Một phụ nữ bị 'bay tài khoản' 1,46 tỷ đồng vì bẫy lừa công ty chứng khoán giả

Ngày 15/12, Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, một phụ nữ ngụ Bắc Ninh vừa trình báo bị sập bẫy công ty chứng khoán giả chiếm đoạt 1,46 tỷ đồng.

Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Kiên Giang cho biết đơn vị vừa tiếp nhận đơn trình báo của chị C.T.D., ngụ thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh về vụ việc "sập bẫy" 2 công ty chứng khoán giả rồi bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,46 tỷ đồng.

Thủ đoạn của các nhóm lừa đảo này là tạo ra các công ty có tên gọi tương tự, gây nhầm lẫn với công ty chứng khoán hợp pháp được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nội dung đơn trình báo của người dân về hành vi lừa đảo trên không gian mạng - Ảnh: HOÀNG ĐÔ

Nội dung đơn trình báo của người dân về hành vi lừa đảo trên không gian mạng - Ảnh: HOÀNG ĐÔ

Nhóm lừa đảo yêu cầu nạn nhân giao dịch, đầu tư trên một nền tảng ứng dụng khác để thu lợi nhuận nhiều hơn. Sau đó, nhóm này liên tục dùng các thủ đoạn làm cho nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của công ty chứng khoán giả để giao dịch cổ phiếu và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Thời gian vừa qua, Công an tỉnh Kiên Giang cũng nhận được một số phản ánh của công dân về việc có đối tượng điện thoại tự xưng là cán bộ công an yêu cầu đến cơ quan công an để cập nhật lại tài khoản định danh điện tử.

Thủ đoạn của nhóm lừa đảo này là: nếu người dân trình bày do bận việc không đến trực tiếp được, chúng sẽ hướng dẫn thực hiện online trên trang web giả mạo.

Tuy nhiên, khi người dân cung cấp mã OTP cùng các thông tin cá nhân cho chúng, tài khoản ngân hàng sẽ bị chiếm đoạt.

Các ứng dụng giả mạo được các đối tượng tạo lập - Ảnh: HOÀNG ĐÔ

Các ứng dụng giả mạo được các đối tượng tạo lập - Ảnh: HOÀNG ĐÔ

Trước tình hình trên, Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Kiên Giang khuyến cáo tất cả người dân một số biện pháp hiệu quả để phòng tránh lừa đảo công nghệ cao như: Không nên nghe và làm theo những lời hướng dẫn, giới thiệu cách thức làm việc nhẹ nhàng có lương cao, đầu tư kiếm tiền dễ dàng…

Người dân không nghe theo lời các đối tượng chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Cảnh giác trước các thông tin thông báo nhận thưởng qua mạng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền để nhận thưởng.

Đặc biệt là không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng… khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo cập nhật về dữ liệu, tài khoản định danh điện tử hay đe dọa mình có liên quan đến vụ án, vụ việc...

Không truy cập vào các ứng dụng, đường dẫn (link) lạ khi nhận được qua email, tin nhắn, mạng xã hội hoặc các cuộc gọi kèm theo việc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và thông tin truy cập dịch vụ.

Chỉ cài đặt ứng dụng được cung cấp bởi các đơn vị phát triển đáng tin cậy từ các nền tảng phân phối ứng dụng chính thức như Google Play đối với Android và App Store đối với iOS.

Luôn xác thực danh tính người nhận trước khi chuyển tiền bằng cách gọi điện trực tiếp vào số điện thoại của người nhận. Không gọi xác thực qua ứng dụng chat (bao gồm cả video call).

Đồng thời người dân nên chủ động thực hiện khóa thẻ, khóa tài khoản thanh toán khẩn cấp khi nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu lừa đảo bằng cách: Mở màn hình đăng nhập ứng dụng, nhập sai 5 lần liên tiếp mật khẩu để hệ thống ghi nhận tài khoản bị khóa và không cho kẻ gian đăng nhập lại trong phiên đăng nhập kế tiếp. Hoặc người dân gọi tổng đài để yêu cầu khóa thẻ. Cần liên lạc ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo.

Khánh Linh (T/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mot-phu-nu-bi-bay-tai-khoan-146-ty-dong-vi-bay-lua-cong-ty-chung-khoan-gia-204241215210302411.htm
Zalo