Một miền thung lũng đượm hương đất, tình người

Thung lũng Ngàn Phố (Hương Sơn, Hà Tĩnh) xuất hiện từ kỳ Đại Tân Sinh, trải qua nhiều lần biến động của địa chất, hình thái ấy vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay.

Tôi vẫn thường hình dung như thế khi nghĩ về quê nhà Hương Sơn. Phong thổ ấy đã kiến tạo, dưỡng nuôi và giữ lại cho mảnh đất Hương Sơn thật nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo, quý giá. Trong đó, không thể không kể đến những con người kiệt xuất, đã để lại những di sản vô cùng quý giá cho dân tộc và nhân loại.

 Dòng sông Ngàn Phố chảy hiền hòa giữa đồng ruộng, núi non. Ảnh Ánh Dương

Dòng sông Ngàn Phố chảy hiền hòa giữa đồng ruộng, núi non. Ảnh Ánh Dương

Đã nhiều lần viết về mảnh đất Hương Sơn nhưng khi gõ những dòng chữ đầu tiên của bài viết này, cảm xúc của tôi thật mới lạ. Vẫn một niềm tự hào, vẫn một tình yêu ấy nhưng thay bằng vẻ thâm trầm là những ngọn sóng cảm xúc dâng trào mãnh liệt. Ấy là bởi, tôi cũng như bao người dân quê tôi đang háo hức sửa soạn cho sự kiện quan trọng - kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một trong rất nhiều người con ưu tú của mảnh đất Hương Sơn. Tuy ông không sinh ra và lớn lên ở đây nhưng lại lựa chọn quê mẹ làm đất lành để nuôi dưỡng chí lớn. Tôi và bao thế hệ người dân quê tôi cứ tiếp nhận điều ấy như một lẽ hiển nhiên mà chưa một lần nào đi tìm câu hỏi vì sao ông lại có sự lựa chọn như thế? Ngoài những lý do bắt nguồn từ người mẹ hiền thục của ông thì có lẽ thiên nhiên sơn thủy hữu tình của làng quê Tình Diệm bên bờ Ngàn Phố cũng như phong thổ khác thường của Hương Sơn đã níu bước chân ông. Như đã nói ở trên, thung lũng Ngàn Phố xuất hiện từ kỳ Đại Tân Sinh, bước vào Kỷ Đệ Tứ (Kỷ Nhân Sinh), biển lùi xa hàng trăm cây số, khu vực này trở thành lục địa.

 Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông ở núi Minh Tự (Sơn Trung - Hương Sơn).

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông ở núi Minh Tự (Sơn Trung - Hương Sơn).

Thung lũng Ngàn Phố được khép kín bởi dãy Trường Sơn cùng các nhánh núi lớn nhỏ của nó gồm Giăng Màn, núi Mồng Gà, núi Thiên Nhẫn, núi Nầm, núi Hoa Bảy... Giữa điệp trùng núi non ấy là con sông Ngàn Phố hiền hòa thơ mộng và hàng trăm nhánh sông, suối nhỏ. Sự hùng vĩ của núi đã hòa vào không gian tươi xanh của đồng ruộng, hòa vào dáng vẻ hiền hòa, dịu dàng của các dòng sông tạo nên nhiều cảnh sắc hữu tình, tạo nên tính cách của con người Hương Sơn.

Có lẽ vì quá yêu phong cảnh quê mẹ nên Hải Thượng Lãn Ông với nhiều cơ duyên khác đã quyết định lựa chọn Hương Sơn làm nơi rèn luyện y thư. Có lẽ cũng vì quá yêu sông núi ấy mà trong “Thượng kinh ký sự”, nhiều lần ông nhắc đến nỗi nhớ quê mẹ bằng tình yêu thiết tha với thiên nhiên cây cỏ: “Tôi ở trong nhà U trai; trước sân vài ba cây trổ hoa, kết quả, ngậm hương mang tuyết, ánh mặt trời chiếu xiên ngang, tạo nên những bóng hình tựa các bà phi nơi sông Tương ngồi quỵ. (…). Thỉnh thoảng mùi hương lạ bay qua. Chốn tây viên, trong ao phẳng lặng, cá nhởn nhơ nhô lên lặn xuống mà hớp lấy bóng trăng hoặc nuốt lấy làn sóng. Những con chim oanh hay hót, do chân tính của trời phú cho, thời thường tới những chỗ có bóng mát mà nhảy nhót tung tăng. Lúc ấy, tôi dắt tiểu đồng trèo lên núi, đưa mắt ngắm khói mây, biết bao hứng thú”; “... nơi cùng sơn tuyệt lĩnh, mây đầu non trăng mặt biển, một thú u nhàn mến tiếc chẳng rời, không biết khi nào mới được quay trở về đánh bạn cùng lũ hươu nai, chuyện trò mỗi chiều tà với bọn ngư tiều”…

 Có lẽ vì quá yêu phong cảnh quê mẹ nên Hải Thượng Lãn Ông đã chọn Hương Sơn làm nơi rèn luyện y thư. Ảnh Đình Nhất

Có lẽ vì quá yêu phong cảnh quê mẹ nên Hải Thượng Lãn Ông đã chọn Hương Sơn làm nơi rèn luyện y thư. Ảnh Đình Nhất

