Một luật sửa 7 luật để tháo 'điểm nghẽn', thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 7-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nêu rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật trên để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách… Đây cũng là quan điểm của các đại biểu khi thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: media.quochoi.vn

Góp ý về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong khi ngân sách nhà nước cấp còn thiếu, nhiều bệnh viện công lập mong muốn được liên doanh, liên kết xây mới cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị y tế. Khi đó, quyền sử dụng đất cũng cần thiết được pháp luật quy định tính vào giá trị liên doanh, liên kết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho bệnh viện.

“Nhằm tăng cường các nguồn lực xã hội đầu tư cho y tế, tôi kiến nghị bổ sung vào khoản 1 điều 58 nội dung, đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết”, đại biểu Nguyễn Tri Thức nêu.

Đại biểu cũng kiến nghị làm rõ việc xác định giá trị tài sản thương hiệu của đơn vị sự nghiệp y tế trong liên doanh và cần quy định cụ thể trường hợp nào được xác định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trường hợp nào được sử dụng xác định pháp luật về sở hữu trí tuệ, không nên quy định nhiều hình thức và chung chung như hiện nay.

Góp ý về điều 3 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) cho rằng, khi điều tra, xử lý một số vụ án lớn cho thấy trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, trong đó có tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên báo cáo thiếu trung thực. Do vậy, phải tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt đối với vi phạm nghiêm trọng, để đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, tăng như thế nào cần phải cân nhắc, phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả, đối tượng vi phạm và bảo đảm tương quan chung với các lĩnh vực khác.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội). Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội). Ảnh: media.quochoi.vn

Góp ý về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) đề nghị, Chính phủ rà soát để bảo đảm quy định tại dự thảo luật phù hợp, đồng nhất với các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, khái niệm, định nghĩa hành vi thao túng thị trường chứng khoán cũng cần được làm rõ, cụ thể.

“Hiện việc sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra phổ biến, do vậy ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định có khả năng bao quát các hành vi được thực hiện bởi nhiều công cụ”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nói.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội). Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội). Ảnh: media.quochoi.vn

Góp ý về sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm nội dung mà hiện nay các ngân hàng thương mại nhà nước đều đang gặp vướng mắc. Đó là khi kiểm toán nhà nước kiểm toán báo cáo tài chính, có yêu cầu điều chỉnh số liệu làm lợi nhuận tăng thêm thì ngân hàng thương mại vừa phải nộp phí cho thời gian chậm nộp, vừa bị nộp phạt 20% phần tăng thêm theo quy định tại Điều 142 Luật Quản lý thuế.

Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào khoản 5 điều 59 về các trường hợp không tính tiền chậm nộp; xử lý việc chậm nộp tiền thuế đối với trường hợp doanh nghiệp có điều chỉnh tăng lợi nhuận theo yêu cầu của kiểm toán nhà nước.

Giải trình làm rõ thêm nhiều nội dung

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: media.quochoi.vn

Cuối giờ thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Thủ tướng cho biết, việc sửa Luật Ngân sách nhà nước lần này để giải quyết những "điểm nghẽn" trong thời hạn ngắn. Còn trong nhiệm kỳ tới, Luật Ngân sách nhà nước sẽ sửa theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.

Đối với Luật Đầu tư công, quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn được sửa giúp xác định, cân đối tài khóa, không bị phá vỡ trong một nhiệm kỳ, tránh xảy ra hiện tượng không có tiền vẫn chi rồi dẫn đến nợ nần mà nhiệm kỳ sau phải chịu.

Những khoản thu phát sinh trong năm ngân sách được bố trí để chi vào dự án, công trình cần thiết chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

“Dự phòng ngân sách là để cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, vấn đề an ninh, quốc phòng và một số khoản chi đột xuất khác, số còn lại được đưa vào chi đầu tư công và rõ ràng thẩm quyền, có trách nhiệm cụ thể”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề tài sản liên doanh, liên kết, Phó Thủ tướng cho biết, điều này đã quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Còn vấn đề đất đai thực hiện theo Luật Đất đai.

Các đơn vị sự nghiệp công lập có quyền liên doanh, liên kết để thực hiện các dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tuy nhiên không được để làm mất tài sản công, không được để làm mất đất.

“Ví dụ, một doanh nghiệp liên doanh với đơn vị sự nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy. Sau khi hoàn thành hợp đồng phải trả lại đất, tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập, không được lấy đất của đơn vị sự nghiệp công lập, vì đây là tài sản công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về Luật Chứng khoán, trước ý kiến của đại biểu cho rằng phạt gấp 20 lần là cao quá, thời gian 2 năm là dài quá, Phó Thủ tướng cho biết, nếu vi phạm Bộ luật Hình sự thì đương nhiên phải khởi tố hình sự. Nếu chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội phải phạt ở mức cao để có tính răn đe…

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mot-luat-sua-7-luat-de-thao-diem-nghen-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-683780.html
Zalo