Một năm mô hình đại học khởi nghiệp sôi động

TP.HCM cần thí điểm hình thành các trường theo mô hình đại học khởi nghiệp, tạo ra ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Năm 2024 ghi dấu sự lan tỏa mạnh mẽ của mô hình đại học khởi nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM thông qua hàng loạt hoạt động nổi bật.

Vai trò tiên phong của TP.HCM

Chuỗi 14 buổi hội thảo “Đại học khởi nghiệp: Mô hình và giải pháp” đã trở thành điểm nhấn, tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm triển khai và tiềm năng áp dụng mô hình đại học khởi nghiệp. Hội thảo diễn ra tại các trường đại học hàng đầu ở TP.HCM như Đại học Bách Khoa, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Hoa Sen, Đại học Nông Lâm TP.HCM cùng nhiều cơ sở đào tạo ở các địa phương như Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Hạ Long. Tại các sự kiện, không chỉ các nhà quản lý giáo dục thể hiện sự quan tâm đến mô hình này mà giảng viên, sinh viên cũng tích cực tham gia.

Chương trình EU Talk - talkshow chuyên đề về đại học khởi nghiệp, đã tạo cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp cùng trao đổi về kiến giải, cách thức xây dựng mô hình này. Chỉ tính riêng trong năm 2024, 24 số được phát sóng trên Doanh Nhân Sài Gòn Online cùng các nền tảng mạng xã hội của Doanh Nhân Sài Gòn, với sự góp mặt của 30 khách mời uy tín từ các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, khách mời đều đồng thuận về tầm quan trọng và tính thực tiễn của mô hình đại học khởi nghiệp trong việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Ngày 17 và 18/12, lần đầu tiên, Diễn đàn Quốc tế về đại học khởi nghiệp 2024 được tổ chức tại TP.HCM trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE 2024). Đây là một sự kiện do UBND TP.HCM chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức, đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong nước và đến từ Singapore, Úc… Diễn đàn không chỉ mở rộng góc nhìn về đại học khởi nghiệp mà còn là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, khẳng định vai trò tiên phong của TP.HCM trong việc áp dụng những mô hình giáo dục hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho sự kết nối tri thức, công nghệ, sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

Những thành tựu này đã tạo đà cho đại học khởi nghiệp trở thành một mô hình phát triển tiềm năng, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các trường cần chuyển mình hơn nữa

Ông Anderson Tan - CEO Quỹ Anderson Management Capital (Singapore), nhận định rằng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để tạo được bước đột phá lớn hơn trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là cần có nguồn nhân lực mang tinh thần khởi nghiệp, được đào tạo bài bản từ các trường đại học theo mô hình đại học khởi nghiệp. Đây chính là lực lượng nòng cốt góp phần thay đổi diện mạo của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Điều quan trọng nhất là cần có nguồn nhân lực mang tinh thần khởi nghiệp, được đào tạo bài bản từ các trường đại học theo mô hình đại học khởi nghiệp.

Tuy nhiên, bà Jaclyn Benstard - Đồng sáng lập Global Market Expansion (Úc), nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi từ một trường đại học truyền thống sang mô hình đại học khởi nghiệp không phải là điều dễ dàng. Bước đầu tiên và quan trọng nhất của hành trình này là thay đổi nhận thức. “Lãnh đạo nhà trường hãy thay đổi tư duy trước, rồi hành động sẽ đến” - bà chia sẻ.

Bà Benstard cũng chỉ ra rằng mục tiêu của giáo dục đại học hiện nay đã thay đổi hoàn toàn. Thay vì chỉ tập trung vào việc giúp sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng, các trường cần chú trọng đào tạo kiến thức thực tế và kỹ năng làm việc. Doanh nghiệp hiện nay không còn muốn mất thời gian và chi phí để đào tạo lại những sinh viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn.

“Đó chính là động lực lớn nhất thúc đẩy các trường thực sự hành động, chuyển đổi sang mô hình mới - đại học khởi nghiệp, từ đó tạo ra những thế hệ sinh viên vừa có năng lực chuyên môn, vừa sẵn sàng đáp ứng ngay các yêu cầu của thị trường lao động. Điều này không chỉ nâng cao giá trị của sinh viên mà còn góp phần khẳng định vai trò của nhà trường trong việc định hình tương lai kinh tế - xã hội” - bà Benstard nói.

Theo ông Anderson Tan, sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành liên quan là vô cùng cần thiết, đặc biệt thông qua các chính sách hấp dẫn nhằm khuyến khích các trường đại học tiên phong chuyển đổi theo mô hình mới. Đồng thời, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các bên liên quan khác cũng cần được thúc đẩy tham gia, cùng tạo nên một mạng lưới hợp tác bền vững.

Trong thời gian tới, TP.HCM cần nhanh chóng triển khai những bước đi sau để sớm thí điểm mô hình đại học khởi nghiệp:
- Thống nhất sử dụng tên gọi Đại học Khởi nghiệp TP.HCM (tạm dịch tiếng Anh: The Entrepreneurial University of Ho Chi Minh city - EU-HCM)
- Xây dựng mục tiêu cụ thể và ban hành khung tiêu chí về mô hình đại học khởi nghiệp để làm kim chỉ nam, định hướng các trường đại học
- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó quy định 9 lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp được ưu tiên
- Triển khai chính sách ưu đãi tài chính rõ ràng cho từng giai đoạn của dự án, khuyến khích các trường tích cực chuyển đổi mô hình
- Đưa Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM vào vận hành trong quý I/2025.

Ông Đặng Đức Thành - Ủy viên Ban chấp hành VCCI,
Chủ tịch Công ty CP Đại học khởi nghiệp

Hưng Khánh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/mot-nam-mo-hinh-dai-hoc-khoi-nghiep-soi-dong-315656.html
Zalo