Một ngày với 'Đệ nhất danh trà'

Trong hành trình 'Qua những miền di sản Việt Bắc', trải nghiệm những vùng đất hùng vĩ với núi non, hang động, hồ nước, thác đổ…, nhưng sẽ thiệt thòi cho du khách nếu chưa đến một điểm trên vùng đất được dân gian mệnh danh là 'Đệ nhất danh trà' Thái Nguyên. Đó là Không gian Văn hóa trà và vùng chè xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Không gian Văn hóa trà Tân Cương đón tiếp bình quân 10.000 lượt du khách/năm. Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham quan Trung tâm.

Không gian Văn hóa trà Tân Cương đón tiếp bình quân 10.000 lượt du khách/năm. Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham quan Trung tâm.

Những ngày Thu, tiết trời chớm lạnh làm mềm lại cái nắng nám da, vùng đất “Đệ nhất danh trà” nức tiếng như dịu lại, bình yên làm lắng lòng bao “Tao nhân mặc khách”. Chén trà ấm của nghệ nhân Lê Quang Nghìn (cơ sở sản xuất, chế biên chè và du lịch cộng đồng tại xóm Hồng Thái 2) chào mời làm mềm môi, đượm giọng, tinh thần sảng khoái khiến tôi liên tưởng mình đang ở giữa “thủ đô” của những cây chè Việt Nam.

Chính xác là trên vùng đất nức tiếng về trà ngon, còn có 1 không gian văn hóa trà, nơi hội tụ tinh hoa về chè và trà của nhiều vùng chè trên thế giới. Như thế, đủ để gọi Tân Cương là thủ đô của chè. Tôi nghĩ như thế khi biết năm 2011 Thái Nguyên tổ chức Festival Trà quốc tế lần thứ nhất. Ngoài các tỉnh có diện tích chè lớn trên cả nước như: Lâm Đồng, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang về tham dự…, Festival còn thu hút nhiều quốc gia mà cây chè gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của người dân như: Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc… Từ đó đến nay, Không gian Văn hóa trà đã đón tiếp hơn 130.000 lượt du khách trong, ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, thưởng trà và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử liên quan đến cây chè. Riêng năm 2023 đón gần 14.000 lượt du khách. Sang hết 7 tháng năm 2024 đón gần 4.100 du khách, trong đó 40 du khách đến từ Hàn Quốc, Ý, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan và Philippines.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thị Nhiện, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên (đơn vị quản lý, khai thác giá trị Không gian Văn hóa trà), cho biết: Không gian Văn hóa trà có kiến trúc độc đáo, với một không gian mở. Mỗi hạng mục của công trình đều mang dấu ấn thời gian và nghệ thuật. Phía trước công trình là một không gian thoáng rộng để tổ chức các hoạt động lễ hội, đón tiếp, quảng bá du lịch. Nhà trưng bày chia thành 3 khu: Đón tiếp; trưng bày hiện vật; giới thiệu văn hóa chè và sản phẩm trà. Đây là một bảo tàng thu nhỏ khắc họa câu chuyện trọn vẹn về cây chè, về các công đoạn trồng, chăm sóc, chế biến của người nông dân.

“Lạc” vào Không gian Văn hóa trà, du khách “bị dẫn dụ" từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngay từ khoảng sân rộng, nhiều du khách đã mê mải livestream cho người thân về khung cảnh đầy chất thơ, gần đó còn có đài phun nước cách điệu thành bộ ấm chén khổng lồ. Khi bước vào sảnh đón tiếp, choáng ngợp trước dòng chữ lớn: “Thái Nguyên đệ nhất danh trà”. Rồi thảng thốt bên ấm trà gỗ lũa tự nhiên to người ôm không xuể. Đến tiếp là các khu lưu giữ, trưng bày nhiều nhóm tài liệu, hiện vật giới thiệu lịch sử, sự phát triển của chè và văn hóa trà. Được tận mắt chiêm ngưỡng những hình ảnh, mô hình sản xuất chế biến chè của từng giai đoạn cụ thể, rồi khi đứng trước những bộ ấm chén cổ có niên đại hàng trăm năm, du khách cảm nhận đầy đủ hơn về nét đẹp văn hóa ẩm thực tinh túy, độc đáo tạo hóa ban tặng cho con người.

Khi Không gian Văn hóa trà gom lại tất cả một quá trình sản xuất, chế biến chè và một phần văn hóa thưởng trà trên thế giới, thì vùng đất “Đệ nhất danh trà" mở rộng, trải dài làm du khách mãn nhãn, thỏa lòng khi tới thăm những nương chè của cư dân bản địa. Anh Bùi Trọng Đại, chủ cơ sở sản xuất chè Tiến Yên, đồng thời là hộ tham gia làm du lịch cộng đồng ở xóm Hồng Thái 2 nói sảng khoải với chúng tôi: Nếu bàn về lai lịch cây chè ở vùng này, thì thế hệ chúng tôi thuộc đời thứ ba, thứ tư được các cụ trao truyền lại kỹ nghệ trồng, chế biến chè, cách pha trà, mời trà.

Cũng bởi mỗi ngày mở mắt ra đã thấy chè, trong hơi thở có hương vị chè, đêm ngủ còn mơ thấy màu diệp lục của búp chè chúm chím gọi mời. Thế nên câu chuyện của người vùng chè chân chất, dù qua các festival trà và các ngày hội đầu Xuân được tổ chức tôn vinh cây chè, nhiều người làm chè được vinh danh bàn tay Vàng, bàn tay Bạc, rồi người đẹp xứ trà, nhưng câu chuyện vẫn xoay quanh chủ đề về đời chè và đời người. Vậy nên những “tao nhân mặc khách” khi đến vùng đất “Đệ nhất danh trà”, ngồi bàn luận chuyện thế gian, bên ấm trà nóng giãy, bảo thưởng ẩm chứ không nói uống trà. Bởi họ nhận ra trong sợi khói la đà trên miệng chén trà nóng có mùi hương nếp cốm kỳ nghẽn đòng; ngay ngụm chiêu đầu đã thấy vị ngọt nhẹ nhàng lan dần xuống cổ họng, rồi như ngược về khoang miệng tạo thành dư vị ngọt hậu khiến tinh thần sáng khoái.

Thế mới thấy các bậc tiền nhân sâu sắc khi thẩm trà. Còn tôi và các bạn trà về đây, chỉ như “cưỡi ngựa, xem hoa”, song chí ít cũng được mãn nhãn, được bồi bổ thêm cho trí tưởng tượng của mình bằng dăm ba câu chuyện chè, trà ngày xưa và hiện tại. Vâng! Ngày xưa các cụ có chè Cánh Hạc. Con cháu ngày nay có hàng trăm sản phẩm chè. Chè nào cũng độc đáo, thơm ngon. Thế mới thỏa mãn lòng du khách khi về với vùng đất “Đệ nhất danh trà".

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202409/mot-ngay-voi-de-nhat-danh-tra-0ae0ff9/
Zalo