Một ngày ở chốt Tát Kẻ
Tát Kẻ là thôn xa và khó khăn nhất của xã Khâu Tinh (Na Hang), nơi chỉ cách đây chừng gần 2 tháng mới có điện lưới quốc gia nhưng cũng chỉ đến trung tâm thôn, còn một số khu vực xa hiện vẫn chưa có điện. Chốt bảo vệ rừng Tát Kẻ là một trong số đó. Với vị trí tận cuối thôn, địa hình di chuyển khó khăn, chốt hiện có 1 cán bộ kiểm lâm và 1 nhân viên hợp đồng tuần rừng, quân số tuy mỏng nhưng quản lý và bảo vệ trên 1,3 nghìn hecta rừng đặc dụng. Xa nhà, thiếu thốn đủ bề, đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm nhưng anh em vẫn quyết tâm bám trụ nơi vùng cao, đất khó.
6 năm gắn bó
Những ngày tháng 3, thời tiết giao mùa, dọc 2 bên đường, cây cối đâm chồi nảy lộc tạo nên một bức tranh mùa xuân vùng cao trông thật đẹp mắt. Con đường bê tông uốn lượn giữa những dãy núi đá tai mèo dựng đứng, mờ ảo giữa làn sương mù dày đặc che kín lối đi. Từ trung tâm xã Khâu Tinh, chúng tôi phải di chuyển mất gần 30 phút mới đến được chốt bảo vệ rừng Tát Kẻ, nằm ở vùng lõi rừng đặc dụng.
Thấy có phóng viên, cán bộ kiểm lâm trẻ Trần Thanh Tùng hồ hởi, lâu lắm chốt mới có nhà báo ghé thăm, mời nhà báo cùng ở lại trải nghiệm một ngày ở chốt kiểm lâm xa nhất của huyện Na Hang xem có gì đặc biệt.

Cán bộ kiểm lâm Trần Thanh Tùng (đi trước) và nhân viên tuần rừng Quan Văn Chiến đi tuần tra, kiểm soát.
Anh Tùng sinh năm 1991, quê ở xã Thái Sơn (Hàm Yên). Anh bồi hồi kể, gắn bó với công việc bảo vệ rừng từ khi mới ngoài 20 tuổi, kinh qua nhiều vị trí việc làm các xã Hùng Lợi, Tân Tiến, Tân Long (Yên Sơn) đến các xã Minh Thanh, Tân Trào (Sơn Dương) và đến năm 2019, sau khi thi đỗ công chức nhận công tác tại Hạt Kiểm lâm Na Hang, anh Tùng được phân công lên chốt bảo vệ rừng Tát Kẻ đến tận hôm nay.
Vậy khi được phân công lên chốt xa như Tát Kẻ, anh có suy nghĩ như thế nào?
Anh Tùng dõng dạc, thú thật lúc đầu cũng đấu tranh tâm lý bởi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con nhiều và cũng cảm thấy sợ. Nhưng được sự động viên của anh em các chốt lân cận, cùng sự ủng hộ của gia đình mà anh ổn định tâm lý và quyết tâm bám trụ.
Tuy mới lên đây được tròn 1 năm, nhân viên tuần rừng Quan Văn Chiến, nhà ở tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Na Hang (Na Hang) kể, sau quá trình làm nghề tự do, anh được ký hợp đồng làm nhân viên tuần rừng tại chốt Tát Kẻ. Ngày mới lên, anh cũng mất gần 1 tháng mới quen được cuộc sống nơi “thâm sơn, cùng cốc”, không điện, không có sóng điện thoại trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin thật sự là thử thách lớn. Anh Chiến dí dỏm, do chốt nằm ở vùng lõi nên khí hậu quanh năm mát mẻ, dù không có điện thì mùa hè vẫn không bị nóng như dưới miền xuôi. Đặc biệt lên đây, giờ anh Chiến còn nói được tiếng Dao, tiếng Mông thay vì chỉ tiếng Tày như trước.
