Một năm gian khó với ngành bảo hiểm
Tổng doanh thu phí bảo hiểm 11 tháng của năm 2024 ước đạt 204.109 tỉ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước. Dù mức tăng còn khiêm tốn, nhưng là tín hiệu tích cực cho thị trường trong bối cảnh thị trường và nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn ba năm vừa qua.
Gập ghềnh đường phục hồi của bảo hiểm nhân thọ
Tổng doanh thu phí bảo hiểm 11 tháng của năm 2024 ước đạt 204.109 tỉ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước, theo thông tin từ Bộ Tài chính. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 132.204 tỉ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ 2023.
Một nét tích cực là đà giảm của doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đã và đang được thu hẹp. Cụ thể, tháng 8 giảm 7,3%, tháng 9 giảm 6,4%, tháng 10 giảm 6,17%, tháng 11 giảm 5,5% so với cùng kỳ.
Sự hồi phục trở lại này của thị trường cũng được ghi nhận qua kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), với tổng doanh thu từ bán bảo hiểm của 9/27 ngân hàng niêm yết tăng 6,25% so với cùng kỳ giai đoạn trước, đạt trên 10.500 tỉ đồng.
Theo đó, trong số chín ngân hàng niêm yết thuyết minh chi tiết về thu nhập từ hoạt động bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2024, có bốn ngân hàng báo thu nhập tăng trưởng hai chữ số, năm ngân hàng báo giảm so với cùng giai đoạn năm trước.
Cụ thể, Kienlongbank tăng 74%, VPBank tăng 51,34%, Techcombank tăng 29,69%, SeABank tăng 14,29% so với cùng giai đoạn năm 2023. Trong khi đó, VIB giảm 49,3%, PGBank giảm 47,37%, LPBank giảm 27,68%, TPBank giảm 0,34%.
Dù đã có những tín hiệu phục hồi ban đầu, song giới phân tích đánh giá lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn đối mặt với một số thách thức do kênh bancassurance phải chịu chế tài quản lý nghiêm ngặt hơn trước. Vì vậy, không dễ để thị trường bảo hiểm nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng cao như giai đoạn trước.
Theo đó, Thông tư 34 của NHNN có quy định các ngân hàng không được bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với tín dụng/sản phẩm ngân hàng không bắt buộc mua bảo hiểm như trước đây. Ngoài ra, các ngân hàng chỉ được bán sản phẩm này sau 60 ngày sau khi đã giải ngân tín dụng cho khách hàng.
Cơ quan này cũng đang dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó đề xuất phạt khoảng 400-500 triệu đồng với các tổ chức tín dụng (TCTD) vi phạm quy định về gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức, theo quy định tại Luật Các TCTD.
Trước những thay đổi thị trường, mới đây nhất, Techcombank và Manulife đã tuyên bố ngừng hợp tác trong việc phân phối bảo hiểm độc quyền qua kênh bán chéo bảo hiểm từ ngày 14-10-2024. Sau gần một thập kỷ hợp tác, hai đơn vị này dừng lại với lời cam kết vẫn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho khách hàng. Còn ABBank chấm dứt hợp đồng với FWD vào năm 2022 và HDBank "chia tay" với Dai-ichi Life vào đầu năm 2023.
Từ góc nhìn người trong cuộc, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB dự báo, nguồn thu từ bancansurace của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định trước những quy định mới, theo hướng chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, không được tiếp xúc với khách hàng trước và sau 60 ngày, thậm chí 6 tháng, tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay; không được phép bán kèm sản phẩm bảo hiểm trên sản phẩm cho vay, mà chỉ được bán trên sản phẩm huy động; phải ghi âm toàn bộ quá trình tư vấn và lưu trữ thông tin.
Cũng theo vị này, bancansurace chỉ mang lại lợi nhuận khi khách hàng của ngân hàng thực hiện tái tục bảo hiểm lần hai hoặc lần ba. Đồng thời phụ thuộc vào thỏa thuận về chi phí ban đầu (upfront) – phí trả trước để thuê kênh bán - giữa công ty bảo hiểm và đại lý tổ chức trong hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền.
“Một số đại lý tổ chức tưởng rằng thu được rất nhiều từ phí ban đầu, nhưng nếu không bảo đảm tỷ lệ tái tục hàng năm sẽ phải trả lại cho công ty bảo hiểm”, ông Linh chia sẻ bên lề một cuộc họp cổ đông.
Thiên tai và thách thức chưa từng có của bảo hiểm phi nhân thọ
Khác bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ phải đối mặt với khó khăn chưa từng có, khi bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào đất liền Việt Nam, gây ra thiệt hại lớn về tài sản trong quí 3-2024.
Thống kê từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tiếp nhận khoảng 14.772 thông tin thiệt hại về bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm xe cơ giới và các nghiệp vụ khác bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm nông nghiệp tính ngày 31-10-2024.
Còn tổng số tiền yêu cầu bồi thường về tài sản do bão ước tính ở mức 10.595 tỉ đồng tính tới 6-12, theo số liệu báo cáo cáo từ 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gửi Bộ Tài chính. Chiếm phần lớn trong số này là yêu cầu bồi thường tài sản và xe cơ giới.
Thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chi trả 580 tỉ đồng, chiếm khoảng 6% so với yêu cầu bồi thường. Nhưng điểm đáng lưu ý là tỷ lệ chi trả bảo hiểm cho tổn thất sau bão Yagi cao hơn 4-5 lần so với những cơn bão lớn trước đó.
Shi phí bồi thường tăng vọt sau bão, khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nhiều doanh nghiệp sụt giảm. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm cũng tác động tiêu cực lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm.
Thống kê từ báo cáo tài chính của 13 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết, có năm doanh nghiệp đã báo lỗ trong quí 3-2024. Trong đó, Tổng công ty bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) ghi nhận khoản lỗ lớn nhất, với mức 53 tỉ đồng. Tổng công ty tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) cũng lỗ gần 46 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 53 tỉ đồng.
Tổng công ty bảo hiểm hàng không (AIC), Công ty bảo hiểm ngân hàng nông nghiệp Việt Nam (ABIC), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (BLI) lần lượt báo lỗ 39 tỉ đồng, 16 tỉ đồng và 9,4 tỉ đồng.
Năm doanh nghiệp bảo hiểm khác không báo lỗ, nhưng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, gồm: Bảo Minh với mức giảm 52%; Tổng công ty tái bảo hiểm Hà Nội với mức giảm 47%; PVI với mức giảm 46%; Tổng công ty bảo hiểm Quân đội (MIG) với mức giảm 42%; Tổng công ty bảo hiểm ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) với mức giảm 31%.
Để ứng phó, Bảo Minh là doanh nghiệp đầu tiên điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận năm 2024, từ 377 tỉ đồng xuống 268 tỉ đồng. Đồng thời, hạ các chỉ tiêu như ROE tối thiểu và tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu.
Với BIC, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết có thể điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận nếu cần thiết sau khi có đầy đủ số liệu thiệt hại liên quan đến bão Yagi. Trước tiên, doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm, từ mức 5.570 tỉ đồng xuống 5.172 tỉ đồng.
Quyết định của các doanh nghiệp được đưa ra trong bối cảnh quí 3-2023 không phải giai đoạn duy nhất ngành bảo hiểm chịu áp lực từ chi phí bồi thường do bão Yagi.
Thông thường, hoạt động bồi thường sẽ có độ trễ, phụ thuộc vào quá trình giám định hiện trường và ghi nhận tổn thất. Do đó, trong quí 4-2024 và những tháng đầu năm 2025, sẽ là giai đoạn kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực.