Một năm vượt khó phát triển
Năm 2024 - một năm không ít khó khăn đối với Lâm Đồng, nhưng nhìn tổng thể kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng 5,3% song chưa đạt sự kỳ vọng theo như kế hoạch đặt ra. Bước vào năm 2025, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và cũng là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Động lực nào để Lâm Đồng thực hiện cuộc bứt phá tốc độ tăng trưởng GRDP tăng từ 9- 10%?
Cũng cần nhìn nhận rằng, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên ngay từ đầu năm, Lâm Đồng triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ cũng như Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao trên tinh thần “tăng tốc, bứt phá” nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, trên thực tế, khi triển khai thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, Lâm Đồng gặp phải không ít khó khăn, thách thức đó là thị trường bất động sản chưa được phục hồi, thu hút đầu tư gặp khó, thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, người dân...
Theo dự thảo báo cáo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 của UBND tỉnh thì trong số 18 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; còn lại 8 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, lĩnh vực kinh tế chiếm 50% trong số đó.
Cụ thể, dự ước tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 tăng 5,3% so với kế hoạch, tăng từ 7,2 - 7,8%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,1% (kế hoạch tăng 5,1 - 5,2%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,4% (kế hoạch tăng 7,7 - 8,7%); khu vực dịch vụ tăng 7,2% (kế hoạch tăng 9 - 10%). Với mức tăng trưởng của các khu vực nêu trên, tính đến cuối năm 2024, cơ cấu kinh tế Lâm Đồng có tỷ lệ đóng góp từ các khu vực bao gồm: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 43,8% (kế hoạch từ 36,1 - 36,6%); ngành Công nghiệp, xây dựng chiếm 18,0% (kế hoạch từ 19,4 - 19,5%) và ngành Dịch vụ chiếm 38,2% (kế hoạch từ 44 - 44,4%).
Một số chỉ tiêu khác không đạt, đó là tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến hết năm 2024 bằng 28,5% GRDP (kế hoạch từ 34 - 36%); thu ngân sách nhà nước đạt 13.100 tỷ đồng, bằng 100,1% dự toán Trung ương, bằng 92,6% dự toán địa phương...
Điểm sáng của nền kinh tế nằm ở chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 985,8 triệu USD, vượt so với kế hoạch và tăng 6,1% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú đạt 7.600 nghìn lượt khách đạt so với kế hoạch và tăng 13,4% so với cùng kỳ. Tương tự, GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng so với kế hoạch từ 95 - 95,3 triệu đồng và tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 21% cao hơn so với kế hoạch là 6 - 7%.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2024, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và khả năng, năng lực của tỉnh; ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn... Mặt khác, công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa có nhiều chuyển biến tích cực và chỉ thu hút được 3 dự án vốn trong nước. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; các công trình trọng điểm tuy được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng tiến độ chưa bảo đảm theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ dứt điểm như dự án đường cao tốc, hồ Ta Hoét, hồ Đông Thanh, hồ Kazam… dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, tăng trưởng kinh tế đạt thấp.
Mức tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch từ 2 đến 2,5 điểm phần trăm có nguyên nhân khách quan do nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao (xăng, dầu, vật liệu xây dựng...); giá cả đầu ra một số sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định. Thời tiết diễn biến cực đoan, hạn hán, mưa bão, sạt lở đất xảy ra ở một số địa phương ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp, nhất là thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi...
Về mặt chủ quan, cũng cần chỉ ra rằng, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư chưa kịp thời; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư còn chậm, chưa quyết liệt, kéo dài thời gian; quy hoạch thiếu đồng bộ, vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, chưa khơi thông được nguồn lực, gây khó khăn trong thu hút đầu tư...
Cũng theo UBND tỉnh, dự báo việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025 trong điều kiện tiếp tục có nhiều cơ hội, thuận lợn đan xen với khó khăn, thách thức. Điều đó biểu hiện ở các mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, việc khởi công Dự án đường bộ Cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, thách thức mà cụ thể ở đây ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn... Vì vậy, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 với các chỉ tiêu kinh tế cụ thể bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng từ 9 - 10%; trong đó, khu vực nông - lâm - thủy tăng từ 5,2 - 5,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 13,5 - 14,5%; khu vực dịch vụ tăng từ 10,5 - 11,5%. GRDP bình quân đầu người từ 115 - 117 triệu đồng/người; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân từ 10,7% - 11,7%. Tổng đầu tư phát triển xã hội chiếm khoảng 31% - 35% GRDP; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 14.500, phấn đấu đạt 15.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị 1,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2024 và tổng lượt khách du lịch đăng ký qua lưu trú 8.300 nghìn lượt, tăng 10%, khách quốc tế 850 ngàn lượt, tăng 41,7% so với năm 2024.