Tận dụng dòng suối bên cạnh chốt, để chủ động các nguồn thực phẩm cho cuộc sống, 2 anh em tự đào ao thả cá, tự tay phá đá đổ đất trồng rau rồi câu chuyện nuôi lợn, nuôi gà, tự học hỏi cách phòng chống dịch bệnh… Những câu chuyện vượt khó đã để lại ấn tượng mạnh cho phóng viên chúng tôi, thế mới biết nghề kiểm lâm đã vất vả nhưng kiểm lâm cắm chốt còn vất hơn gấp trăm lần.
Chỉ tay vào cánh rừng mờ mờ ở đỉnh núi trước mặt, nằm khuất trong sương, anh Tùng nói, đó là khu vực Đường Đinh, Lũng Khảo… cách chốt chừng 5 km, do nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung nên nơi đây tập trung vô số cây gỗ quý hiếm có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi, đặc biệt là nghiến cổ thụ, đinh, chò chỉ vô cùng nhiều. Chính vì thế, những kỷ niệm đi rừng từ sáng tinh mơ và về đến chốt khi trời nhá nhem tối, đối mặt với bao hiểm nguy như rắn độc, côn trùng khiến ai nghe cũng cảm thấy rùng mình nếu từng trải qua.
Vẫn yên tâm bám trụ
Anh Dương Mạnh Cường, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Phia Phoong, xã Khâu Tinh (Na Hang) chia sẻ, trong các chốt kiểm lâm, có lẽ Tát Kẻ là chốt có lực lượng mỏng và cũng quản lý diện tích rừng lớn nhất trong toàn huyện Na Hang. Tuy vất vả khó khăn là thế nhưng anh em vẫn bám trụ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ màu xanh những cánh rừng.
Câu chuyện đang dở, bỗng có vài người dân đi lấy măng rừng và hái lá thuốc tiện đường ghé vào chốt bảo vệ rừng cho cán bộ ít măng và vài cây thuốc đã phơi khô chữa đau bụng. Anh Tùng giới thiệu, đây là bà Triệu Thị Nái, được coi là người đàn bà của rừng tại thôn. Bà Nái có căn nhà nhỏ nằm ở vùng lõi của rừng đặc dụng, sống biệt lập với thế giới bên ngoài, là người ít giao tiếp, nên cũng mất rất nhiều thời gian trò truyện, cán bộ Tùng mới lấy được sự tin tưởng và lòng tin của bà Nái. Cũng chính nhờ bà Nái mà bao năm nay, những khu vực lõi đều bình yên. Bà Nái bảo, quý cán bộ kiểm lâm lắm, thi thoảng có việc ra thăm con, cháu lại mang ít thực phẩm hoặc các cây thuốc đã phơi khô cho cán bộ có thể dùng khi ốm đau.
Sống giữa bà con thôn Tát Kẻ có lẽ là sự may mắn, người dân nơi đây hiền lành, chất phác và rất dễ tuyên truyền, họ coi rừng là báu vật, là những người bạn và nguồn sống của bản làng. Anh Tùng tiếp câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ nhất về tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” có lẽ là cuộc vận động gia đình anh Triệu Càn Diết. Do tập quán phá rừng, đốt nương, làm rẫy ăn sâu trong suy nghĩ, bao năm gia đình anh Diết luôn là điểm nóng, cần lưu ý của lực lượng kiểm lâm, nhiều khi nhắc nhở anh còn có thái độ chống đối gay gắt. Ấy thế mà bằng cách cùng làm việc, cùng vận động và sự chân tình, anh Tùng đã cảm hóa được anh Diết và giờ lại trở thành cánh tay đắc lực cho lực lượng kiểm lâm trong việc tuần tra, bảo vệ rừng.
Trời nhá nhem tối, ánh điện sáng lập lòe của máy phát điện nước khiến khung cảnh trở nên mơ hồ. Bữa cơm bày ra với vài con cá suối, ít rau rừng và mấy quả ớt, anh Tùng bảo, chúng em tuy khó khăn, nhưng quyết bám trụ với rừng, bởi giữ rừng có lẽ là cái nghiệp nên ai cũng trân trọng và tự hào.