Một khi 'long mạch' Cà Ty được khơi thông

Với tiềm năng, tài nguyên sẵn có, sông Cà Ty mang diện mạo văn hóa, bản sắc đặc trưng vùng biển Phan Thiết từ đời sống sinh hoạt cho đến ẩm thực. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch ven sông này chưa được phát triển xứng tầm.

Giao thoa, hội tụ

Sông Cà Ty bao đời nay gắn bó với người dân Phan Thiết trong đời sống sinh hoạt và văn hóa. Sông Cà Ty bắt nguồn từ phía núi của xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) mang dòng nước ngọt, đến khu vực hạ nguồn chảy ngang qua lòng thành phố Phan Thiết, rồi đổ ra cửa biển Cồn Chà. Nước sông Cà Ty ở khu vực hạ nguồn là nước lợ do ảnh hưởng lên xuống theo thủy triều mỗi ngày. Nhờ vậy, sông Cà Ty có nước quanh năm. Hai bên bờ sông Cà Ty đoạn từ cầu Trần Hưng Đạo đến gần cầu Dục Thanh được đầu tư, thiết kế có kè bảo vệ, công viên cây xanh, hành lang đi bộ, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống chiếu sáng, bãi đỗ xe… Một lợi thế của thiên nhiên cùng với sự đầu tư, tạo ra cảnh quan ven sông Cà Ty xanh - sạch - thoáng mát.

Cầu Lê Hồng Phong, TP. Phan Thiết. Ảnh: N. Lân

Cầu Lê Hồng Phong, TP. Phan Thiết. Ảnh: N. Lân

Sông chảy giữa lòng thành phố, hai bờ sông mang nhiều tài nguyên văn hóa đặc trưng. Bên ngạn Bắc của sông là khu hành chính, cạnh bờ sông có Tháp Nước - biểu tượng của Phan Thiết. Bên ngạn Nam của sông là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Cụ thể, có Trường Dục Thanh nơi Bác Hồ dừng chân dạy học và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Kế tiếp, là chợ Phan Thiết, chùa Quan Đế Miếu (chùa Ông)… Cùng với đó, là những di tích đình làng, dinh vạn đình cổ kính mang đậm nét văn hóa lịch sử như đình làng Đức Nghĩa, đình làng Đức Thắng, vạn Thủy Tú nơi giữ gìn giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ cá voi (cá ông) của ngư dân Phan Thiết - trưng bày bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á. Xuôi theo dòng đến Cảng vận tải nằm bên ngạn Bắc, Cảng cá Cồn Chà nằm bên ngạn Nam không khí nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền ra vào mua bán, hàng quán đặc sản tạo quang cảnh “trên bến dưới thuyền”.

Quy hoạch, đầu tư du lịch ven sông

Dòng Cà Ty uốn lượn, êm đềm chảy ngang qua giữa lòng Phan Thiết, làm cho bức tranh thiên nhiên ở đây mang nét đẹp thơ mộng và những nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương. Một số hoạt động được tổ chức trên dòng sông này như lễ hội đua thuyền, thả hoa đăng… Không những thế, dòng Cà Ty là nơi nuôi sống của nhiều gia đình qua bao thế hệ bằng nghề chài lưới, đặt lợp trên sông…

Với những nét đẹp thiên nhiên, trong không gian xanh và tài nguyên văn hóa lịch sử sẵn có của 2 bên bờ sông Cà Ty, dòng sông này mang diện mạo văn hóa, bản sắc đặc trưng vùng biển Phan Thiết từ đời sống sinh hoạt cho đến ẩm thực - một tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch ven sông. Theo dòng thủy triều, du khách có thể câu cá dùng lưỡi câu hoặc không dùng lưỡi câu vẫn câu được cá; chèo thuyền trên sông cảm nhận sự lênh đênh ở vùng hạ nguồn con sông; dạo bờ sông tận hưởng không khí - gió mát, chụp hình check-in. Du khách có thể viếng thăm Trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh… khám phá khu dân cư, làng chài ven sông bằng xe đạp…. Ghé chợ Phan Thiết hoặc những quán ăn để thưởng thức ẩm thực, đặc sản ngay tại chỗ, thậm chí mang về làm quà tặng cho người thân…

Đáng tiếc, thực tế, tiềm năng lợi thế sẵn có ven sông Cà Ty hiện chưa được khai thác xứng tầm. Để cảnh quan ven sông gắn kết với phát triển du lịch, một bài toán quy hoạch tổng thể, xây dựng chiến lược về sản phẩm du lịch, tour du lịch ven sông Cà Ty cần được thiết kế, đầu tư 1 cách bài bản. Kết hợp với quảng bá, là sự chung tay của cộng đồng. Điều này tạo ra điểm nhấn du lịch ven sông Cà Ty vẫy gọi khách đến, mang lại cho du khách những cảm nhận khó quên. Và hứa hẹn không xa nữa “long mạch” Cà Ty được khơi thông.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/mot-khi-long-mach-ca-ty-duoc-khoi-thong-122830.html
Zalo