Một nửa thế giới từng bị lãng quên tại Phố Wall
Trong hơn 200 năm lịch sử trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, phụ nữ đã đấu tranh để nắm giữ những vị trí quan trọng.
Lịch sử phố Wall đã ghi nhận nhiều thành tựu gắn với hình tượng phái mạnh. Tuy nhiên, các ghi chép có thể bỏ qua vai trò của những người phụ nữ tại trung tâm tài chính này. Một số cuộc đấu tranh như phong trào đòi quyền bình đẳng giới, phong trào dân quyền, phong trào #MeToo đã làm thay đổi diện mạo nơi đây.
Trong các phong trào đó, có những người phụ nữ thành công tạo nên dấu ấn đặc biệt.
Từng bước đấu tranh cho bình đẳng giới
Vào cuối thế kỷ 19, hai chị em Tennessee Claflin và Victoria Woodhull đã có những ý tưởng đầu tiên về việc tạo ra cầu nối để phụ nữ bước vào thế giới tài chính. Họ khởi đầu bằng nghề tiên tri và bói toán trước khi gặp và thuyết phục nhà tài phiệt đường sắt Cornelius Vanderbilt đầu tư thành lập công ty môi giới riêng của hai người.
Với khoản đầu tư 7.000 đôla từ ông Vanderbilt, chị em Woodhull và Claflin đã tạo ra Woodhull, Claflin & Co. - một công ty môi giới nơi phụ nữ có thể đến và đầu tư một cách kín đáo. Sự xuất hiện của công ty này thu hút sự chú ý của các nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Walt Whitman và nhà hoạt động Susan B. Anthony. Theo nhận định của bà Susan B. Anthony, sự xuất hiện của công ty này trên phố Wall đánh dấu một kỷ nguyên mới.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, phụ nữ vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Họ không được phép đảm nhiệm các công việc quan trọng tại hầu hết ngân hàng và không thể vào sàn giao dịch chứng khoán. Điều này thúc đẩy họ thành lập các tổ chức nghề nghiệp riêng, như Hiệp hội Phụ nữ Ngân hàng Quốc gia và Câu lạc bộ Trái phiếu của Phụ nữ.
Ngày càng nhiều phụ nữ nắm giữ cổ phiếu của các công ty lớn như Đường sắt Pennsylvania đã khiến giới tài chính phải lưu ý. Người ta chế nhạo điều đó và gọi tuyến đường sắt Pennsylvania là Petticoat Line. Petticoat là một chiếc váy lót của phụ nữ được dùng ở thế kỷ trước.
Một trong những bước ngoặt lớn nhất là sự xuất hiện của Muriel "Mickie" Siebert, người phụ nữ đầu tiên mua ghế trên Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào năm 1967. Với ghế này, bà được phép giao dịch trực tiếp trên sàn cho khách hàng của công ty môi giới mang tên mình.
Những nỗ lực của bà đã phần nào được đền đáp, sau khi gia nhập sàn giao dịch chứng khoán New York. Nhà đầu tư Siebert tạo ra dấu ấn của mình khi thành lập công ty môi giới riêng, Muriel F. Siebert & Co., Inc. vào năm 1969. Bà được kính trọng không chỉ vì khả năng đầu tư sắc bén mà còn vì những đóng góp của bà cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành tài chính.
Ngoài ra, bà Muriel Siebert còn từng giữ chức Giám đốc Sở Dịch vụ Tài chính bang New York từ năm 1977 đến 1982. Trong vai trò này, bà đã giám sát các ngân hàng và tổ chức tài chính ở bang trong giai đoạn cải cách quan trọng.
Bình đẳng giới trong bối cảnh hiện tại
Mặc dù ngày nay diện mạo của phố Wall đã thay đổi đáng kể so với ban đầu, có một sự thật rằng nam giới vẫn thống trị ngành tài chính. Điều này diễn ra ở các ngân hàng đầu tư, công ty môi giới, sàn giao dịch chứng khoán…
Phụ nữ hiện chiếm hơn 40% lượng sinh viên tại các trường kinh doanh và 52% số lượng việc làm tài chính cấp cơ sở, nhưng họ vẫn thiếu vắng ở các vị trí quản lý cấp cao. Phụ nữ chỉ chiếm khoảng 27% trong các vai trò lãnh đạo cấp cao (C-suite).
Trong cuốn sách She-Wolves, nhà sử học Paulina Bren nhấn mạnh rằng sự thiếu vắng này không phải là ngẫu nhiên mà có liên quan mật thiết đến những câu chuyện phân biệt giới tính kéo dài và không suy giảm. Từ thời điểm cây nút gỗ bạc đầu tiên được trồng - một biểu tượng của khởi đầu phố Wall - phụ nữ đã không ngừng đấu tranh để có được sự chấp nhận trong ngành tài chính khắc nghiệt này.
Dù vậy, sự thay đổi còn diễn ra chậm chạp. Tác giả She-Wolves nhấn mạnh rằng có một tỷ lệ chênh lệch giới tính giữa các ứng viên quốc hội, các cơ quan điều hành tài chính cấp quốc gia và giám đốc điều hành (CEO). Điều này giải thích vì sao phụ nữ và các nhóm thiểu số khác liên tục tìm cách phá vỡ rào cản để được đối xử công bằng.
Đồng thời tác giả Paulina Bren cũng đặt ra câu hỏi đặt rằng liệu sự chênh lệch về giới tính này có liên quan đến các chu kỳ bong bóng, khủng hoảng và sự đổ vỡ tài chính. Những câu hỏi này vẫn chưa được nhà sử học Bren giải đáp. Thay vào đó, bà nhắc nhở độc giả một thực tế quen thuộc: "Phố Wall được xây dựng dành cho đàn ông, và về cơ bản, nó vẫn là một câu lạc bộ của những người đàn ông”.
Cuốn sách She-Wolves của tác giả Paulina Bren cung cấp cái nhìn sâu sắc về hành trình của phụ nữ tại phố Wall, và cho thấy rằng sự sáng tạo và kiên trì đã mang lại những bước tiến nhỏ. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng giới trong tài chính vẫn còn một chặng đường dài phía trước.