Mọt sách nói gì khi đạo diễn Trấn Thành không đọc sách?
Trong một buổi chia sẻ với độc giả, nghệ sĩ Trấn Thành thừa nhận bản thân chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách. Phát ngôn này khiến cộng đồng đọc sách thảo luận sôi nổi.
Trấn Thành phát ngôn bản thân không đọc sách trong bối cảnh phản hồi lại việc bị khán giả nói "thường răn dạy đạo lý trong phim". Theo đạo diễn, MC này, khái niệm "đạo lý" đang bị tiêu cực hóa. Anh cho biết mình làm phim không có chủ đích giảng đạo lý với ai. Những thông điệp mà anh đưa ra trong phim được rút từ kinh nghiệm cuộc sống, vốn không có trong sách.
“Tôi thừa nhận tôi chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách. Tôi ít đọc sách nên đừng nói tôi lấy đạo lý từ một cuốn sách nào đó. Thậm chí, tôi còn chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để đọc hết một trang sách”, Trấn Thành chia sẻ.
Phát ngôn trên gây xôn xao cộng đồng mạng, đặc biệt là những người yêu sách.
"Nếu Trấn Thành đọc sách, anh có thể trở thành một phiên bản tốt hơn"
Trước chia sẻ của MC Trấn Thành, một số độc giả cho rằng đọc sách là sở thích cá nhân, không thể đánh giá ai giỏi hay dốt chỉ qua việc họ có đọc sách hay không. Độc giả có tài khoản Cù Kim Ngọc nhấn mạnh: “Hãy nghĩ đơn giản thôi, đọc sách cũng như uống cà phê và việc ai nấy làm. Mọi thứ luôn được chứng minh bằng kết quả thực tế”.
Ngược lại, một số ý kiến thể hiện sự lo ngại rằng phát ngôn này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa đọc. Độc giả Hồ Phương Nam đặt câu hỏi: “Sao nhiều ngôi sao showbiz cứ nói những câu không bao giờ đọc sách để làm thui chột văn hóa đọc của người Việt vậy nhỉ?”.
Một tài khoản khác bình luận “Nếu Trấn Thành đọc sách, anh có thể trở thành một phiên bản tốt hơn, tiếc”.
Tài khoản Anh Duy lại nhìn nhận vấn đề ở cả hai khía cạnh. Anh đồng ý rằng không nên tôn sùng sách vở thái quá, ví sách chỉ là một công cụ, giống như câu chuyện thiền sư đốt tượng Phật vì tinh thần của Phật không nằm trong vật chất. Tuy nhiên, anh cũng cảnh báo về "sự khốn cùng của tư duy triệu phú", nơi giá trị đạo đức bị bóp méo bởi thành công vật chất.
Nhiều người khác nhấn mạnh đọc sách giúp bồi dưỡng tâm tính và mở rộng tri thức, nên việc không đọc sách của một cá nhân nổi tiếng không nhất thiết phải trở thành quan điểm phổ quát.
Đọc sách là một trải nghiệm đáng giá
Trong nhiều luồng ý kiến trên, một bộ phận độc giả cho rằng đọc sách không phải cách duy nhất để trau dồi kiến thức. Mọi người cũng có thể đọc nội dung trên Internet, tranh ảnh, báo chí… Dù vậy, đọc sách vẫn là một trải nghiệm đáng giá. Vấn đề này đã được đưa ra từ nhiều thập kỷ trước bởi các tiểu thuyết gia, nhà văn.
Đọc sách cũng là một cách để bước ra khỏi trải nghiệm cá nhân, tiếp cận những quan điểm và câu chuyện từ các chủ thể khác. Đây chính là yếu tố làm nên giá trị độc đáo của việc đọc: sự đồng cảm, khả năng phản tư và mở rộng thế giới quan. Trong bối cảnh ngày càng nhiều lý thuyết cực đoan về cách đọc sách và giá trị của chúng, Nhà phê bình Lewis khẳng định trong tác phẩm Một thử nghiệm phê bình: "Không có tác phẩm cao cấp hay phổ thông, chỉ có niềm vui đọc".
Từ góc độ khác, nhà văn Haruki Murakami chia sẻ trong tác phẩm Tôi nói gì khi nói về chạy bộ rằng việc đọc, giống như chạy bộ, là một phần thiết yếu trong cuộc sống của ông. Đọc giúp ông phát triển sự kiên nhẫn và khả năng tập trung, những yếu tố rất quan trọng trong sự nghiệp sáng tác văn học.
Dù sách không phải con đường học duy nhất, nhưng nó mang lại một không gian riêng biệt để con người kết nối với những giá trị vượt thời gian. Đó là lý do đọc sách là trải nghiệm khuyến khích mỗi cá nhân mở rộng tri thức, rèn luyện tâm tính và sống một cuộc đời phong phú hơn.
Ngoài ra, tác giả bộ tiểu thuyết Biên niên sử Narnia nhận định giá trị thực sự của một tác phẩm nằm ở niềm vui và sự say mê trong quá trình đọc. Một cuốn sách hay có thể mời gọi người đọc khám phá những chiều sâu mới mẻ của tri thức và cảm xúc. Hành trình này không bị giới hạn bởi những cách đọc "đúng" hay "sai". Quan trọng hơn là khả năng gợi mở và khuyến khích người đọc suy ngẫm.
Điều đáng chú ý là không phải cuốn sách nào cũng dễ dàng dẫn dắt người đọc đến với những giá trị sâu sắc. Những tác phẩm lớn như Samson Agonistes hay Urn Burial không dành cho việc giải trí đơn thuần. Chúng yêu cầu một sự chú tâm và kỷ luật để thực sự thấu hiểu. Như tiểu thuyết gia C.S. Lewis viết, nếu người đọc tiếp cận sách chỉ để tìm kiếm sự giật gân hay thỏa mãn nhất thời, họ sẽ nhanh chóng từ bỏ. Trải nghiệm đọc thực sự chỉ có ý nghĩa khi người đọc sẵn sàng mở lòng để tiếp nhận và nghiền ngẫm.