Một nàng dâu đặc biệt của Việt Nam

Nhà hoạt động cánh tả người Mỹ, người bạn thân thiết của Việt Nam Merle Ratner ra đi đột ngột để lại niềm tiếc thương vô hạn trong nhiều người dân Việt Nam. Là người Mỹ nhưng suốt cuộc đời bà dành trọn tình yêu và lý tưởng cho đất nước và con người Việt Nam.

Ngày 10/8, tại Hải Phòng, các cơ quan, đoàn thể cùng gia đình và bạn bè đã tổ chức trọng thể Lễ rải tro cốt bà Merle Ratner về với biển cả Việt Nam. Chúng tôi đã gặp Giáo sư Ngô Thanh Nhàn (chồng bà Merle Ratner) khi ông vừa hoàn thành tâm nguyện đưa bà về yên nghỉ trong lòng đất nước bà hằng yêu mến, để nghe ông kể câu chuyện tưởng như bất tận về Merle.

Bà Merle Ratner cùng chồng là Giáo sư Ngô Thanh Nhàn.

Bà Merle Ratner cùng chồng là Giáo sư Ngô Thanh Nhàn.

Rung động bởi tình người đậm sâu

Bà Merle yêu Việt Nam từ năm 13 tuổi, khi ấy, Việt Nam còn đang chìm trong cuộc chiến tranh khốc liệt. Thông qua nhiều phương tiện, bà Merle thấy được cuộc sống của người dân Việt Nam và cảm nhận ở người Việt một tình người sâu sắc. Chính điều đó đã lay động bà ngay từ khi còn nhỏ.

“Khi ấy, Merle đã viết nhiều bài về Việt Nam. Mặc dù giáo viên thấy rằng không thể viết về Việt Nam theo cách đó được, Việt Nam là đất nước của những người cộng sản, nhưng họ đánh giá cao ở cách Merle lập luận cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng nên vẫn cho điểm A. Đến tận bây giờ tôi vẫn giữ nhiều bài Merle viết về Việt Nam năm 12, 13 tuổi”, ông Nhàn nhớ lại.

Theo chia sẻ của Giáo sư Nhàn, bà Merle có một người cha rất nghiêm khắc, vì thế bà buộc phải bỏ nhà khi 13 tuổi. Thời gian này, bà Merle gặp những người chống chiến tranh Việt Nam. Tình yêu đối với Việt Nam của bà cũng lớn thêm qua những năm tháng đó.

Ông Nhàn gặp ý trung nhân của mình vào dịp Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc năm 1977. Khi đó, bà Merle xung phong tình nguyện giúp đỡ phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc vốn còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn ở Mỹ. Bà Merle có cơ hội gặp những người Việt Nam, những nhà cách mạng Việt Nam rất giỏi và chân tình, họ khiến bà vô cùng cảm động.

Năm 1985, ông Nhàn dẫn bà Merle về Việt Nam gặp bố mẹ và họ đã nhận cô gái Mỹ là con dâu, yêu thương Merle Ratner như con ruột mình. Thời điểm này, hai người quyết định kết hôn và đăng ký kết hôn ở quận Ba Đình (Hà Nội) vào ngày 22 tháng Giêng năm 1986, khi đó Ban Việt kiều đại diện cho nhà trai và Bộ Ngoại giao đại diện cho nhà gái. Bà Merle nhất quyết không chịu đăng ký kết hôn ở Mỹ và khăng khăng về Việt Nam làm đăng ký kết hôn. Thời điểm đó, khi Mỹ còn cấm vận Việt Nam rất chặt, hôn nhân của ông bà tại Việt Nam là một điều rất đặc biệt.

“Tôi có đưa Merle đi gặp nhiều người Việt Nam. Họ hỏi rằng có phải vì Merle yêu tôi nên mới yêu đất nước Việt Nam đến vậy hay không? Merle trả lời ngay rằng, Merle yêu Việt Nam trước khi gặp tôi và chính tình người Việt Nam đã làm Merle rung động. Cả đời tôi vẫn nghĩ Merle yêu Việt Nam hơn tôi. Merle say đắm một Việt Nam ân tình, một Việt Nam của tình người và một Việt Nam anh hùng”, Giáo sư Nhàn chia sẻ.

Với tình yêu say đắm dành cho Việt Nam, bà Merle tổ chức nhiều đoàn Mỹ sang thăm Việt Nam trong thời kỳ cấm vận, trong đó có đoàn cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở mặt trận miền Nam Việt Nam.

Sống ở Mỹ theo múi giờ Việt Nam

Ông Nhàn chia sẻ rằng, người bạn đời của mình có một niềm tin mãnh liệt vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thành tựu, mọi thắng lợi của Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh cho các giá trị của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới và Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trên con đường đã chọn. Bà Merle yêu đến thiết tha lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, một lý tưởng mà trong đó trọng yếu tố con người và tình người.

“Phải lòng” Việt Nam bởi tình người đậm sâu, yêu mến lý tưởng và con đường phát triển của Việt Nam nên tất cả những gì bà Merle nghĩ, bà Merle làm và hướng tới chỉ xoay quanh một điều duy nhất - Việt Nam. Từ khi bà Merle học trung học, đại học và sau này là thạc sĩ về công đoàn lao động, đều mong mỏi có thể làm gì tốt cho Việt Nam. Bà Merle thậm chí đổi giờ làm việc theo giờ làm việc của Việt Nam, làm việc vào buổi đêm ở Mỹ để có thể nói chuyện, trao đổi với những cộng sự ở Việt Nam.

