Một ngày ở trạm y tế vùng biên
Ghé thăm Trạm Y tế xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đúng lúc bà con đang đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh, chúng tôi phần nào cảm nhận được những nỗ lực âm thầm của đội ngũ y tế trong việc khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vùng biên.
Từ sáng sớm, chị Lê Thị Trinh (làng Cúc, xã Ia O) cũng như nhiều ông bố, bà mẹ khác đã đưa con đến Trạm Y tế xã Ia O để tiêm nhắc lại mũi vắc xin viêm não Nhật Bản lần thứ hai. Sau khi sinh, cứ theo lịch hẹn chị Trinh đều đặn đưa con đến trạm để thực hiện đầy đủ các mũi tiêm chủng.
Cầm cuốn sổ tiêm trên tay, chị Trinh chia sẻ: “Đây là mũi tiêm thứ 12 trong sổ tiêm của con gái mình. Mỗi lần đến tiêm, các cô ở trạm luôn tư vấn rất cẩn thận, dặn dò kỹ lưỡng về cách theo dõi, chăm sóc cho con sau tiêm như thế nào. Mình cảm nhận được sự tận tình của đội ngũ y tế tại đây”.

Chị Lê Thị Trinh (làng Cúc, xã Ia O) đưa con đi tiêm tại Trạm Y tế xã Ia O. Ảnh: Hoàng Hoài
Ngồi cạnh chị Trinh, chị Ksor Uil (làng Dăng, xã Ia O) vui vẻ kể: “Nhờ trạm y tế cố định lịch tiêm chủng vào ngày 11 hoặc 12 hàng tháng nên mình dễ ghi nhớ để đưa con đi tiêm. Dù lịch tiêm trùng vào thứ Bảy, Chủ nhật, các cán bộ, nhân viên y tế vẫn làm việc. Khi đến đây, mình được tư vấn rất kỹ, hiểu rõ hơn về lợi ích của tiêm chủng. Đặc biệt chỗ nào nghe chưa hiểu, mình sẽ nhờ cán bộ người Jrai giải thích bằng tiếng Jrai để hiểu đúng về tiêm vắc xin cho con. Rồi từ đó mình về nhà giải thích và tư vấn cho các chị em trong làng để họ cũng đưa con lên trạm để tiêm như mình”.
“Ngày xưa, ông bà mình thấy con ốm đau ít khi đưa đi trạm khám hay mua thuốc mà chỉ để tự khỏi hoặc sử dụng một số bài thuốc dân gian. Nhưng những người từ thế hệ 7x, 8x như mình được đi học, nghe tuyên truyền, vận động nên đã hiểu rõ lợi ích của việc đến trạm khám chữa bệnh. Nhà mình cách trạm cũng vài cây số nên khi nào con hay ai ốm đau mình đều đưa đến trạm để khám. Bệnh nặng quá mới đi viện thôi!"-chị Uil tâm sự.
Mặc dù, các bậc cha mẹ đã có sự thay đổi nhận thức về tiêm chủng nhưng năm 2024, Trạm Y tế xã Ia O chỉ đạt 77,2 % số trẻ cần tiêm vắc xin. Lý do được các nhân viên y tế lý giải vì các bậc phụ huynh đưa con ngủ tại nương rẫy xa trung tâm xã hoặc chưa hiểu rõ về lợi ích của việc tiêm chủng dẫn đến còn e ngại không muốn cho con tiêm đầy đủ các loại vắc xin.
Nhớ lại những năm 2009 về trước, đi tiêm chủng trên những con đường đất đỏ bụi mù mùa nắng hay trơn trượt khi mùa mưa đến, chị Phạm Thị Hiền Lương-điều dưỡng Trạm Y tế xã Ia O-chia sẻ: “Ngày trước, dân trí còn thấp, muốn vận động bà con đến trạm tiêm phòng hay khám bệnh là điều không hề dễ dàng. Anh chị em trong trạm chia nhau đi đến tận từng làng, từng nhà vận động. Thế nhưng dù có gửi giấy mời hay nhắc nhở nhiều lần thì bà con cũng chỉ nghe qua loa rồi quên nên rất nhiều gia đình không trẻ ra trạm tiêm chủng. Nhiều đợt chúng tôi phải 4-5 lần vào làng mới tiêm đủ số trẻ theo quy định”.
Nhằm phục vụ cho hơn 11.000 người dân trong xã (trong đó có 51% đồng bào DTTS), đồng thời thu dung, điều trị cho người dân các xã của huyện Ia Hdrai (tỉnh Kon Tum) và số hộ dân nước bạn Campuchia sống gần biên giới, năm 2023, Trạm Y tế xã Ia O đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ trang-thiết bị, đảm bảo phục vụ công tác khám, chữa bệnh ban đầu. Tuy nhiên, hiện trạm chỉ có 5 nhân lực thực hiện công tác khám-chữa bệnh gồm: 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 y sĩ, 1 nữ hộ sinh và 1 cán bộ dân số.

Trạm Y tế xã Ia O (huyện Ia Grai) dần trở thành điểm tựa y tế cho bà con vùng biên giới. Ảnh: Hoàng Hoài
Trao đổi với P.V, bác sĩ Rơ Châm Byih-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia O-khẳng định: “Dù lực lượng y tế mỏng, nhưng chúng tôi vẫn duy trì công tác khám-chữa bệnh ban đầu, năm 2024 đã thực hiện 4.200 lượt khám bệnh. Không phải vì thiếu nhân sự mà dân lại không được khám hay không được tiêm phòng bệnh kịp thời. Tôi luôn động viên anh chị em trong trạm chịu khó bám làng, bám thôn vì sức khỏe của người dân, thực hiện tốt phương châm “Không chờ dân tới mà phải tới với dân”.
Đối với các ca bệnh nặng, trạm sẽ thực hiện sơ cứu rồi chuyển tuyến trên để điều trị kịp thời. Cùng với đó, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương có kế hoạch hàng tháng để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng-chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tham gia bảo hiểm y tế để được hỗ trợ tốt hơn khi khám, chữa bệnh”-bác sĩ Rơ Châm Byih chia sẻ thêm.
Ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ Trạm Y tế xã, ông Ksor Tuâng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O-thông tin: “Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện và sự hướng dẫn của Trung tâm Y tế huyện, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn đã được thực hiện khá tốt. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn được giám sát, kiểm soát tốt, chưa có diễn biến phức tạp.
Trong mùa mưa vừa qua, bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát, nhưng nhờ công tác tuyên truyền, vận động bà con vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy nên không để dịch bệnh lây lan. Đây cũng là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của đội ngũ y tế xã, mặc dù lực lượng của trạm khá mỏng.
Đồng thời, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025), xã cũng đã chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm, đồng thời rà soát, đề xuất những cá nhân tiêu biểu để huyện khen thưởng, động viên tinh thần cán bộ y tế xã”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết thêm.
Rời Trạm Y tế xã Ia O khi đã xế chiều, trời cũng bắt đầu có vài cơn mưa phùn lất phất, chúng tôi vẫn thấy những cán bộ, nhân viên y tế tất bật hoàn thành nốt công việc của mình. Từ sáng tới cuối chiều ngày 21-2, chúng tôi chứng kiến các y-bác sĩ nơi đây đã khám và tiêm chủng cho hơn 20 người; trong đó, đa số là trẻ em tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Giữa vùng biên xa xôi, nơi điều kiện còn nhiều khó khăn, những y-bác sĩ nơi đây vẫn lặng lẽ cống hiến với một niềm tin giản dị: sức khỏe của người dân là điều quan trọng nhất, để không ai bị bỏ lại phía sau.