực, giảm tốn kém, góp phần giảm dạy thêm học thêm không đúng quy định.

Cùng với đó, các trường không tổ chức ôn tập tràn lan, không đúng đối tượng, không hiệu quả, gây lãng phí; tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt.

Các nhà trường rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; phân công giáo viên đảm bảo định mức tiết dạy theo quy định, ưu tiên phân công phù hợp cho giáo viên dạy cuối cấp để có thời gian hỗ trợ tối đa cho học sinh ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí nguồn ngân sách và tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng đủ trường, lớp, bảo đảm chất lượng để mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường, giảm áp lực trong tuyển sinh, kiên quyết không để học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục không được đến trường; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/mot-so-dia-phuong-con-lung-tung-trong-trien-khai-day-them-hoc-them-post1023342.vnp
Zalo