Một ngọn núi được Pháp luật công nhận là 'con người'
Ngọn núi này được trao đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi như một con người.
Một ngọn núi tại New Zealand, được người bản địa xem là tổ tiên linh thiêng, đã chính thức được công nhận là một thực thể pháp lý theo một đạo luật mới. Luật này trao cho ngọn núi đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm như một con người.
Taranaki Maunga (tên theo tiếng Māori), trước đây gọi là Núi Taranaki, trở thành thực thể tự nhiên mới nhất ở New Zealand nhận tư cách pháp lý, sau khi một con sông và một dải đất thiêng cũng từng được công nhận theo cách tương tự.
Ngọn núi lửa phủ tuyết trắng xóa này, với độ cao 2.518 mét, là ngọn núi cao thứ hai trên Đảo Bắc của New Zealand. Đây cũng là điểm đến ưa thích của du khách, những người đam mê leo núi, đi bộ đường dài và các môn thể thao mùa đông.
Quyết định công nhận tư cách pháp lý cho Taranaki Maunga là một phần trong quá trình bồi thường của chính phủ New Zealand đối với người Māori, thừa nhận rằng vùng đất này từng bị tịch thu sau khi New Zealand trở thành thuộc địa.
Một ngọn núi có thể được xem là con người như thế nào?
Luật mới trao cho Taranaki Maunga quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tương tự một cá nhân. Tư cách pháp lý của ngọn núi mang tên "Te Kāhui Tupua", được định nghĩa là "một thực thể sống động và không thể tách rời". Điều này bao gồm toàn bộ đỉnh núi cùng các khu vực xung quanh, kết hợp cả yếu tố vật chất và tinh thần.
Theo quy định, một tổ chức mới sẽ được thành lập để đại diện cho ngọn núi, gồm tám thành viên: bốn người do các bộ tộc Māori địa phương đề cử và bốn người do Bộ trưởng Bảo tồn của New Zealand bổ nhiệm.
Tại sao ngọn núi này lại có ý nghĩa đặc biệt?
Trong một bài phát biểu trước Quốc hội, Paul Goldsmith – nhà lập pháp phụ trách các thỏa thuận giữa chính phủ và các bộ tộc Māori – nhấn mạnh rằng ngọn núi từ lâu đã được coi là tổ tiên thiêng liêng, cung cấp nguồn dinh dưỡng cả về thể chất, văn hóa lẫn tinh thần, cũng như là nơi an nghỉ cuối cùng của tổ tiên người Māori.
Tuy nhiên, vào thế kỷ 18 và 19, những người thực dân đã thay đổi lịch sử của ngọn núi này. Năm 1770, thuyền trưởng James Cook – nhà thám hiểm người Anh – đặt tên cho ngọn núi là "Egmont". Đến năm 1840, khi Hiệp ước Waitangi được ký kết giữa các bộ tộc Māori và đại diện Hoàng gia Anh, người Māori được hứa sẽ giữ quyền sở hữu đất đai và tài nguyên thiên nhiên của họ. Nhưng sự khác biệt trong cách diễn giải hiệp ước giữa người Anh và Māori đã dẫn đến nhiều bất công, và Vương quốc Anh nhanh chóng vi phạm cam kết này.
Năm 1865, một vùng đất rộng lớn tại Taranaki, bao gồm cả ngọn núi, đã bị chính quyền thuộc địa tịch thu nhằm trừng phạt người Māori vì các cuộc nổi dậy chống lại Vương quyền Anh. Trong suốt thế kỷ tiếp theo, quyền quản lý ngọn núi chủ yếu thuộc về các nhóm săn bắn và thể thao, trong khi người Māori không có tiếng nói. Theo Goldsmith, các tập tục truyền thống của người Māori đối với ngọn núi đã bị cấm, trong khi hoạt động du lịch vẫn được khuyến khích.
Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của người Māori vào những năm 1970-1980 đã dẫn đến sự thay đổi lớn, thúc đẩy việc công nhận ngôn ngữ, văn hóa và quyền lợi của họ trong hệ thống pháp luật New Zealand. Một phần trong tiến trình này là các thỏa thuận bồi thường theo Hiệp ước Waitangi, với hàng tỷ đô la được phân bổ để giải quyết các tranh chấp đất đai. Trong đó, thỏa thuận với tám bộ tộc Taranaki được ký vào năm 2023 là một bước đi quan trọng.
Ngọn núi sẽ thực hiện quyền của mình như thế nào?
Debbie Ngarewa-Packer, đồng lãnh đạo đảng Te Pāti Māori và là hậu duệ của Bộ lạc Taranaki, nhấn mạnh rằng người Māori luôn tin tưởng vào mối liên kết sâu sắc với tổ tiên và không gì có thể thay đổi điều đó.
Việc trao tư cách pháp lý cho ngọn núi nhằm đảm bảo sự bảo vệ và gìn giữ lâu dài. Cơ quan đại diện sẽ có trách nhiệm ngăn chặn các hành vi xâm hại môi trường, khôi phục cách sử dụng đất truyền thống và bảo tồn hệ sinh thái bản địa.
Dù vậy, quyền tiếp cận công cộng với ngọn núi vẫn được duy trì, đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và hoạt động du lịch.