Một lớp dân tộc nội trú trong chiến tranh khói lửa
Hầm làm nơi học âm sâu người đứng đến ngực, bàn ghế làm bằng cây mum, bảng đen làm bằng một tấm tôn máy bay Mỹ bị bắn rơi tại chỗ. Mái nhà lợp lá trung quân. Nơi ở của học viên, thầy giáo, cấp dưỡng… được tổ chức như một làng chiến đấu. Học viên, thầy giáo đều là chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu…
MỘT LỚP DÂN TỘC NỘI TRÚ TRONG CHIẾN TRANH KHÓI LỬA
(Báo Bình Phước, 25-11-1998)
Ba mươi năm đã qua, lúc đó tôi là một cán bộ chuyên trách công tác giáo dục ở Ban Tuyên huấn khu 10. Những ngày đi công tác cơ sở thăm lớp là những ngày để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Trong ký ức tôi còn nhớ đậm về một lớp dân tộc nội trú ở Bù Gia Mập đầy sắc thái “đánh địch để tồn tại”.
Đã qua mùa mưa lũ, lũ vắt đã bắt đầu thun rút ẩn mình trong lá ủ. Chiều hôm đó, tôi và đồng chí Nguyễn Quốc Trung, Huyện ủy viên phụ trách công tác giáo dục của Bù Gia Mập ung dung cùng đi xuống lớp nội trú vừa mới chiêu sinh. Tôi hình dung huyện ủy mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Quốc Trung đã phải biết bao cố gắng vượt qua. Thời kỳ này Mỹ đang chuyển cuộc chiến tranh Việt Nam từ chiến lược “chiến tranh cục bộ” sang chiến lược “chiến tranh Việt Nam hóa”. Mỗi lần chuyển chiến lược chiến tranh là mỗi lần chúng tăng cường sức mạnh, thay đổi cách đánh. Cho dù chúng xuống thang chiến tranh nhưng với sức mạnh được tăng cường, chúng đánh phá vùng giải phóng, vùng căn cứ đến xơ xác tiêu điều.
Giữa cảnh chiến tranh gay gắt, khốc liệt đó, ngành giáo dục vẫn thật sự trụ vững. Lớp học nội trú vẫn được chiêu sinh, chỉ tiêu 50 nhưng đến lớp được 40, gồm 13 học viên thanh toán nạn mù chữ và 27 học viên vào lớp 1, hình thành 2 lớp học và chung 1 căn cứ ăn ở. Lớp học được huyện ủy đài thọ ăn uống, giấy bút… Thông qua đồng chí Nguyễn Quốc Trung, huyện ủy tổ chức lớp, động viên học tốt, dạy tốt.
Hầm làm nơi học âm sâu người đứng đến ngực, bàn ghế làm bằng cây mum, bảng đen làm bằng một tấm tôn máy bay Mỹ bị bắn rơi tại chỗ. Mái nhà lợp lá trung quân. Từ hầm lớp học có hệ thống giao thông hào dẫn đến các hầm chữ A tránh bom pháo ác liệt. Nơi ở của học viên, 2 thầy giáo, 2 cấp dưỡng và vài ba khách vãng lai được tổ chức như một làng chiến đấu, lớp được trang bị 25 cây súng gồm AK, CKC, trường bá đỏ và một số lựu đạn. Học viên, thầy giáo đều là chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu. Nếu địch ném bom, bắn phá là vào hầm tránh né, nếu địch càn quét thì dựa vào công sự hầm hào chiến đấu. Đi học cũng phải đổ xương đổ máu nữa sao? Vâng, Mỹ - ngụy có chừa ai đâu! Phải sẵn sàng chiến đấu hy sinh để được học. Và một không khí tự tin, bình dị, yên tĩnh đối phó với tình huống chiến tranh để học tập thật hiếm thấy. Đó là bản lĩnh đã hình thành và tồn tại trong đời sống của nhân dân cả vùng này. Không tự tin, bình tĩnh, đơn giản hóa vấn đề Mỹ đánh và đánh Mỹ làm sao dạy và học được!
Lớp được chiêu sinh là để dạy và học. Sự sống ở đây không có mục đích nào cao hơn là học. Học để phục vụ đồng bào mình, học để công tác thật tốt, học để đánh thắng Mỹ - ngụy. Học viên tự xác định như vậy nên đã hết sức cố gắng học. Ở lớp thanh toán nạn mù chữ đa số học viên lớn tuổi, tiếp thu khó khăn, không quen ngồi lâu, lên lớp nhiều học viên buồn ngủ, nhưng với tinh thần ham học, kết hợp với công tác tổ chức lớp chặt chẽ, học viên đã từng bước tiếp thu tốt bài vở. Giáo cụ trực quan được sáng tạo, vận dụng triệt để, tối đa trong giảng dạy, vận dụng các phương pháp sư phạm chung gắn liền với tính đặc thù của tâm lý đồng bào dân tộc để giảng dạy. Các phương pháp nghe để nhớ, thấy để nhớ, đọc để nhớ, viết để nhớ và dịch để nhớ được vận dụng rất sinh động. Với cách trình bày cụ thể, người thầy giáo đã thu hút được mọi sự chú ý tiếp thu của học viên. Đối với học viên lớp 1, kết hợp với phương pháp sư phạm, vấn đề tập luyện và dạy xen kẽ các môn được chú trọng đặc biệt. Luyện đọc, luyện viết, luyện nói, luyện dịch xen kẽ nhau. Tập đọc, chính tả, tập làm văn học tính xen kẽ nhau, không bỏ môn nào trong ngày không ôn tập.
Học viên tiếp thu kiến thức đạt khả quan, lớp tiến bộ nhanh, niềm vui của lớp được nhân lên. Tiếng cười cười nói nói, phấn khởi tự hào thoải mái biểu thị một sự tiến bộ, một kết quả đáng khích lệ. Không khí mừng vui giản dị, hồn nhiên, thân thiết tràn vào lớp học. Lớp như có một phép màu nhiệm đem lại cho học viên một thứ của riêng đặc biệt từ bao đời nay chưa có.
Các lớp dân tộc nội trú ở Bù Gia Mập từ đó được tổ chức liên tiếp cho dù khó khăn chồng chất. Có lúc lớp phải ngưng dạy để đi đào củ, hái rau về tự túc ăn học. Sau đó thành lệ cứ 10 ngày học viên được nghỉ 2 ngày để về thăm buôn sóc, và tìm thêm thức ăn bổ sung cho lớp.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, công tác giáo dục như được thời cơ phát triển. Mỗi huyện của tỉnh Bình Phước đều có trường dân tộc nội trú, trường lớp trong buôn sóc được xây dựng đều khắp, số người được thanh toán nạn mù chữ ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngành giáo dục đã trải qua những bước khó khăn để góp phần vào sự phát triển toàn diện trong vùng đồng bào dân tộc. Đặc biệt là đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc nhằm thực hiện chính sách “đoàn kết, bình đẳng tương trợ” của Đảng và Nhà nước ta.
Ba mươi năm qua, đất nước từ chiến tranh sang hòa bình và đã bước lên chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. “Lão lai tài tận”, chỉ còn một chuỗi ngày ghi nhớ, tôi ghi lại một kỷ niệm khô khan trong thực tế chiến trường để đối chiếu với sự nghiệp phát triển ngành và động viên nhau trong cuộc chiến đấu mới.