Đâu chỉ có Hải Thượng Lãn Ông chọn phong thổ ấy, lịch sử còn ghi lại rất nhiều sự lựa chọn của bao anh tài tứ xứ, làm dày thêm các vỉa tầng văn hóa của Hương Sơn. Sách xưa chép lại, đất Hương Sơn là đất lành nên nhiều tướng võ, văn thần lên đây dựng nghiệp. Đầu thế kỷ XV, vùng đất này đã ghi dấu bước chân cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan từ Bình Lãng Thượng lên ẩn ở vùng Kẻ Tàng, chiêu dân lập ấp, dựng nên xã Trại Đầu (xã Ân Phú - Vũ Quang ngày nay) và nhiều thôn nay thuộc xã Sơn Long, Sơn Trà.

Vùng đất này cũng lưu dấu công lao lập nên làng Bảo Thịnh, xã Dương Trai (xã Sơn Bình ngày nay) của Thái bảo Nguyễn Đúc Ly - con trai công thần khai quốc nhà Lê Nguyễn Lội từ Thanh Hóa về Đỗ Gia (khoảng 1470-1480). Hương Sơn xưa nay cũng nổi tiếng với dòng họ Đinh Nho, Tống Trần ở Gôi Mỹ (xã An Hòa Thịnh ngày nay) nhưng ít ai biết, lập nên tổ họ Đinh Nho là Đinh Phúc Diên, quê gốc ở Ninh Bình về đây từ năm 1530; lập nên họ Tống Trần là con cháu Tiến sĩ Tống Tất Thắng ở Nghệ An sang…

Cũng giống như tiến trình lịch sử của Hà Tĩnh, cư dân Hương Sơn đã chung sống hòa bình với những người từ nơi khác dạt về. Họ đã cùng nhau khắc chế thiên nhiên, tận dụng hệ sinh thái đa dạng để xây ấp, lập làng, phát triển sản xuất và đời sống, từ phát triển kinh tế vườn rừng, thu hái thảo mộc để chữa bệnh, họ đã biết chọn lọc các giống cây con bản địa để tạo nên các sản phẩm riêng có như cây cam bù, nghề nuôi hươu nổi tiếng khắp cả nước; biết trồng lạc, trồng mía, kéo che làm mật và phát triển nghề nấu kẹo cu-đơ thành đặc sản nổi tiếng…

Hơn thế nữa, họ đã cùng nhau nuôi chí lớn, ham học hỏi, trở thành một trong những vùng đất học nổi tiếng của xứ Nghệ. Người Hương Sơn học để giúp dân, giúp nước, để đấu tranh với kẻ thù, góp phần làm cho đất nước hùng mạnh hơn. Trong thời kỳ phong kiến, các làng quê giàu truyền thống văn hóa như: Xa Lang, Thịnh Xá, Hữu Bằng, Tuần Lễ, Gôi Vị… với những dòng họ nổi tiếng khoa bảng như: Đinh Nho, Nguyễn Khắc, Tống Trần, Hà Huy, Lê Khánh, Đào Duy…, đã dâng hiến cho đất nước những người con hiền tài, lỗi lạc như: Hiến sát sứ Nguyễn Kính Hài, Đô Ngự sử Nguyễn Tử Trọng, Hoàng giáp Nguyễn Văn Lễ, Tiến sĩ Đinh Nho Công, Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, Tổng binh đồng tri Đinh Nho Côn, Tiến sĩ Đinh Nho Điển, Hoàng giáp - Bố chánh Phạm Huy, danh sĩ Lê Hữu Tạo, Thượng thư Đào Hữu Ích, Thượng thư Bộ Lễ triều Nguyễn - Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện… cùng các danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện, Văn Đình Dận, Cao Thắng...

Nối gót truyền thống, người dân Hương Sơn tiếp tục trau dồi tinh thần hiếu học, yêu nước. Trong đó, nhiều người có những cống hiến to lớn cho Tổ quốc như: nhà cách mạng Hà Huy Giáp; nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm; Thượng tướng Lê Minh Hương - nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; Trung tướng, Giáo sư Lê Xuân Lựu; Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm; Giáo sư - nhà ngôn ngữ học Lê Khả Kế; Giáo sư văn học Phong Lê cùng rất nhiều giáo sư, tiến sỹ đầu ngành trong nước và nước ngoài. Thống kê mới nhất của huyện Hương Sơn cho thấy, toàn huyện hiện có hơn 200 người con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đang hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế trong và ngoài nước.

Hôm nay, trong niềm vui Đại danh y Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh, những người con Hương Sơn khắp mọi miền đất nước lại nôn nao hướng về quê nhà; rưng rưng niềm tự hào khi nghĩ về thế hệ cha ông; trào dâng niềm tin yêu và hy vọng khi nghĩ về hương đất, tình người Hương Sơn, về những thời cơ, vận hội, những hướng đi đúng đắn để khai thác tiềm năng, lợi thế về văn hóa, du lịch trên thế núi, hình sông ấy…

Anh Hoài

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/mot-mien-thung-lung-duom-huong-dat-tinh-nguoi-post279806.html
Zalo