Suốt nhiều năm, điều bà Merle đau đáu nhất là hòa giải giữa hai dân tộc để người dân hai nước vượt qua những hiểu lầm và không tồn tại hiểu lầm có thể dẫn đến mâu thuẫn lớn trong tương lai. Chiến tranh kết thúc năm 1975, hòa bình lặp lại trên mảnh đất đã héo mòn vì chiến tranh. Đã gần 50 năm sau chiến tranh, bà Merle nghĩ đó là một nửa thế kỷ của hòa bình. Hai chữ hòa bình quan trọng và thiêng liêng đã giúp người dân Việt Nam vươn lên trong gian khó và phát triển hơn, hạnh phúc hơn. Giáo sư Nhàn cho biết bà Merle đã ấp ủ nhiều kế hoạch với Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm sau nhưng thật tiếc bà không thể thực hiện và chính ông sẽ thay bà thực hiện những ước nguyện dang dở đó.

Một lĩnh vực quan trọng khác mà bà Merle luôn trăn trở là về vấn đề chất độc da cam. Ông Nhàn chia sẻ ngay từ đầu vợ chồng ông đã mong mỏi có thể giúp Việt Nam về vấn đề này nhưng trong nhiều năm chưa “gặp thời”, cho đến khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam quyết định kiện các công ty hóa chất Mỹ để tìm lại công lý cho các nạn nhân da cam vào năm 2004.

Từ đó, bà Merle bắt đầu tổ chức các cuộc vận động, trước tiên từ những người địa phương ủng hộ Việt Nam. Bà nghĩ rằng cần phải tập trung nhất vào đối tượng là cựu chiến binh, trong đó có những cựu chiến binh chống chiến tranh Việt Nam. “Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam - VAORRC” được Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình thành lập. Trong nhiều năm, bà Merle và cộng sự đã thu thập được hàng chục triệu chữ ký để giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khởi kiện.

Có lẽ chừng ấy cũng đủ để trả lời cho câu hỏi tại sao là người con của nước Mỹ nhưng bà Merle lựa chọn “sống mãi” với Việt Nam?

“Với Việt Nam, Merle đã tìm được gia đình yêu thương mình, bù đắp cho Merle những tổn thương sâu thẳm trong lòng. Gia đình đó không chỉ là gia đình của tôi mà là gia đình của người Việt Nam, những người Việt Nam mà Merle biết đến, gặp gỡ và coi như những người anh, người chị… Gia đình Việt Nam là thứ quý giá và điều lớn nhất với Merle”, ông Nhàn bày tỏ.

Viết tiếp câu chuyện của Merle

“Đến lúc này, tài sản lớn nhất của tôi là vẫn là Merle mà thôi! Bây giờ tôi đã quyết định là “sống như Mơ” (tôi vẫn gọi Merle là Mơ)… Tôi cắt tóc, nhuộm tóc, mặc quần áo như Merle. Một lọ tro cốt nhỏ của Merle còn ở lại với nước Mỹ và đó là tình yêu nước Mỹ của Merle. Lọ tro cốt lớn hơn của Merle tôi đưa về Việt Nam, để Merle hòa mình vào biển cả Việt Nam”, ông Nhàn chia sẻ, ánh mắt ông vẫn mênh mông một nỗi buồn sâu thẳm như kiếm tìm đó đây một bóng hình quen thuộc đã theo ông hơn 4 thập kỷ của cuộc đời.

Ông Nhàn giữ máy tính và đọc nhiều thứ trong đó, biết về những thứ bà Merle định sẽ làm, vì vậy, ông có thể tiếp tục những gì người bạn đời mong muốn.

“Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt trong chuyến trở về Việt Nam lần này, đưa vợ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, để Merle trở về bên những điều Merle yêu thương nhất. Tôi đưa lọ đựng tro cốt của Merle về gia đình tôi ở Việt Nam để mỗi lần nghĩ tới cha mẹ tôi là tôi cũng sẽ nghĩ tới Merle. Đó cũng là những tâm sự lớn nhất của tôi”, Giáo sư Nhàn tâm sự

Ông sẽ tiếp tục nghiên cứu về vợ mình và suy nghĩ của “người con dâu” Việt Nam. “Thời gian này, tôi hay lo lắng là tôi không biết vợ tôi đã làm và nghĩ gì. Tôi nhìn vào di ảnh của Merle và nghĩ rằng lúc đó Merle vui nhưng một lát sau tôi lại nghĩ liệu rằng Merle đang buồn? Tôi đã trải qua những ngày đau khổ nhất của cuộc đời mình, thương nhớ đến tận cùng. Mọi người động viên tôi hãy nhớ về những ngày vui và nó có thể chữa lành”, ông chia sẻ.

Một người bạn Mỹ của Việt Nam ra đi nhưng tình yêu của bà với đất nước và con người Việt Nam còn sống mãi. Người “đồng chí” trọn tình với Việt Nam giờ đây đã hòa mình vào biển, trời của nơi bà yêu mến hơn tất cả trên đời.

Bà Merle Evelyn Ratner, sinh năm 1956 tại thành phố New York (Mỹ), có tình yêu đặc biệt với Việt Nam. Bà từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam khi mới 13 tuổi và nổi tiếng với hành động treo khẩu hiệu phản chiến lên tượng Nữ thần Tự do. Bà là người đồng sáng lập và điều phối viên trong tổ chức "Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam-VAORRC" của khu vực New York. Merle Ratner tham gia rất tích cực trong biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam từ cuối thập niên 1960, ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; tham gia phong trào chống chủ nghĩa đế quốc thập niên 1970, 1980, và chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ hiện nay.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mot-nang-dau-dac-biet-cua-viet-nam-10290808.html
Zalo